Trải lòng của nữ nghệ nhân duy nhất làm đèn ông sao ở Hà Nội
2015-09-17 05:35
- Với những thanh tre, dây thép; nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (Hoài Đức, Hà Nội) nhanh chóng hoàn thiện chiếc đèn ông sao cho con trẻ chơi trung thu.
Tin liên quan
Những ngày này, khi không khí trung thu đang tràn ngập trên khắp phố phường cũng là thời điểm chị Nguyễn Thị Tuyến (Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) lại tất bật chuẩn bị đèn ông sao phục vụ con trẻ chơi Tết Trung thu. Là nữ nghệ nhân duy nhất còn gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống, đến nay, trải qua bao thăng trầm nhưng chưa khi nào chị có ý định bỏ nghề.
Nặng lòng với chiếc đèn ông sao 5 cánh
Có mặt tại nhà chị Tuyến thời điểm hiện tại, không khí sản xuất vô cùng khẩn trương để hoàn thiện nốt các đơn hàng khách đặt. Khắp trong nhà, ngoài sân, tre nứa được phơi la liệt bên cạnh những chiếc đèn ông sao đang được làm dang dở. Hầu hết các sản phẩm chị làm ra là phục vụ cho trường học, cơ quan, đoàn thể làm quà tặng cho các em nhỏ.
Chị Tuyến chia sẻ, trước đây Hậu Ái là làng nghề sản xuất đèn ông sao có tiếng phục vụ khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc. Khi còn nhỏ, mỗi dịp trung thu về, khi nghe tiếng trống múa lân, chị lại cùng các bạn cùng trang lứa cầm đèn ông sao ra rước ngoài sân đình. Có lẽ, những hình ảnh đẹp đẽ của tuổi thơ đó đã giúp chị thêm động lực là người duy nhất trong làng còn giữ được nghề truyền thống cha ông để lại.
Không gian phòng khách được chị Tuyến sử dụng làm nơi sản xuất.
Trước đây, khi chuẩn bị đến rằm tháng 8, tại Hậu Ái, khắp ngõ sâu ra ngoài đường lớn, những thanh tre, thanh nứa của người dân được phơi la liệt. Nhà nào cũng huy động toàn bộ nhân công sản xuất để có hàng giao cho khách. Càng về sau, khi cuộc sống hiện đại, người tiêu không còn mặn mà với đồ chơi truyền thống nên chẳng ai trong làng còn theo nghề. “Cả làng chỉ còn lại mình tôi. Giờ đây, cứ đến rằm trung thu, bà con trong làng lại tới đặt tôi làm lồng đèn cho con cháu họ. Nhìn những đứa trẻ thích thú cầm đèn ông sao của tôi làm ra và vui chơi ngoài đường trong đêm trung thu như tiếp thêm sức mạnh để tôi theo nghề”, chị Tuyến tâm sự.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng chưa khi nào chị có ý định bỏ nghề.
Để làm ra một chiếc đèn ông sao cũng không hề đơn giản. Sau khi chọn được nguyên liệu, công đoạn cưa và chẻ nan vô cùng quan trọng. “Để cưa nan đều và đẹp, đối với đàn ông đã khó nhưng đối với phụ nữ còn vất vả hơn nhiều. Một tay cầm cưa, một tay cầm tre nên việc chân tay bị xước da là điều bình thường. Làm mãi rồi cũng thành quen. Tre nứa cũng phải vót và phơi khô từ trước để tránh ẩm mốc, mối mọt. Hiện tại, cả làng chỉ còn mình tôi theo nghề nên việc chuẩn bị nguyên liệu cũng phải cách đây vài tháng”, chị Tuyến chia sẻ.
Luôn mong mỏi có người yêu thích và theo nghề
Các công đoạn sản xuất đèn ông sao vô cùng vất vả, thời gian bỏ ra khá nhiều, hơn nữa một năm chỉ có một mùa nhưng mỗi sản phẩm chị bán ra chỉ dao động trong khoảng 20.000 đồng – 30.000 đồng/chiếc. Lợi nhuận mỗi mùa chỉ đáng giá vài triệu đồng. Tuy nhiên, vì tình yêu con trẻ và niềm gắn bó với nghề giúp đã giúp chị duy trì làm đèn ông sao trong suốt 40 năm qua.
Một số nguyên liệu chị Tuyến chuẩn bị để mang lên Bảo tàng Dân tộc học.
Bận bịu là thế, nhưng hàng năm, cứ sát rằm trung thu, chị lại dành ra vài ba ngày tới Bảo tàng Dân tộc học (Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy) và các khu nhà cổ trên phố Mã Mây và Hàng Đào (Hoàn Kiếm) để dạy các em nhỏ làm đèn ông sao. “Trước đây, ở thế hệ chúng tôi, làm đèn ông sao là vì miếng cơm, manh áo. Giờ xã hội tiên tiến, đồ chơi ngoại nhập nhiều nên việc các cháu nhỏ thích thú làm các đồ chơi truyền thống khiến tôi vô cùng vui mừng. Vào dịp này, dù có bận rộn tới đâu tôi cũng dành thời gian lên Thủ đô để dạy dỗ cho các cháu. Giờ chỉ mong các cháu nhỏ yêu thích, tìm tòi và học nghề là đủ”, chị Tuyến trải lòng.
Những chiếc đèn ông sao có màu sắc sặc sỡ sẽ là món quà ý nghĩa của chị dành tặng các em nhỏ mỗi dịp trung thu về.
Vài năm nay, cô con gái của chị cũng bắt đầu học làm đèn ông sao và có ý định sau này tiếp tục kế nghiệp chị. “Thời gian trước, thấy cháu có vẻ chăm chỉ học làm lồng đèn nên tôi đã tận tình chỉ bảo. Hiện tại, các sản phẩm cháu làm ra không kém so với tôi làm. Những hôm nhiều việc, hai mẹ con thức tới tận đêm khuya để làm. Có người trong gia đình chấp nhận theo nghề là tôi thấy an ủi lắm rồi”, chị Tuyến hồ hởi chia sẻ.
Hoàng Sa
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Chọn yêu một người đàn ông