Nỗi niềm gia đình gần 30 năm sống trong... nghĩa trang

2014-12-02 20:00
- Gần 30 năm qua, lần lượt các thế hệ lớn nhỏ của gia đình bà Nghĩa đã coi chốn nghĩa trang là nơi nương náu an bình.

Tận sâu đáy lòng của bà Nghĩa và những người con, cháu của bà, nghĩa trang Bình Hưng Hòa mà họ đang sinh sống hàng ngày đã trở thành một phần máu thịt. Và nếu phải rời khỏi chốn này vì bất cứ lý do gì, đó đều là một sự thay đổi quá lớn. Bởi, họ vẫn xem việc săn sóc những linh hồn đã khuất đang trú ngụ nơi này là một việc làm nghĩa đạo, tạo phúc đức cho con cháu về sau.

 

Vật lộn mưu sinh

 

Từ đầu những năm 80, bà Trần Thị Nghĩa cùng mẹ và các anh chị em khác phải dắt díu nhau từ nếp nhà xưa cũ ở đường Lò Gốm, Quận 6 (Tp. HCM) lánh sang nơi ở mới là nghĩa địa Bình Hưng Hòa (P. Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân).

 

 

 

Thuở mới đặt chân lên khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nơi đây chỉ lác đác những mộ phần được chôn cất trước đó, cùng với đó là sự xuất hiện của những băng nhóm giang hồ tứ chiếng. Cả gia đình lúc mới vào tá túc ở góc nghĩa trang cũng đã bị những người này đến “hỏi thăm”, nhưng rồi bà Nghĩa cũng phải kiên cường lắm mới tồn tại được.

 

"Hồi đó mà tôi hiền là bị bọn chúng nhai đầu rồi chứ không đùa, cũng phải dữ lắm mới sống ở nơi này được. Tôi chỉ mong có được cái góc nhỏ để dựa lưng, sinh sống yên ổn thôi chứ có muốn gì hơn đâu”, bà Trần Thị Nghĩa hồi tưởng về một thời khốn khó xưa kia mà gia đình bà phải đối mặt.

 

Để bươn chải cuộc sống nuôi thân, mấy con người trong gia đình lúc đó phải làm lụng đủ việc, từ gánh phân, nhổ cỏ đến làm rẫy thuê. Ai thuê gì làm nấy, bà Nghĩa và các anh chị em chỉ mong kiếm chút tiền công để sống qua ngày.

 

Hiện giờ, gia đình 3 thế hệ của bà Trần Thị Nghĩa có 9 người cùng chung sống với nhau dưới một tổ ấm – là 3 căn chòi nhỏ lụp xụp nối liền nhau được chắp vá từ những vật liệu lượm nhặt khắp nơi đem về. Những vật dụng trong nhà, từ chiếc bàn, cái ghế đến chiếc quạt, cái tivi cũng đều là đồ cũ gia đình nhặt về hoặc được người ta cho.

 

 

Trải qua giai đoạn mưu sinh nhọc nhằn thuở ban đầu, đến bây giờ cuộc sống của gia đình bà Nghĩa vẫn chưa hết long đong. Từ người lớn trụ cột trong nhà cho đến đám trẻ con cháu, chắt đều phải chắt chiu, thu vén nhiều bề mới đủ gạo ăn mỗi ngày.

 

Bà Nghĩa sau nhiều năm làm phụ hồ, nay sức khỏe giảm sút lại đi phụ bán quán cà phê gần nghĩa trang, kiếm ít tiền công về mua gạo cho mấy miệng ăn trong nhà.

 

Đứa cháu ngoại sinh năm 2008 tên là Trần Hoàng Phúc cũng đã biết làm việc vừa sức để phụ bà ngoại và mẹ kiếm cơm. Cứ vài ba ngày, Phúc xách bao đi xung quanh khu nghĩa trang để hái sâm đất (một loại cây có tác dụng an thần, trị mất ngủ). Số tiền công hái sâm đất người ta trả không nhiều nhưng cũng đủ tiền đong gạo cho bữa ăn. Nhìn cậu bé hơn 6 tuổi này trong thân hình lem luốc, chân trần tung tăng khắp các góc ở nghĩa trang càng thấy cuộc sống của gia đình dường như chưa bao giờ đủ đầy, sung túc.

 

Cũng bởi cảnh nghèo túng cứ đeo đẳng, nên mấy đứa trẻ trong nhà phải chịu sự thua thiệt so với bạn bè cùng trang lứa, không được ăn học đàng hoàng. Cháu gái bà Nghĩa, em Trần Thanh Vân, đang học lớp 8 phải bỏ ngang việc đèn sách cũng vì nhà không đủ tiền cho em học thêm.

 

Hiện nay, chỉ còn mỗi em Trần Hoàng Long đang đi học tại trường THCS Nguyễn Trãi (Q. Tân Phú). Trần Hoàng Phúc, Trần Hoàng Long, Trần Thanh Vân và bé út 2 tuổi Trần Ngọc Diệu là con của chị Trần Hoàng Anh (30 tuổi, con gái bà Nghĩa).

 

Bé Diệu hết lim dim trên chiếc võng ngủ chốc lát rồi sau lại chập chững lẽo đẽo theo mẹ làm việc nhà. Khung cảnh êm đềm vậy đối với gia đình đã là nếp sống hàng chục năm nay.

 

Nói như chị Hồng (con gái bà Nghĩa), dù sao gia cảnh thế này đã là đỡ hơn bao cảnh đời túng quẫn khác: "Tôi nghĩ dù sao cũng còn có gạo ăn, chứ bao người khác còn khổ hơn mình. Giờ tôi chỉ mong có được việc gì làm cho ổn định, đủ xoay xở trang trải cho mấy mấy miệng ăn và chăm lo cho mấy đứa con ăn học tới nơi tới chốn”.

 

Gắn bó cả đời với những phần mộ

 

Hiện tại, cả gia đình bà Nghĩa cùng sinh sống trong khu đất thuộc Hội tương tế Thanh Hóa, lọt trong khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Theo bà Nghĩa, cái tên Thanh Hóa xuất phát từ việc những người Thanh Hóa đầu tiên vào đây mua mảnh đất này rồi về sau trở thành nơi chôn cất của nhiều người gốc gác bà con quê hương xứ Thanh.

 

Mấy chục năm qua, gia đình mấy thế hệ của bà Trần Thị Nghĩa phải sống trong cảnh đèn cầy, đèn dầu tù mù tăm tối. Ánh điện sáng mang đến diện mạo ấm áp hơn cho gia đình chỉ mới có được chừng 2 năm nay từ đường dây mắc nhờ của mấy hộ dân gần khu nghĩa trang.

 

 

 

Lâu nay bà Nghĩa và gia đình nghe phong thanh đến năm 2018 khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ được giải tỏa để xây dựng Trung tâm thương mại của Thành phố. Nhắc đến chuyện này, hầu như những người lớn trong nhà đều lo lắng. Họ lo rằng ngay cả mái nhà an yên lâu nay rồi sẽ không còn, cả nhà sẽ phải đi đâu về đâu khi việc chạy ăn từng bữa vẫn là gánh nặng.

 

Trong thâm tâm bà Nghĩa, chị Hồng, nghĩa trang nơi họ trú ngụ bao năm nay đã là nơi chốn thân thương. Cuộc sống của họ vốn gắn liền với những người đã khuất, những “người vô hình”.

 

Việc chăm nom, săn sóc các ngôi mộ tại khu nghĩa trang này đối với gia đình không chỉ là công việc, mà sâu xa, nhân văn hơn, là ẩn chứa tình người và mối liên hệ nhân – quả của đời người.

 

“Trước kia tôi đến đây, tôi có xin thưa với những người đã khuất, tôi thắp nhang trước khi đi ngủ”, bà Trần Thị Nghĩa tâm sự.

 

Cũng bởi có niềm tin vào thuyết luân hồi, nhân quả nên bà Nghĩa, chị Hồng và ngay cả những đứa nhỏ trong nhà cũng không việc gì lo lắng hay e dè về việc phải ở nơi nghĩa trang này. Vào những ngày lễ tết, chủ nhật, những con người trong gia đình lại luôn tay với công việc quen thuộc là chăm sóc cho những phần mộ an táng ở khu nghĩa trang này. Quét tước, sơn màu lại, nhổ cỏ đã trở thành thói quen.

 

Gắn chặt cuộc đời với việc chăm nom những ngôi mộ, giờ đây bà Nghĩa muốn sống trọn vẹn phần đời còn lại với không gian thân thuộc nơi nghĩa trang này. Nếu vì lý do gì phải chuyển đi nơi khác, sẽ là một nỗi buồn lớn. Bà Nghĩa bộc bạch: “Tôi sống ở đây đã mấy chục năm trời, đã quen thuộc lắm rồi không bỏ đi được”.

 

Cuộc sống mãi là một vòng tròn bất tận, nhưng trong vòng xoáy bất tận ấy, vẫn luôn chan chứa tình người đối đãi nhân nghĩa với nhau. Nhân quả thật công bằng, những “người vô hình” vẫn sẽ phù hộ cho những người đang sống biết quý mến.

 

Nguyễn Tùng

(Theo congluan.vn)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Tình yêu chưa bao giờ sai, cái sai có chăng là 'người yêu'...