Tại sao bạn không thể tha thứ cho bản thân khi mắc sai lầm: 5 cách vượt qua sự hối tiếc để sống thảnh thơi

Thu Trang 2022-12-22 08:30
- Sự tiếc nuối sau mỗi lần phạm lỗi có vẻ dư thừa, chúng ta luôn có những cách để giải quyết triệt để cái cảm xúc "kỳ cục" này.

Con người luôn có xu hướng mong cầu sự hoàn hảo. Điều đó không hẳn xấu, vì mong muốn đó thôi thúc con người hoàn thiện và phát triển bản thân hơn mỗi ngày để đạt tới sự hoàn mỹ và chỉn chu hơn trong công việc cũng như cuộc sống. Tuy nhiên, cũng chính khao khát ấy đôi lúc khiến chúng ta rơi vào trạng thái hối hận và day dứt mãi không thôi khi lỡ phạm phải một sai lầm nào đó.

Khi đó, ta chưa hiểu một điều rằng: Những gì đã xảy ra là không thể thay đổi và tiếc nuối có vẻ là một cảm xúc rất đỗi dư thừa. Sau mỗi lần vấp ngã, ta nên vực dậy tinh thần để cố gắng cho tương lai thay vì buồn rầu than thở "ước gì..."

1. Dừng việc tự trách bản thân "Nếu như...?"

Có phải sau mỗi lần phạm sai lầm gì đó, chúng ta thường có xu hướng ôm đầu tiếc nuồi và tự nghĩ rằng nếu như được quay ngược thời gian trở lại, ta nhất định sẽ không hành động như vậy. Đó có vẻ là một phản ứng quá đỗi phổ biến giam chặt ta trong sự hối hận không có đường ra.

Suy nghĩ "Nếu như..." làm chúng ta mãi luẩn quẩn trong sự hối tiếc

Nhưng chúng ta phải hiểu một điều rằng, bản thân không có cơ hội thay đổi quá khứ. Và hãy nghĩ xem, cuộc sống sẽ tồi tệ như thế nào nếu ta cứ mãi tiếc nuối và hối hận không thôi. Bị ám ảnh bởi quá khứ sẽ ngăn cản rất nhiều cơ hội để bạn tự bứt phá bản thân. Vì thế, quá khứ chỉ nên là thứ khiến ta hoài niệm chứ không phải thứ làm vướng bận ta. Thay vào đó, hãy hướng suy nghĩ và hành động đến tương lai. Hãy học cách rút kinh nghiệm từ những sai lầm cũ và trở thành một phiên bản hoàn chỉnh khác của chính bạn ở tương lai nhé.

2. Tặng cho bản thân cơ hội thứ hai

Trong hành trình trưởng thành, sẽ không tránh khỏi những khi chúng ta chưa chín chắn mà có những lời nói và hành động chưa đúng. Và từ đó, cảm giác day dứt và tội lỗi lại bao trùm lấy ta. Hơn cả, nỗi sợ bị đánh giá khiến chúng ta mất đi sự tự tin để sữa chữa lỗi lầm.

Nỗi sợ bị đánh giá khiến chúng ta mất đi sự tự tin để sữa chữa lỗi lầm

Nhưng bạn ơi, chúng ta luôn có cơ hội để làm mọi thứ tốt hơn, một lần nữa. Nếu nói sai hay làm chưa đúng, một lời xin lỗi ngay lập tức là giải pháp tối ưu. Hãy bình tĩnh và tin rằng bản thân luôn có khả năng giải quyết để mọi việc khá hơn.

Điều quan trọng là bản thân chúng ta biết rằng mình đã sai và mong muốn được sửa sai. Vì vậy, thay vì đắm chìm trong sự hối hận, hãy suy nghĩ tích cực và tặng cho bản thân những "cơ hội thứ hai" để bản thân tin rằng nó không hề xấu xí đến thế.

3. Gạt bỏ suy nghĩ bạn sẽ không bao giờ làm việc đó nữa

Khi thất bại ở một việc gì, vì quá tức giận và buồn bã mà ta nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm lại việc này một lần nữa. Việc phủ nhận lỗi lầm luôn là một cái bẫy mà rất nhiều người dễ dàng sa vào.

Việc phủ nhận lỗi lầm là một cái bẫy rất nhiều người dễ sa vào

 

Rõ ràng, dù là ai cũng không có khả năng toàn diện để giỏi tất cả mọi thứ. Thất bại là điều mà bất cứ ai cũng sẽ phải trải qua. Khi bình thường hóa chuyện này, ta sẽ cảm thấy việc thừa nhận sai lầm của bản thân dễ dàng hơn rất nhiều.

Khi đã dũng cảm thừa nhận, hãy ghi nhớ thất bại ấy. Và suy nghĩ nếu trường hợp tương tự này lặp lại, ta sẽ xử lý ra sao. Nếu trong tương lai ta gặp lại công việc này một lần nữa, ta sẽ ứng xử như thế nào? 

4. Ngừng nghĩ rằng "Mọi người sẽ..."

Đôi khi bạn hối tiếc không phải vì bạn phạm lỗi, mà bạn hối tiếc vì cảm thấy ngại ngùng và xấu hổ với mọi người xung quanh, đôi khi là với chính mình.

Nỗi sợ bị đánh giá đôi khi là nguyên nhân chính của sự hối tiếc

Đúng là không một ai thích cảm giác bị đánh giá, chỉ là chúng ta cần học cách thích nghi với nó. Chúng ta không quản được suy nghĩ của tất cả mọi người. Và cho dù ta có làm tốt, ai có thể bảo đảm mọi người sẽ không đánh giá chúng ta. Hãy yên tâm rằng mỗi người đều có một câu chuyện riêng để quan tâm và chú ý. Họ có thể nhớ lỗi sai của bạn nhưng rồi sẽ quên nhanh thôi.

Điều duy nhất ta cần tập trung chính là bản thân mình. Ta nên tự nghiêm khắc hơn với chính mình để thúc đẩy bản thân hoàn thiện hơn nữa dưới sự giám sát của chính mình chứ không phải là bất cứ ai ngoài kia.

5. Viết ra sự hối tiếc đó

Nếu bạn rơi vào trạng thái day dứt và hối tiếc mà không biết cách nào để giải tỏa, thì viết là một lựa chọn không tồi.

Khi bạn viết ra những điều mình đang suy nghĩ, bạn sẽ cảm thấy tĩnh lặng và đối mặt chân thật nhất với cảm xúc chính mình. Viết cũng là cách giúp bạn bình tĩnh để có cái nhìn chung về sự việc. Rất có thể, bạn sẽ thấy mọi chuyện cũng không tệ như ban đầu bạn nghĩ.

Viết cũng là cách để giải tỏa cảm xúc.

Thu Trang (Tổng hợp)

Ảnh: Sưu tầm

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 kiểu váy hè bạn nên sắm bởi không chỉ xinh mà còn chẳng sợ lỗi mốt