Vì sao ta thường dễ ‘tụt mood’? Có cách nào ‘chữa bệnh tụt mood’?

Cẩm Mịch 2022-12-21 08:00
- Có những nỗi buồn được gọi là "buồn lậu" vì bạn không biết nguồn gốc xuất xứ của nó. Bỗng dưng buồn là một cảm xúc khó chịu, nhưng hãy yên tâm, bạn có thể quản lý được chúng!

Ai cũng có thể ‘tụt mood’ - ngay cả những người lạc quan nhất

Nếu tìm kiếm cụm từ “tụt mood” trên Facebook, bạn sẽ ngay lập tức nhìn thấy hàng nghìn bài viết như:

“Hôm nay hơi tụt mood nên mình không muốn bán hàng hay trả lời tin nhắn của ai cả.”

“Tụt mood quá mọi người ơi. Có phim hay truyện gì hay không nhỉ, thể loại nào cũng… nuốt.”

“Trong những ngày “tụt mood”, nên ăn gì để xả cơn sầu?”

“Hôm nay tôi bị “tụt mood”, không còn năng lượng nữa. Xin tạm “off” một ngày để dọn dẹp tâm hồn!”

Vậy tụt mood là gì?

“Tụt mood” hay còn gọi là “down mood” hoặc “low mood”, là một thuật ngữ người trẻ thường dùng để mô tả tâm trạng mất tinh thần, mất hứng, đột nhiên buồn bực và chán nản trong một thời điểm. Không kéo dài hàng tháng như trầm cảm, “tụt mood” chỉ diễn ra trong khoảng vài giờ hoặc vài ngày.

Đây là trạng thái tâm lý thường thấy, ngay cả những người lạc quan nhất cũng có những lúc xuống tinh thần “bất thình lình” như vậy. Cảm thấy buồn là điều dễ hiểu sau những sự kiện không mấy vui hoặc những thay đổi lớn trong cuộc sống, nhưng đôi khi tâm trạng xuống dốc cũng có thể xuất hiện mà không có lý do rõ ràng.

Bạn có thể bỗng dưng thấy mệt mỏi, lo lắng, tự ti và tức giận, chẳng còn thiết tha làm việc hay học hành, chẳng muốn gặp ai mà chỉ cần được ở một mình trong chốc lát. Những nghiên cứu của Anh đã chỉ ra rằng, thông thường tâm trạng của phần đông mọi người sẽ “xuống” thấp nhất vào lúc 3h chiều. Và phụ nữ có xu hướng bị “tụt mood” hơn nam giới – với gần 75% phụ nữ nói rằng họ thường cảm thấy buồn hoặc không vui, trong khi con số này ở phía nam giới là 55%.

Vì sao ta thường dễ ‘tụt mood’? Có cách nào ‘chữa bệnh tụt mood’?

Đang vui bỗng nhiên lại buồn, bạn có thất thường như thời tiết? Ảnh: Unsplash

Vì sao tâm trạng chúng ta hay thay đổi?

Cuộc sống áp lực từ nhiều phía

Khác với thời “ông bà anh”, người trẻ ngày nay bị “bao vây” bởi nhiều áp lực vô hình như sự kỳ vọng của gia đình, định kiến của xã hội về thành công - tiền bạc - hạnh phúc, gánh nặng từ suy thoái kinh tế rồi dịch bệnh… Khi còn ngồi trong ghế nhà trường là cuộc chạy đua về điểm số và thành tích, khi rời ghế giảng đường đã ngay lập tức phải cố gắng hết mình cho công việc để khẳng định bản thân và tìm kiếm những cơ hội. Hối hả trong vòng xoáy công sở ngày này qua tháng khác, nhưng khi về nhà thì lại bị thúc ép chuyện yêu đương: “Bao giờ thì chịu đưa người yêu về ra mắt?”, “Nhìn xem, cùng tuổi với mày chúng nó lập gia đình cả rồi!”.

Quá nhiều gánh nặng chưa thể giải quyết được một lúc, cuộc sống của người trẻ thời đại này trở nên căng thẳng và nặng nề hơn những thế hệ đi trước. Tâm trạng họ thường xuyên thay đổi, buồn vui thất thường, dễ mất tinh thần vì những điều nhỏ nhặt.

Thế giới mạng là con dao hai lưỡi

“Một đồng cả mớ thông tin” có lẽ là câu ví von chuẩn xác dành cho thời đại 4.0 hiện tại. Mỗi ngày chúng ta tiêu thụ cả núi thông tin một cách chủ động và cả bị động, từ báo mạng cho tới đủ thể loại mạng xã hội. Thông tin cũng có những thông tin chuẩn xác, tích cực và cả những loại thông tin “rác” chưa được kiểm chứng. Nếu không xây dựng đủ kỹ năng để “tự vệ” trước sự độc hại khi online trên mạng, người ta sẽ dễ bị “đánh gục” chỉ bởi một câu bình luận công kích, một bài viết “khoe của”, “khoe hạnh phúc” khơi gợi sự ghen tị…  Và tâm trạng bỗng dưng “tụt dốc không phanh” cũng là điều dễ hiểu.

Vì sao ta thường dễ ‘tụt mood’? Có cách nào ‘chữa bệnh tụt mood’?

Đôi khi chỉ là vì… thời tiết

Theo trang Science.org, nhiệt độ có sự liên hệ mật thiết với mức độ nóng nảy của con người. Một nghiên cứu về hành vi con người trong sự thay đổi của nhiệt độ đã chỉ ra rằng, sự xung đột giữa con người với nhau có xu hướng tăng lên khi nhiệt độ tăng. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng những ngày nắng và không có gió sẽ khiến con người cảm thấy nặng nề và cáu kỉnh hơn. Lý do là vì thời tiết như vậy sẽ khiến cơ thể chúng ta mệt mỏi, mất sức hơn, do đó tâm trạng cũng có xu hướng nóng nảy và hung hăng hơn bình thường.

Bên cạnh đó cũng tồn tại một chứng rối loạn cảm xúc được gọi là “trầm cảm theo mùa”, tên tiếng Anh là Seasonal Affective Disorder (SAD) hoặc Winter Depression. Hội chứng tâm lý này thường xảy ra vào những tháng lạnh hơn của mùa thu và mùa đông, khi con người có sự tiếp xúc ít hơn đối với ánh sáng mặt trời.

Triệu chứng của “trầm cảm theo mùa” có thể từ nhẹ tới trung bình rồi nghiêm trọng. Dân văn phòng, đặc biệt là những người phải làm việc cả ngày trong các tòa nhà ít cửa sổ và thiếu ánh sáng tự nhiên - có thể mang chứng tâm lý này kéo dài cả năm. Những người “trầm cảm mùa đông” (Winter Blues) thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn bã và dễ cáu gắt, lo lắng. Họ dần mất hứng thú với các hoạt động ưa thích, ăn nhiều tinh bột và chậm chạp, lờ đờ.

Phó giáo sư, tiến sĩ Tâm thần học và Khoa học hành vi Jacqueline Gollan của ĐH Northwestern (Mỹ) đã đưa ra nhận định: “Cảm thấy buồn bã theo mùa là dấu hiệu cho thấy, một nhu cầu nào đó bên trong bạn chưa được đáp ứng và cần được quan tâm".

5 cách đơn giản để “khôi phục trạng thái vui vẻ” cho những ngày “nắng mưa thất thường”

Mặc dù không nghiêm trọng như trầm cảm, “tụt mood” vẫn có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và ngăn cản chúng sống một cuộc sống trọn vẹn. Ví dụ như mọi người thường mất động lực làm việc khi cảm xúc cá nhân đi xuống và đắm chìm trong tiêu cực.

Vì sao ta thường dễ ‘tụt mood’? Có cách nào ‘chữa bệnh tụt mood’?

Nhưng thay vì để tâm trạng quyết định hành động, bạn có thể lựa chọn vực dậy tinh thần, “kéo mood” lên để trở lại tâm thế hứng khởi cho những việc mình làm. Dưới đây là một vài mẹo bạn có thể kết hợp vào thói quen hàng ngày để cải thiện tâm trạng của bản thân mình:

Vận động đều đặn

Theo CDC Mỹ, người trên 18 tuổi nên vận động thể dục thể thao ít nhất 150 phút mỗi tuần. Vận động nhẹ nhàng một cách đều đặn 20 phút mỗi ngày vừa giúp bạn giữ vóc dáng, tốt cho sức khoẻ tim mạch, đồng thời còn là cách lý tưởng để cải thiện tâm trạng.

Năng lượng tiêu cực khi bị ứ đọng lại trong cơ thể sẽ khiến bạn thấy uể oải và nặng nề. Và tập luyện chính là phương pháp không thể hữu hiệu hơn để “đẩy” những năng lượng tiêu cực ra khỏi chúng ta. Những bài tập cardio như chạy bộ, đạp xe, nhảy hoặc khiêu vũ đều sẽ khiến hormone endorphin được tiết ra sẽ giúp giảm căng thẳng và tăng cảm giác hạnh phúc. Khi vận động, cơ thể bạn sẽ được giải phóng năng lượng tiêu cực – các chất độc và hormone căng thẳng (ví dụ như cortisol) thoát ra theo mồ hôi.

Song song với đó, tập luyện cũng giúp năng lượng tích cực “chảy tràn” bên trong bạn - khi lượng oxy trong máu tăng lên để bù đắp cho việc gắng sức.

Vì sao ta thường dễ ‘tụt mood’? Có cách nào ‘chữa bệnh tụt mood’?

Ảnh: Unsplash

Bật một bài hát yêu thích và thưởng thức một đồ uống ngọt ngào

Những lúc cảm thấy “chống chếnh” và chênh vênh, bạn có thể pha cho mình một tách cà phê nóng hay ly trà sữa ngọt ngào để tâm trí được tỉnh táo và cảm thấy được xoa dịu. Không chỉ vậy, âm nhạc cũng là liệu pháp trị liệu tâm lý mang tính “chữa lành” hiệu quả. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nghe nhạc có thể ảnh hưởng tới tâm trạng của chúng ta, nghe những bản nhạc vui vẻ lạc quan giúp bạn mau chóng lấy lại tinh thần trong mỗi khi “tụt mood”. Nếu việc “mood chạm đáy” diễn ra thường xuyên, bạn nên tạo cho mình một playlist những bài hát yêu thích giúp bạn “bật mood” mỗi khi chán chường, mất động lực sống.

Dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè và người thân

Đừng ngại nói với ai đó rằng bạn cần họ ở bên cạnh ngay lúc này. Chỉ cần đó là một người bạn cảm thấy an toàn, việc nói chuyện với người khác về cảm xúc của mình sẽ giúp bạn dễ chịu và nhẹ nhõm hơn nhiều. Ngay cả khi bạn không muốn chia sẻ quá nhiều về cảm xúc bên trong, chỉ cần dành thời gian ở bên người khác - chẳng hạn như việc cùng vào bếp nấu một bữa ăn ngon hay chơi thể thao, cũng giúp bạn cải thiện tâm trạng đáng kể đấy!

Cho phép mình được nghỉ một lát

Đừng sợ rằng dừng lại một chút sẽ ảnh hưởng tới năng suất công việc. Ở thời điểm tinh thần xuống dốc, dẫu cho bạn có cố làm việc gì cũng không mang lại hiệu quả cao bởi sự tiếp thu của bộ não khi đó rất kém. Thay vì hoạt động liên tục, hãy để cơ thể được nghỉ ngơi bằng những hoạt động bạn yêu thích thường ngày như nghe một bản nhạc, xem tivi, chơi cùng thú cưng, đọc sách,… Chỉ khi được thư giãn, tâm trí mới được tái tạo năng lượng và giải phóng những cảm xúc buồn bã, tiêu cực.

Vì sao ta thường dễ ‘tụt mood’? Có cách nào ‘chữa bệnh tụt mood’?

Viết ra những điều tích cực trong cuộc sống của bạn

Đây là một thói quen nhỏ bé mà bạn dễ dàng thực hiện chỉ với vài phút. Ngay những thời khắc tưởng chừng như đen tối nhất cũng luôn có những mặt tích cực phía sau nó, việc của bạn là bình tâm lại và quan sát cuộc sống của mình. Hãy viết ra những điều bạn cảm thấy biết ơn ngay lúc này, hoặc viết ra ít nhất một điều tích cực trong tình huống bạn đang gặp phải. Để nó trong túi xách và đọc lại nó mỗi khi tâm trạng tồi tệ. Dẫu mọi chuyện có đi xa tới đâu, hãy luôn nhớ rằng không phải lúc nào đời bạn cũng u tối và không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy như vậy. 

Tâm trạng biến động cũng là một biểu hiện vô thường của cuộc sống. Sẽ có lúc bạn cảm thấy mọi thứ tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng, cũng lại có những lúc “giọt nước tràn ly” khiến bạn chỉ muốn tìm nơi nào đó để ngồi khóc một mình. Không ai có thể ngăn mình không được buồn, không được giận dữ, phải vui ngay lập tức. Nhưng có một thứ bạn có thể quyết định, đó là cách bạn đối mặt với cảm xúc hiện tại để chúng không ảnh hưởng quá nhiều tới mọi vấn đề quan trọng cũng như các mối quan hệ xung quanh.

Cùng bị đun sôi, nhưng khoai tây, quả trứng hay hạt cà phê lại có cách phản ứng cực kỳ khác nhau. Khoai tây từ cứng cáp trở nên mềm nhũn, quả trứng từ mỏng manh dễ vỡ giờ trở thành cứng ngắc, cà phê từ hạt nhỏ xíu lại hoá thành thứ đồ uống thơm phức. Con người cũng vậy, đứng trước tình huống bất như ý, có người thì chọn yếu mềm, có người lại chọn cách phản ứng gay gắt và cứng nhắc. Nhưng cũng có những người giống như hạt cà phê - khi bị bỏ vào nồi đun sôi đã chọn cách trở nên hoà hợp với hoàn cảnh và trở thành phiên bản tốt hơn chính mình.

Trong những ngày “tâm trạng tan hơi chậm”, hãy chọn cho mình những phương thức phù hợp để lắng nghe bản thân, phân tích thấu đáo vấn đề và đối mặt một cách tỉnh táo. Khi nội lực vững vàng thì thử thách chỉ là chuyện nhỏ, phải không bạn?

Cẩm Mịch

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 kiểu áo khoác được Black Pink diện mãi không chán nhưng lúc nào cũng 'chiếm sóng'