Tết lặng lẽ ở xóm chạy thận: "Tôi về quê 1 ngày rồi lại lên Hà Nội"
Tin liên quan
Những ngày giáp Tết, con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng – Hà Nội) trở lên vắng vẻ lạ thường. Những người đi làm, sinh viên trọ quanh xóm đã rục rịch kéo nhau về quê ăn Tết chỉ còn lại những người bệnh ngồi đơn côi trong căn phòng nhỏ hẹp.
Xóm chạy thận có tổng cộng 60 phòng trọ với gần 150 bệnh nhân sống quây quần bên nhau. Có những người mới tới, cũng có những người đã gắn bó hàng chục năm tại xóm trọ nhỏ này.
Người sống trong xóm đa số là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, từ nơi xa đến không tiện đi về nên phải ở lại. Hoàn cảnh của mỗi người không giống nhau nhưng họ chung nhau ở nỗi khổ vì bệnh tật, chung nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương….
Xóm chạy thận đơn sơ nằm sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị
Trong căn phòng chật hẹp chưa đầy 10m2, chỉ đủ kê 2 chiếc giường đơn, cô Oanh (Hải Dương) - phó ban liên lạc của xóm thận lắc đầu chia sẻ: “Mắc căn bệnh này là mắc phải căn bệnh nhà giàu. Có giàu mấy cũng không cứu vãn được. Sống nhờ những chiếc máy chạy thận được ngày nào hay ngày đấy.”
Mỗi bệnh nhân chạy thận phải được lọc máu 3 lần/tuần bằng máy với chi phí cao. Dù đa số bệnh nhân đều đóng bảo hiểm y tế để được chi trả chi phí khám chữa bệnh nhưng chi phí cho sinh hoạt, ăn ở, thuốc men… cũng tiêu tốn của họ vài triệu mỗi tháng. Đây là con số không hề nhỏ đối với những gia đình làm nông nghiệp.
Cô Trầm (Lạng Sơn) chia sẻ: “Lúc đầu mới đến lạ nước lạ cái may được mọi người trong xóm chỉ dẫn về đây ở. Cả tiền sinh hoạt, tiền phòng, thuốc men và khám chữa bệnh mỗi tháng gia đình cô phải chi gần 7 triệu đồng. Sống cùng những người có hoàn cảnh như mình nên dễ dàng hơn. Người vào đây sống xem như bệnh đã nặng, xác định phải ở cả đời.”
Người bệnh tự lo sinh hoạt hàng ngày của mình
Có những người ở trong xóm hơn chục năm, chứng kiến biết bao lần có người ngã bệnh rồi ra đi nên với họ cái chết trở nên bình lặng. Họ chỉ sợ lúc nhắm mắt xuôi tay không kịp nhìn mặt người thân, không kịp nhắn nhủ điều gì.
Tết chỉ có 1 ngày
Nhắc đến Tết, gương mặt mỗi người đều trở nên buồn bã. Có những người sức khỏe yếu và số lần chạy thận trong tuần dày đặc nên không thể về quê. Nhưng có những người, lịch chạy thận vào ngày mùng 2 Tết nên tranh thủ về quê được 1 ngày rồi lại phải lên ngay.
Với những người phải ở lại, Tết chỉ là những ngày tất cả thành viên trong xóm quây quần lại, hỏi thăm bệnh tình của nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện buồn vui.
Anh Tuấn (42 tuổi – Nam Định) là một cư dân ở xóm chạy thận được 14 năm nay. Năm 28 tuổi, anh phát hiện mình mắc bệnh suy thận và phải chuyển lên điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Ban ngày, anh làm xe ôm tại cổng bệnh viện kiếm tiền chữa bệnh, đêm đến anh làm bạn với chiếc máy lọc máu âm thầm trong bệnh viện.
Anh không còn nhớ nổi trong suốt 14 năm xa gia đình đó anh đã được về đón Tết bao nhiêu lần, vì với anh Tết không còn ý nghĩa nữa. Anh chia sẻ: “Năm nay, tôi lại không về ăn Tết vì lịch chạy vào đúng mùng 1 Tết. Có về cũng chỉ được 1 ngày rồi lại phải lên ngay".
May mắn hơn anh Tuấn, cô Oanh (Hải Dương) - phó ban liên lạc của xóm hóm hỉnh chia sẻ: “Lịch chạy của tôi vào mùng 2 Tết nên tranh thủ về quê được. Về thắp hương rồi lại đi chứ người bị bệnh thận như tôi cũng không thể ăn uống như bình thường. Xa cái máy chạy thận lâu, tôi cũng nhớ lắm.”
Người bệnh trên tay mang nhiều u cục do vết kim tiêm truyền
Dù nở nụ cười trên môi, nhưng sắc mặt tái xanh, đôi bàn tay nổi đầy u cục do vết kim truyền cắm đã cho thấy phần nào tâm tư của họ trong những ngày giáp Tết. Nụ cười gượng gạo để tự trấn an bản thân mình không được gục ngã, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật khiến chúng tôi trĩu lòng.
Châu Loan
(Theo Congluan)
Xem thêm clip: Cụ già bán rau gây xúc động mạnh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất