Bị chồng bạo lực tình dục... vợ không khép được chân

Tâm Trí 2014-11-28 11:36
- Có những người phụ nữ bị ám ảnh đến nỗi chỉ cần nghe tiếng bước chân của chồng về đã biết chuyện gì sắp xảy đến với mình. Có những người phụ nữ cam chịu vì mặc định đó là chuyện vợ chồng mà không hề biết đó chính là... bạo lực tình dục.

Gia đình hay địa ngục trần gian?

 

Bên lề “Ngày hội tham vấn “Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình” và Meeting “Nam sinh viên chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình”, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về bạo lực gia đình không ngờ tới.

 

Có lẽ không ai có thể hình dung ra được câu chuyện thương tâm của chị L.T.H khi phải sống trong cảnh bạo lực tình dục suốt 4 năm dài đằng đẵng, mà người gây ra bạo lực lại chính là chồng chị. Chị L.T.H tìm đến Ngôi nhà Bình yên trong tình trạng 2 chân không thể khép lại được nữa. Đối với chị, bộ quần áo pijama ở Nhà Bình yên chính là bộ quần áo thoải mái nhất bởi nó không cọ xát vào vết thương khiến chị phải đau đớn.

 

Chị nhớ lại trước đây, lúc còn sống trong ngôi nhà mà chị cho là “địa ngục” ấy, có mấy khi chị được mặc quần áo trên người. Chị kể rằng người chồng cũ thường có những hành vi không bình thường, thậm chí là rất bệnh hoạn.

 

Trừ khi đưa con đi học, còn lại cứ hễ chị về đến nhà là anh ta không cho chị mặc gì trên người. Cứ như thế để chiều chồng bất cứ khi nào anh ta muốn. Bất kể chị muốn hay không, sức khỏe của chị thế nào hay cảm xúc của chị ra sao, đều phải đáp ứng tất cả đòi hỏi của chồng. Chị tâm sự rằng, không biết anh ta có dùng ma túy hay không nhưng mỗi lần như vậy đều kéo dài rất lâu và khủng khiếp đến mức âm đạo của chị bị tổn thương rất nhiều lần.

 

 

 

Nhiều phụ nữ đang phải gánh chịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. (Ảnh minh họa)

 

Không chỉ vậy, chồng cũ của chị còn có những hành vi rất quái đản như cho những dị vật vào dương vật của anh ta khiến cho bộ phận sinh dục của chị bị tổn thương. Đó có thể là viên bi hay những cái vòng, móc, dây cao su,... được đính vào bao quy đầu, gây tổn thương rất nặng khiến chị thường xuyên bị viêm nhiễm. Chị nhớ lại có lần đang quan hệ tự nhiên chị thấy đau nhói và đẩy bắn chồng ra ngoài. Khi nhìn xuống dưới thì thấy âm đạo đã chảy rất nhiều máu. Hóa ra người chồng đã buộc dây cước vào bao quy đầu và chính đầu dây cước đó đã làm chị bị thương.

 

Xót xa thay có những thời gian chị mang thai liên tục đến mức độ cô ruột của chồng chị là bác sĩ sản khoa phải nói rằng: “Để cô đặt vòng cho cháu nếu không thì cháu chết!”. Cứ nạo thai tháng trước, tháng sau chị lại phải bỏ thai.

 

Bạo lực tình dục không khiến người chịu đựng bị tâm thần nhưng nó chính là nguyên nhân khiến họ trở nên chai lì cảm xúc, lãnh cảm, sợ hãi tình dục, sợ hãi đàn ông. Rất nhiều người đang hoặc cũng đã từng cùng chung cảnh ngộ như chị L.T.H. Có những người bị ám ảnh đến nỗi chỉ cần nghe tiếng bước chân chuệnh choạng của chồng về, hoặc nghe hơi rượu là tất cả những sự sợ hãi, đe dọa, sự kinh tởm ùa về. Lúc đấy họ chỉ cầu mong không phải giáp mặt chồng bởi sự việc đó lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng đêm, ám ảnh họ đến nỗi họ biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình sau đó.

 

“Mẹ ly hôn đi và con chấp nhận như vậy”

 

Trao đổi với phóng viên về vấn đề bạo lực tình dục, bà Lê Thị Ngọc Bích, Cán bộ Phòng Tham vấn – Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết: “Bạo hành tình dục rất khó nhận biết vì đó chuyện tế nhị và khó nói. Nạn nhận hầu hết không hiểu đó là bạo lực tình dục vì họ nghĩ đơn giản đó là vấn đề vợ chồng, thậm chí là nghĩa vụ. Có người cố chịu đựng cho xong, có người lại cho qua để cho mọi chuyện không ầm ĩ. Họ cứ nghĩ làm như vậy thì sẽ né tránh được bạo lực về thể xác nhưng lại không hề biết rằng hậu quả về sau còn nghiêm trọng hơn”.

 

Theo bà Bích, nguyên nhân của bạo lực tình dục có thể là ghen tuông, nghi ngờ hay sử dụng ma túy, hoang tưởng,... Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất vẫn chính là sự bất bình đẳng giới trong xã hội. Người đàn ông trong gia đình cho mình quyền áp đặt vợ con theo ý nghĩ và mong muốn của mình. Còn người vợ chỉ hiểu đơn giản đó là bạo lực gia đình mà không ý thức được quyền của mình ở đâu. Họ tự đặt cho mình trách nhiệm là phải giữ cho gia đình được toàn vẹn. Họ nghĩ rằng các con của mình cần phải sống trong môi trường phải đầy đủ cả cha cả mẹ chứ không thể khuyết thiếu hay đổ vỡ. Nhưng chính những người mẹ cam chịu lại không biết được rằng bản thân những đứa trẻ không hề muốn bạo lực gia đình xảy ra.

 

Bà Bích chia sẻ: “Tất cả những đứa trẻ được phỏng vấn tại Nhà Bình yên đều nói rằng chúng không muốn mẹ sống trong cảnh như vậy. Có những người mẹ chịu đựng mọi thứ vì con rồi lại đổ lên đầu con cái “Vì chúng mày tao khổ”. Nhưng con cái họ lại nói “Con rất khổ tâm, con không muốn gia đình chia ly nhưng cũng không thể để mẹ sống như thế. Mẹ có thể ly hôn và con chấp nhận!”

 

Tại “Ngày hội tham vấn “Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình” và Meeting “Nam sinh viên chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình” tổ chức tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội vừa qua, đã có rất nhiều chia sẻ của những đứa trẻ sống trong cảnh bạo lực gia đình, mà cụ thể là bạo lực tình dục. Có những em gái không muốn đưa bạn trai về nhà, thậm chí hình ảnh người đàn ông xấu xí đến nỗi chúng không muốn có bạn trai, không muốn lấy chồng. Bởi vì đơn giản từ nhỏ những đứa trẻ ấy đã sống trong môi trường bạo lực gia đình, chúng hình thành suy nghĩ rằng đàn ông thường gắn với bạo lực và phụ nữ đương nhiên là nạn nhân.

 

Cũng theo bà Bích, những bà mẹ thường không nghĩ được rằng con cái của họ nếu sống trong môi trường bạo lực gia đình rất có thể sẽ trở thành người gây ra bạo lực hoặc nạn nhân của bạo lực. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng đứa trẻ cần có gia đình và đó chính là quan điểm sai lầm.

 

Để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình và đặc biệt là bạo lực tình dục, Bà Bích cho rằng, trước hết người phụ nữ phải ý thức được quyền bình đẳng của mình. Sau đó cần có sự lên tiếng về bình đẳng giới của cả xã hội.

 

“Điều đầu tiên khi tiếp nhận các ca bạo lực gia đình là phải ngăn chặn ngay hành động bạo lực ấy. Sau đó để nạn nhân tự xem xét vấn đề của mình để biết nó xuất phát từ đâu, nguyên nhân thế nào. Thậm chí bắt buộc nạn nhân phải hồi tưởng lại xem nó xảy ra trong tình huống nào, nguyên nhân từ đâu, cao trào xảy ra như thế nào, mâu thuẫn dẫn đến xung đột ra sao,... Từ đó mới có thể đưa ra lời khuyên cho chính họ và những người liên quan”, bà Bích chia sẻ thêm về cách giải quyết các trường hợp bạo lực tình dục hay bạo lực gia đình.

 

 Với mục đích nâng cao nhận thức của sinh viên về bạo lực gia đình và huy động sự tham gia của thanh niên, sinh viên trong tuyên truyền và thực hành phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình bền vững; Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng và các đơn vị chuyên cung cấp các dịch tham vấn tổ chức: “Ngày hội tham vấn “Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình” và Meeting “Nam sinh viên chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình”.
 

 
Các chuyên gia tham vấn về các vấn đề: hôn nhân gia đình, bạo lực trên cơ sở Giới, trẻ em, tâm lý, tình yêu học đường, Luật, vấn đề liên quan đến giới tính và tình dục, những mối quan hệ trong gia đinh, kỹ năng sống, mối quan hệ bạn bè… đến từ các đơn vị tiêu biểu cung cấp các dịch vụ tham vấn tại Hà Nội như Phòng Tham vấn, Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hagar international, CCIPH, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Công ty CP Tham vấn, Nghiên cứu và Tâm lý học cuộc sống- SHARE, Ngôi nhà tuổi trẻ, Tâm sự bạn trẻ 360 và Tea Talk Việt Nam.


 

Tâm Trí

(Theo congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 gam màu hot trend mùa thu, nàng sang chảnh như mặc đồ hiệu