Mưa đá xuất hiện nhiều: Nhớ cách phòng tránh để không chịu thiệt hại
2016-04-26 16:44
- Mùa hè là lúc mưa đá xuất hiện nhiều kèm hiện tượng thời tiết như gió mạnh và tố lốc. Để đề phòng thiệt hại cần nhớ những điều sau đây.
Tin liên quan
Trong những ngày gần đây, mưa đá liên tiếp xuất hiện tại nhiều địa phương. Trong đó, tối 23/4 vừa qua, tại Huyện Hoài Ân (Bình Định) xuất hiện mưa đá dạng viên. Tại xã Ân Hảo Đông và Ân Mỹ còn có gió xoáy dẫn đến nhiều nhà bị tốc mái. Theo thống kê, có khoảng 50 nhà bị tốc mái, nhiều trụ điện bị gãy đỗ, nhiều diện tích hoa màu bị ảnh hưởng, một số nơi lũ cục bộ gây cản trở phương tiện đi lại
Khoảng 11h ngày 23/4, cơn mưa đá xuất hiện ở xã Tr’hy rồi lan rộng ra các xã A Xan, Ch’ơm và Ga Ry của huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam).Trận mưa đá kèm giông lốc trắng xóa 4 xã vùng cao của tỉnh Quảng Nam. Hạt đá lớn bằng quả trứng gà mà theo người dân, họ chưa từng thấy trận nào lớn như vậy.
17h30 chiều 21/4, một trận mưa đá đã xảy ra ở các xã Tà Cạ, Hữu Kiệm, Hữu Lập và thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn. Trời mưa giông lớn kèm theo nhiều viên đá lớn. Các viên đá trút xuống nhiều, khiến người dân hoang mang. Nhiều người đi đường phải ghé vào quán ven đường để trú tránh.
Mưa đá nguy hiểm thế nào?
Vào mùa hè, nhất là sau những ngày thời tiết nắng nóng, thường xuất hiện những cơn mưa giải nhiệt. Mặc dù những cơn mưa này rất có ý nghĩa với người dân giúp xua tan nóng bức, cung cấp nước cho cây trồng. Nhưng do những nhiễu động, thay đổi nên nó tiềm ẩn đi kèm với các nguy cơ như tố, lốc, gió giật mạnh. Trong đó mưa đá cũng thường xảy ra. Mưa đá xảy ra là do luồng khí nóng và lạnh đột ngột gặp nhau. Sự xung đột giữa 2 khối khí này sẽ làm cho đối lưu phát triển mạnh. Hơi nước bốc lên cao sẽ ngưng tụ thành các hạt đá nhỏ. Sau đó các hạt đá đông kết, dính lại để tạo thành những hạt đá lớn hơn, rồi rơi xuống đất.
Cũng có cách giải thích khác, khi các đám mây ở gần mặt đất được luồng khí đưa lên cao trong nhiệt độ dưới -20 độ C. Điều này làm cho hơi nước trong mây biến thành hạt băng nhỏ. Trong khi, ở tầng mây thấp hơn có thể hơi nước chỉ là giọt có độ lạnh dưới 0 độ C. Luồng khí không khí tiếp tục đưa chúng lên cao tiếp xúc với các hạt băng làm cho hạt băng lớn hơn. Khi đến một trọng lượng nhất định chúng sẽ rơi xuống đất.
Bác sĩ đa khoa Văn Giàu cho rằng, mưa đá xảy ra lo ngại ảnh hưởng đến mùa màng, cây trồng, thậm chí hỏng mái nhà, các đồ dùng sinh hoạt nó còn có nguy hiểm với con người. Bởi kích thước của các viên đá dù lớn hay nhỏ khi rơi từ trên trời xuống sẽ có vận tốc lớn. Nếu rơi trúng đầu có thể gây chấn thương hoặc chảy máu, nặng hơn ảnh hưởng đến sọ não.
Theo tính toán, vận tốc rơi của viên mưa đá có thể lên đến 30-60m/s, thậm chí có viên đạt đến 90m/s. Với vận tốc nhanh chúng gây ra tiếng ồn, để lại dấu vết trên cơ thể như trầy xước hay đau đớn.
Cần chủ động phòng tránh
Tuy nhiên, hiện tượng mưa đá rất khó để phát hiện và dự báo. Do đó, vào mùa hè, mỗi người dân cần theo dõi sát dự báo thời tiết. Nếu có mưa giông sau 1 ngày hay nhiều ngày nắng nóng thì cần phải đề phòng hiện tượng thời tiết cực đoan trong đó có mưa đá.
Nếu đi đường mà gặp mưa đá cần phải vào nhà dân bên đường trú tạm. Nếu đang đi trên đường phải đội mũ bảo hiểm để giảm sự ảnh hưởng lên vùng đầu. Với vận tốc nhanh từ trên trời xuống, mưa đá có thể gây thiệt hại cho mái nhà. Do đó, người dân phải tăng cường gia cố nhà cửa nhất là hệ thống mái nhà. Mái nhà cần dùng vật liệu chắc chắn để tránh bị viên đá gây thủng, ảnh hưởng đến đồ dùng sinh hoạt bên trong.
Còn với cây trồng hoặc các loại hoa màu dễ chịu tác động do va đập của viên đá làm dập nát, người dân phải có dụng cụ che chắn. Có thể dựng giàn che dọc luống để giảm tác động khi hạt mưa đá va chạm. Khi mưa đá xảy ra tuyệt đối không đứng ngoài trời, không chạy ra ngoài nhặt đá vì có thể bị thương tích do viên đá rơi vào đầu và người.
Phương Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Chốt thời gian nghỉ Tết của học sinh Hà Nội