Nghệ thuật của sự từ bỏ: Từ bỏ không phải hèn nhát mà đó là cách để bạn TIẾN XA hơn

Cẩm Mịch 2022-10-20 08:00
- Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì tiếp tục bước, “bỏ cuộc có chủ đích” lại là một cách để tiến tới mục tiêu?

“Người thắng cuộc không bao giờ bỏ cuộc” - khái niệm hoàn thành mục tiêu bằng mọi giá này đã thúc đẩy ngành công nghiệp “self-help” trong nhiều thập kỷ qua. Một loạt các đầu sách self-help muốn bạn tin rằng từ bỏ là điều không tốt, còn mạng xã hội đăng tải vô số những bài diễn thuyết ca ngợi về đức tính kiên trì khi đối mặt nghịch cảnh. Trong thời đại này, việc theo đuổi một mục tiêu – ngay cả khi nó gây ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của mỗi cá nhân, là một hành động dũng cảm. Trong khi từ bỏ - lại được quy chụp là lối thoát dễ dàng cho những kẻ kém dũng khí.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì tiếp tục bước, “bỏ cuộc có chủ đích” lại là một cách để tiến tới mục tiêu?

Chắc hẳn bạn đã nghe nhiều câu chuyện những người thành công vượt qua trở ngại bằng mọi giá và đạt tới sự vĩ đại. Song trên thực tế, có rất nhiều người thành công đã chọn từ bỏ để tìm được con đường đúng đắn hơn. Hơn bất cứ ai, họ là những bậc thầy của nghệ thuật từ bỏ.

Năm 1997, Apple phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Microsoft. Với tư cách là Giám đốc điều hành của Apple, Steve Jobs chịu trách nhiệm đưa ra những thay đổi để phát triển công ty. Sau khi nghĩ ngợi, ông đã mạnh tay loại bỏ việc sản xuất các sản phẩm phần cứng, máy tính để bàn và máy chủ.

Quyết định này đã khiến rất nhiều người bất ngờ và bất mãn khi kéo theo hơn 3.000 người mất việc làm và khiến cho 70% sản phẩm của Apple bị buộc ngừng sản xuất. Việc cắt giảm này được cho rằng không khác gì một “thảm hoạ” bởi Steve Jobs đã từ bỏ rất nhiều kế hoạch lâu dài của công ty. Tuy nhiên kết quả kinh doanh lội ngược dòng sau đó của Apple đã minh chứng rằng Steve Jobs đã đưa ra quyết định từ bỏ sáng suốt.

Nghệ thuật của sự từ bỏ: Từ bỏ không phải hèn nhát, đó là cách để bạn tiến xa hơn

Một bài viết trên tờ New York Times với tiêu đề “Từ bỏ một công việc đã giúp tôi cân bằng cuộc sống như thế nào” từng thu hút sự quan tâm và bình luận của đông đảo độc giả. Bài viết kể về câu chuyện có thật của những người đã định hướng lại công việc và cuộc sống của mình, và quyết định đó khiến cuộc sống của họ trở nên hạnh phúc hơn.

Tháng 9 năm 2021, Evelyn Lai (36 tuổi) ngồi trong phòng ngủ, thẫn thờ nhìn ra cửa sổ và không biết mình đang cảm thấy gì. Ngày qua ngày cô làm việc liên tục với cường độ cao, tới 50 giờ hàng tuần với tư cách là y tá nhi khoa của một phòng khám sức khoẻ cộng đồng. Để rồi trong một tối tan tầm, khi bước ngang qua những người đang uống rượu và cười nói trong một quán bar thời thượng, áp lực công việc tới kiệt sức đã khiến cô bật khóc ngay giữa một con phố náo nhiệt của trung tâm Texas, Mỹ.

Sức chịu đựng của cả tinh thần lẫn thể chất đều đã đạt mức quá giới hạn, cô quyết định nghỉ việc. Sau khi cân nhắc công việc làm nội dung cho một công ty dược phẩm, Evelyn Lai nhận ra rằng mình vẫn muốn được gặp bệnh nhân mỗi ngày. Đầu năm 2022, cô bắt đầu công việc y tá nhi khoa tại một bệnh viện khác với lịch trình ít bận rộn hơn. Nhờ đó, cô có thời gian rảnh rỗi để hoà mình vào thiên nhiên, đi bộ dọc theo con sông địa phương và leo núi mỗi tuần.

Evelyn Lai chỉ là một trong số hơn 50 triệu người đã bỏ việc tại Mỹ kể từ đầu năm 2021 – làn sóng nghỉ việc có quy mô lớn hậu đại dịch được đặt tên “Sự từ chức vĩ đại”. Với nhiều người, sự thay đổi này là cơ hội tuyệt vời để họ khám phá bản thân mình. Và cũng tương tự Evelyn Lai, họ có có dịp nhìn nhận lại những gì quan trọng nhất, xem xét lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tìm ra con đường mới cho mục tiêu lâu dài của chính mình.

Sẽ có những lúc chúng ta cần bất chấp mọi thứ để chiến đấu vì điều mình lựa chọn, nhưng đôi khi, việc đóng một cánh cửa để mở ra một cánh cửa khác lại là điều nên làm.

Nếu thấy rằng việc theo đuổi một mục tiêu, hoặc một thói quen đang ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của bạn, đã đến lúc bạn cần xem xét lại dù cho đó là một mối quan hệ hay một chương trình tập luyện khiến bạn luôn không hài lòng về ngoại hình.

Bỏ cuộc không chỉ là rời khỏi một điều gì đã mất đi hứng thú, mà đó, còn là để loại bỏ những thứ đang cản trở chúng ta có được cuộc sống như mong đợi.

Nghệ thuật của sự từ bỏ: Từ bỏ không phải hèn nhát, đó là cách để bạn tiến xa hơn

Vậy thì làm sao để biết khi nào nên từ bỏ?

Những điều từng hiệu quả trước đây nhưng giờ không còn khả thi nữa

Chúng ta đang sống trong một thời đại có nhịp độ quá nhanh khi những gì hiệu quả ngày hôm nay có thể không còn hiệu quả vào ngày mai. Mặt hàng bạn đang bán rất chạy có thể có thêm hàng trăm đối thủ khiến bạn buộc phải giảm giá để cạnh tranh, dự án bạn đang thực hiện có thể phải thay đổi đột ngột để phù hợp với chính sách mới. Cho dù bạn đang điều hành doanh nghiệp hay quản lý cuộc sống của mình, thì việc cập nhật và đối chiếu hiệu quả kịp thời là điều cần thiết.

Từ bỏ những thứ không còn hiệu quả có thể là một thách thức lớn. Nhưng sẽ càng khó khăn hơn nếu như bạn tiếp tục với một hướng đi tiêu tốn thời gian, tiền bạc cũng như công sức. Đừng quên rằng thế giới liên tục thay đổi và chúng ta cần thay đổi cùng với nó.

Nghệ thuật của sự từ bỏ: Từ bỏ không phải hèn nhát, đó là cách để bạn tiến xa hơn

Những việc tiêu tốn công sức mà không mang lại bất kỳ lợi ích nào

Khi bắt đầu một dự án, chúng ta đều hiểu mình cần phải nỗ lực trước khi thu về được kết quả tương xứng. Nhưng trước khi bắt tay vào thực hiện, hãy đặt mục tiêu cụ thể với giới hạn về thời gian và phân tích mối quan hệ giữa chi phí, lợi ích. Xác định thời gian bạn sẵn sàng bỏ ra để nỗ lực và kết quả bạn mong đợi sẽ như thế nào. Nếu không thấy lợi ích thu lại trong khung thời gian đã vạch ra, bạn có thể xem xét từ bỏ dự án đó.

Start-up “tỉ đô” Slack là một ví dụ điển hình. Trước khi trở thành một nền tảng vững mạnh về truyền thông, Slack từng là một công ty trò chơi điện tử. Họ nhận được 17 triệu đô la đầu tư vào dự án, nhưng kết quả doanh thu của trò chơi điện tử lại không hề tốt. Vị giám đốc điều hành của công ty này đã phải đưa ra một lựa chọn khó khăn: tiếp tục với mục tiêu ban đầu và nợ nần hàng triệu đô la, hoặc thử một cái gì đó mới và giữ lại những gì có thể thu hồi được. Và thành công của Slack ngày hôm nay sẽ không thể tồn tại nếu không có sự thay đổi hướng đi kịp thời từ công ty này.  

Từ bỏ một điều gì đó không có nghĩa là bạn đã thất bại, mà đó là bạn đang mở ra cho mình khả năng thành công trên một con đường khác.

Những người đồng hành không có cùng mục tiêu và tầm nhìn

Khổng Tử có câu: “Đạo bất đồng, bất tương vi mưu”, ý nói những người không cùng chí hướng chẳng thể cùng nhau bàn việc.

Người xưa lưu truyền câu chuyện về tình bạn giữa Quản Ninh và Hoa Hâm. Cả hai là những người bạn học thân thiết. Có một hôm khi đang nhặt cỏ ngoài vườn, họ phát hiện trong luống rau có một miếng vàng rơi. Quản Ninh thấy vậy chỉ coi như đá sỏi, vẫn bình thản tiếp tục xới đất trồng rau. Còn Hoa Hâm thì vội nhặt lên xem. Một lần khác, có một vị quan lớn ngồi xe ngựa cùng đoàn tuỳ tùng đi ngang qua. Quản Ninh biết vậy mà coi như không. Hoa Hâm thì khác, anh này vội bỏ cuốn sách đang đọc xuống mà chạy ra hóng bóng quan lớn. Thế là Quản Ninh nói với Hoa Hâm rằng: “Từ nay anh chẳng còn là bạn của ta nữa”.

Về sau, Hoa Hâm làm quan lớn trong triều đình còn Quản Ninh làm một ẩn sĩ thanh cao đến cuối đời. Tuy giữ nhiều chức vụ cao nhưng Hoa Hâm có những hành động bị người đời lên án như lấy oán báo ơn, phản chủ, khiến nhiều người không phục.

Người không cùng chí hướng sẽ không thể đồng hành cùng ta trên con đường chinh phục mục tiêu, dù cho đó là mục tiêu sự nghiệp hay sự bình an trong cuộc sống. Nếu cứ mãi luẩn quẩn trong những cãi vã với bạn đời, có thể đó là dấu hiệu cho thấy bạn nên từ bỏ vì tư tưởng của cả hai không cùng một hướng. Hay cảm thấy cống hiến nỗ lực nhiều năm trời nhưng mỗi kỳ review tăng lương lại bị cấp trên bỏ qua, bạn nên cân nhắc từ bỏ vì hệ giá trị của bạn và lãnh đạo không tương đồng.

Nghệ thuật của sự từ bỏ: Từ bỏ không phải hèn nhát, đó là cách để bạn tiến xa hơn

Kết

Sẽ mất nhiều thời gian để bạn biết được điều gì là điều mình coi trọng nhất trong cuộc sống này. Đó có thể là sự sáng tạo, sự tự do hay khả năng độc lập. Có thể, bạn vẫn đang trên con đường “gạn đục khơi trong”, chọn lọc cho mình những yếu tố trọng yếu. Rồi khi các tiêu chuẩn hiện hữu một cách rõ ràng, bạn sẽ biết đâu là những “lần nháp”, những “đường vòng” và thay đổi cách tiếp cận mục tiêu của chính mình.

Mỗi ngày ta có vô số cơ hội, nhưng không phải cơ hội nào cũng dẫn đến mục tiêu mà chúng ta hướng tới. Từ bỏ những cơ hội như vậy sẽ mở ra cho bạn cánh cửa dẫn đến trải nghiệm mới với cuộc sống viên mãn và đúng đắn hơn.

Bước chậm lại một vài khoảnh khắc, cảm nhận và chiêm nghiệm những điều quanh mình không phải để bạn tỏ ra sâu sắc hơn người, mà là để kịp thời nhận ra những đoạn sai đường và bài học mà đời muốn bạn học. Vì bạn xứng đáng có một cuộc đời rực rỡ hơn!

Cẩm Mịch

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vạn điều phụ nữ giấu trong lòng, đàn ông thường không nhìn thấu