Cho con học lớp năng khiếu dịp hè, không phải "sốt sắng" là xong

Phương Linh 2015-06-02 10:58
- Học sinh nghỉ hè tới gần 3 tháng. Để trẻ vừa được học, được chơi, lại dễ quản lý, nhiều bậc phụ huynh đăng ký cho con học các lớp năng khiếu.

Đa dạng các lớp học năng khiếu

Đa số các bậc phụ huynh đều cho rằng, cho con tham gia các lớp năng khiếu sẽ giúp con phát triển năng khiếu, vừa học vừa chơi, có kỳ nghỉ hè bổ ích. Trong bối cảnh, các lớp dạy năng khiếu trong dịp hè nở rộ như hiện nay, không khó để các bậc phụ huynh đăng ký cho con tham gia một lớp học, khóa học năng khiếu.

Có nhiều khóa học năng khiếu do các Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa của các quận, huyện mở. Cũng có nhiều lớp học năng khiếu do CLB, cá nhân mở. Giờ giấc của các lớp học cũng rất linh hoạt, vào các ngày trong tuần, ngày cuối tuần, sáng sớm, chiều tối… Các lớp học năng khiếu cũng rất đa dạng, từ dạy vẽ, múa, hát, đàn piano, bóng đá, cờ vua…

Cho trẻ học năng khiếu sẽ giúp bé tự tin, có tư duy nghệ thuật, phát triển thể chất. 

Các bé mầm non thì có lớp luyện chữ đẹp, các bé tiểu học, trung học cơ sở thì học làm MC, chơi đàn, học thẩm âm, nhảy hiện đại, luyện khiêu vũ, múa ba lê, chơi bóng đá… Tùy theo độ tuổi, sở thích của con và thời gian làm việc của cha mẹ, các bậc phụ huynh sẽ lựa chọn lớp học phù hợp nhất với con em mình.

Theo khảo sát của PV, đa số các nhà văn hóa, trung tâm nghệ thuật tổ chức dạy năng khiếu theo khóa học. Học phí dao động ở mức 400.000 – 1.500.000 đồng/khóa, một tuần trẻ học từ 1 - 3 buổi. Ví như Cung thiếu nhi Hà Nội (quận Hoàn Kiếm), các lớp học năng khiếu đã được mở từ ngày 15/5. Các môn năng khiếu được chia theo khoa như: Nghệ thuật, Mỹ thuật, Thể dục thể thao, Kỹ thuật công nghệ. Trường Thể thao Thiếu niên 10/10 (quận Ba Đình) thì tuyển sinh nhiều lớp năng khiếu như bơi lội, bóng bàn, võ thuật… Học phí ở đây khoảng 600.000 – 800.000 đồng/khóa/3 tháng.

Bên cạnh đó, nhiều CLB cũng tổ chức các lớp học năng khiếu ngắn hạn, dạy những môn cơ bản như vẽ, múa, nhảy, nhạc… cho các bé từ 4 – 15 tuổi. Các khóa học này thường chỉ trong vòng 6 – 12 buổi, giá dao động từ 300.000 – 700.000 đồng. Một số CLB còn có các chương trình giảm giá, mua voucher được giảm từ 50%-70% học phí của khóa học. Buổi học đầu tiên thường là được học thử.

Ngoài ra, cũng có một số lớp học năng khiếu do cá nhân mở tại nhà, thường là dạy vẽ, nhạc. Học phí tính theo buổi, từ 50.000 – 120.000 đồng/buổi. Người mở những lớp học này thường nhấn mạnh rằng, tùy theo lứa tuổi, các bé sẽ được xếp lớp, kiểm tra năng khiếu và có giáo trình dạy riêng.

Với tâm lý luôn muốn những điều tốt nhất cho con em mình nên dù đầy rẫy các lớp học năng khiếu thì nhiều phụ huynh cũng vẫn đau đầu về việc lựa chọn lớp học. Chị Thu Minh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Bé nhà mình 7 tuổi. Hè năm nay, mình định cho bé học vẽ ở Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô. Mình có tham khảo một số ý kiến thì lại được khuyên rằng, đúng là ở đó mạnh về vẽ, nhảy; tuy nhiên lứa tuổi con mình thì lại hơi bé, sang cung thiếu nhi học phù hợp hơn”.

Nghe vậy, chị Minh lại tức tốc đi tìm hiểu rồi hỏi han kinh nghiệm của những người bạn bè, đồng nghiệp đã từng cho con học năng khiếu ở cung thiếu nhi. “Kết quả là 9 người 10 ý, người thì bảo học ở cung thiếu nhi là hợp với độ tuổi của con mình, chương trình học ở đấy cũng hợp lý, các bé tiến bộ nhanh. Nhưng cũng có người bảo, lớp ở đây rất đông nên chất lượng không được đảm bảo. Hiện giờ mình cũng đang dò xét thêm để đưa ra lựa chọn cuối cùng”, chị Minh nói.

Lưu ý khi đăng ký học năng khiếu

Có thể thấy, phát triển năng khiếu, khả năng sáng tạo, tư duy nghệ thuật cho trẻ là một việc rất quan trọng. Việc cho trẻ tham gia các hoạt động về nghệ thuật, mỹ thuật hay thể thao sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, tư duy thẩm mỹ và thể chất. Việc phụ huynh đăng ký cho con học năng khiếu cũng rất có ý nghĩa.

Tuy nhiên, một lỗi mà nhiều phụ huynh hay mắc phải là bắt con học theo những gì mình muốn. Có những bé gái thích học nhảy nhưng mẹ lại kiên quyết đăng ký vào lớp học vẽ vì “học vẽ mới nền tính, mới hợp với con gái”. Lại có những bé trai bị ép đi  học các lớp năng khiếu thể thao trong khi điều mà bé muốn là được học nghệ thuật.

Chính vì không hiểu rõ nhu cầu, khả năng, tâm lý của trẻ đã khiến nhiều phụ huynh áp đặt, khiến các bé cảm thấy khó chịu khi phải tham gia những lớp học mà mình không hứng thú. Việc học các môn năng khiếu phù hợp sẽ khiến trẻ tự tin nhanh nhẹn, hòa đồng hơn. Nếu bố mẹ chọn môn học không phù hợp với con, con không thích, có thể làm con kém tự tin, tự ti vì thua kém ngay bạn bè trong lớp.

Một điều nữa rất cần lưu ý là các môn năng khiếu rất đa dạng. Ngoài tôn trọng sở thích của con cái, cha mẹ cần xem xét đến yếu tố độ tuổi. Ví dụ trẻ mầm non thích hát múa, nhảy và chưa phân biệt hoạt động theo giới tính, bố mẹ có thể thoải mái cho bé tham gia tất cả các môn nghệ thuật bé thích. các môn như hát, múa, kịch, tạo hình... Học sinh tiểu học thì đã bắt đầy có sự phân biệt giới tính. Thường thì các học sinh nữ sẽ quan tâm đến các lớp hát, vẽ, múa, thời trang, kịch, dancesport; còn những em nam thường thích môn thể dục thể thao như bóng đá, bơi lội, cầu lông...

Đặc biệt, phụ huynh không nên “chạy đua” đăng ký cho con học hết lớp năng khiếu này đến lớp năng khiếu khác. Kỳ nghỉ hè suy cho cùng vẫn là dịp để trẻ vui chơi, chứ không phải học kỳ thứ 3 khiến các bé bị áp lực về việc học, dù đó là học năng khiếu.

Chị Hồng Hạnh (giáo viên dạy năng khiếu) chia sẻ thêm: “Hiện nay, có rất nhiều trung tâm, CLB, cá nhân mở lớp học năng khiếu cho trẻ. Nhưng thực tế, không phải khóa học, lớp học nào cũng đảm bảo chất lượng như họ quảng cáo trong tờ rơi hoặc tư vấn qua miệng. Vì thế, trước khi đăng ký cho con một khóa học nào, phụ huynh rất cần tham khảo ý kiến của những người đã cho con theo học ở địa chỉ đó. Cũng nên đến tận nơi tham quan,  tham gia buổi học thử cùng con rồi mới đưa ra quyết định đăng ký khóa học”.

Phương Linh
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 6 cặp cung hoàng đạo không hợp tính, cứ ở bên nhau là chí chóe cãi lộn