Hành trình xúc động của vợ chồng 20 năm chữa vô sinh

Thủy Nguyên 2016-09-06 06:39
- Nhìn hai con sinh đôi một trai, một gái đang ngơ ngác nhìn người lạ rồi khóc thét đòi vòng tay mẹ, chị Thủy không giấu được xúc động.

10 lần thụ tinh đau đớn không thành

Sau 20 năm rong ruổi khắp nơi chạy chữa vô sinh, giờ đây trong ngôi nhà nhỏ ở Thanh Xuân (Hà Nội), tràn ngập tiếng bi bô trẻ thơ. Đó là niềm vui không gì sánh được của chị Đinh Thị Bích Thủy (SN 1976) và anh Phạm Lê Việt (SN 1971).

20 năm với gần 10 lần thụ tinh nhân tạo ở 3 bệnh viện lớn tại Hà Nội, 2 lần chửa ngoài tử cung rồi mổ cắt polyp, không biết bao nhiêu lần tới các thầy lang trên khắp đất nước này... chị Thủy đã trải qua những hi vọng rồi thất vọng, niềm vui chưa kịp nhen nhóm bỗng nhiên hụt hẫng tràn về. 

Hành trình để có được hai bé Mong – Mỏi, cái tên thân thương chị đặt cho con mình sau suốt 20 năm - khiến ai nghe cũng phải xúc động.

Tâm sự của đôi vợ chồng 20 năm đi chạy chữa hiếm muộn

Hai bé Mong - Mỏi là kết quả của quá trình 20 năm đi tìm "mật ngọt" của vợ chồng chị Thủy

Chị Thủy và anh Việt kết hôn từ năm 1995. Hạnh phúc của gia đình nhỏ dường như chưa thể đủ đầy khi nhiều năm mong ngóng vẫn chưa có tin vui con cái. Điều này khiến cho có lúc chị rơi vào trạng thái trầm cảm. 

Nhớ về hành trình của mình, anh chị đã gặp không biết bao nhiêu thầy lang: “Có lúc sắc thuốc xong, nhìn bát thuốc đen ngòm tôi rơi nước mắt vì thuốc đắng nhưng nghĩ tới việc đậu thai nên phải cố gắng".

Tâm sự của đôi vợ chồng 20 năm đi chạy chữa hiếm muộn

Chị Thủy kể về hành trình 20 năm với PV Emdep trong khi các con chơi đùa bên cạnh.

Ngày mới cưới nhau, đồng lương ba cọc ba đồng mà anh chị có được phải chắt chiu, tằn tiện mới tạm đủ trang trải chi phí điều trị trong bệnh viện. 

Không tiết lộ con số cụ thể nhưng chị Thủy cho hay, nếu tính chi li thì số tiền chi cho việc chữa vô sinh hiếm muộn cũng lên tới tiền tỉ. Sau một thời gian chữa trị bằng thuốc không thành, chị Thủy tìm đến thụ tinh trong ống nghiệm như hi vọng cuối cùng.

“Ngày hai mũi thuốc đều đặn, đúng giờ, dù nhiều lần chích thuốc nhưng tôi vẫn sợ kim tiêm đến độ mắt nhắm nghiền, hai tay nắm chặt. Thậm chí, có lúc thuốc tiêm vào buốt đến tận xương sống, tôi không đi thẳng nổi. Tiếp đó là siêu âm, xét nghiệm...không biết bao nhiêu mũi kim tiêm", chị Thủy rùng mình nhớ lại.

Quy trình cứ thế lặp đi lặp lại cho mỗi lần thụ tinh rồi người chị đầy vết kim ở tay, xung quanh rốn và mông. Tiếp đến là giai đoạn vào phòng cách ly để gây mê, chọc hút trứng. Mỗi giai đoạn, mỗi quy trình khác nhau nhưng đều chung tâm trạng lo lắng, hồi hộp và chờ đợi, hi vọng.

"Sau khi chuyển phôi, bác sỹ khuyên tôi có thể nằm nghỉ 4 giờ rồi về nhà, sinh hoạt bình thường, chỉ tránh làm việc nặng. Thậm chí có lúc tôi nằm gần như bất động trên giường, ăn cơm có người bưng đến tận nơi; đại tiện, tiểu tiện tại giường. Tôi luôn sống trong phập phồng, lo âu và cả sợ hãi. Nhưng khi đi kiểm tra vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ. Mỗi lần như thế, tôi như rơi vào trạng thái trầm cảm, biết bao hi vọng để rồi thất vọng", chị Thủy chia sẻ.

Hành trình xúc động của vợ chồng 20 năm chữa vô sinh

Có bầu tới tháng thứ 5 - 6 nhưng chị vẫn chưa tin vào mắt mình.

Hạnh phúc xen lẫn nước mắt 

Lo cho sức khỏe và tâm lý của vợ, anh Việt nhiều lần cản chị dừng cách thụ tinh trong ống nghiệm để nghĩ đến phương án nhờ mang thai hộ hay nhận con nuôi. Ngậm ngùi chấp nhận phương án của chồng, nhưng lòng chị Thủy vẫn không yên.

Năm 2012, qua lời giới thiệu của bạn bè, chị đã tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Chị Thủy kể lại câu chuyện của mình trong tiếng nấc nghẹn: “Lần đầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ở đây cũng thất bại. Bác sĩ động viên tôi tiếp tục thực hiện, nhưng nói thật trong lòng không hi vọng gì".

Nghe theo lời bác sĩ, chị Thủy thực hiện thêm một lần thụ tinh trong ống nghiệm nữa bằng tất cả sự cố gắng. Sau 12 ngày chờ đợi, chị dùng que thử thai và thấy lên hai vạch rõ ràng. 

“Dù que thử thai báo hai vạch, ngay cả lúc bác sĩ thông báo có thai, tôi vẫn không tin. Niềm vui lớn quá khiến chúng tôi không hình dung nổi. Khi thai trong bụng được 3 tháng, thậm chí 5 - 6 tháng, tôi vẫn không tin rằng mình có thai. Tôi hay phải hỏi chồng rằng: “Em có thai thật không anh?”, chị Thủy gạt đi những giọt nước mắt khi nhớ lại quãng ngày đã qua.

Năm 2015, hai con của chị Thủy chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,7kg mỗi bé, trong niềm hạnh phúc tột độ của cả gia đình. Giờ đây ngoài công việc bận rộn, anh chị còn dành thời gian chăm sóc, bế bồng 2 con đã mong ngóng từ lâu. 

 

Chia sẻ về trường hợp này, Ths.BS. Lê Thị Thu Hiền (Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn) cho hay: Đối với các trường hợp tìm đến bệnh viện để điều trị vô sinh, hiếm muộn rất đa dạng và có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Như trường hợp của chị Thủy là do tắc vòi trứng dẫn đến khó có con. Nhờ áp dụng phác đồ điều trị và can thiệp y khoa thích hợp để điều trị tắc vòi trứng, nên sau 20 năm mòn mỏi chờ đợi chị Thủy đã có được con qua phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

Quá trình điều trị kéo dài nhưng gia đình và các bác sĩ đã kiên trì để đạt được thành quả cuối cùng.

Đây thực sự là niềm vui, niềm hạnh phúc rất lớn đối với cặp vợ chồng khi đã bước sang tuổi 40.

Thủy Nguyên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bài tập vận động toàn thân dành cho dân văn phòng