Kinh nghiệm phỏng vấn dành cho thực tập sinh

2020-12-17 11:30
- Bạn đang là sinh viên năm 3 (năm 4) và mong muốn được tuyển dụng vào thực tập ở công ty mơ ước? Bạn hồi hộp, lo lắng vì chưa có kinh nghiệm phỏng vấn? Bạn lo sợ sẽ bị “đánh rớt” vì không biết cách trả lời câu hỏi cho chuyên nghiệp? Hãy gác lại những nỗi lo của bạn và đọc các kinh nghiệm phỏng vấn dành cho thực tập sinh dưới đây, bạn sẽ có thêm tự tin và định hướng được sẽ tham gia phỏng vấn như thế nào cho hiệu quả.

Chuẩn bị thật chu đáo cho buổi phỏng vấn

Trước khi phỏng vấn tìm việc làm ở Hà Nội hay TPHCM, bạn hãy dành thật nhiều thời gian để chuẩn bị chu đáo. Sự chuẩn bị tốt sẽ không bao giờ đưa bạn đến thất bại. Cụ thể, bạn cần tìm hiểu về đặc điểm công ty, về các yêu cầu của họ đối với thực tập sinh, về những công việc cần làm trong quá trình thực tập… Đừng quên thu thập, hệ thống các thông tin và xếp thành một tệp để bạn tiện xem lại khi cần.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên dành thời gian để tập trả lời những câu hỏi phỏng vấn phổ biến. Bạn cần thực hành trả lời nhiều lần sao cho càng lưu loát càng tốt. Đồng thời, bạn cũng nên soạn sẵn các thắc mắc, câu hỏi để hỏi lại nhà tuyển dụng.

Về giấy tờ, hãy luôn chuẩn bị một bản CV dự phòng và mang theo vào ngày phỏng vấn để tránh các bất trắc có thể xảy ra. Mặt khác, bạn cũng cần kiểm tra thật kỹ các thông tin về buổi phỏng vấn như thời gian, địa điểm, đường đi, giấy tờ cần mang theo… Cuối cùng, hãy chuẩn bị sẵn trang phục phù hợp cho ngày phỏng vấn và ủi sẵn cho phẳng phiu.

Kinh nghiệm phỏng vấn dành cho thực tập sinh

Mỉm cười, thân thiện và lịch thiệp

Buổi phỏng vấn là lần gặp gỡ đầu tiên giữa bạn với nhà tuyển dụng, vì thế bạn cần tạo ấn tượng tốt với họ để họ có thiện cảm về bạn. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, nó sẽ góp phần quyết định bạn có ở lại cho đến cuối chặng đường hay không.

Để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, bạn cần có phong thái tự nhiên, cởi mở và thân thiện. Khi bắt đầu phỏng vấn, bạn hãy tỏ ra tự tin và hòa nhập nhanh chóng với mọi người bằng cách mỉm cười, bắt tay… Chú ý đến dáng đi và dáng ngồi của bạn cần phải thẳng, kéo ghế và thu ghế cần nhẹ nhàng. Trong suốt quá trình phỏng vấn, hãy cố gắng duy trì giao tiếp bằng mắt với người phỏng vấn.

Biết cách lắng nghe

Đa số ứng viên thực tập chưa có kinh nghiệm phỏng vấn đều hay vội vàng, hấp tấp dẫn đến mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Hãy nhớ, trong phòng phỏng vấn, bạn cần điềm tĩnh, khoan thai và biết cách lắng nghe để hiểu thấu đáo câu hỏi. Chỉ khi hiểu câu hỏi thì bạn mới trả lời chính xác, đúng trọng tâm vấn đề khiến nhà tuyển dụng hài lòng. Nếu đã cố gắng lắng nghe nhưng vẫn chưa nghe rõ hoặc chưa hiểu, bạn có thể hỏi lại người phỏng vấn. Tránh vì e ngại hỏi lại mà trả lời theo kiểu “ông hỏi gà, bà nói vịt” hay im lặng suy nghĩ quá lâu.

Tập trung vào thế mạnh, kỹ năng và thành quả của bạn

Bạn chỉ có khoảng 1-3 phút để trả lời cho mỗi câu hỏi của nhà tuyển dụng, hãy tận dụng nó để thể hiện bản thân thật tốt. Hãy tập trung vào thế mạnh, kỹ năng, thành quả của bạn và đề cập chúng trong các câu trả lời của mình. Chẳng hạn như các thành tích ở trường đại học, thành tích ngoại khóa, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề… Hãy nêu cụ thể và dẫn chứng vào câu trả lời của bạn.

Tuy nhiên, khi trình bày, bạn cần nói với thái độ khách quan, chừng mực. Cần tránh kiểu nói khoa trương, tô vẽ hay quá cao ngạo về bản thân sẽ gây phản tác dụng.

Đừng lảng tránh điểm yếu

“Điểm yếu của bạn là gì?” là một trong những câu hỏi hóc búa phổ biến. Nhà tuyển dụng muốn đánh giá thái độ, sự tự tin cũng như mức độ khéo léo của ứng viên. Khi bạn là sinh viên chưa có kinh nghiệm và gặp phải câu hỏi này, đừng phủ nhận rằng “Tôi không có điểm yếu”, cũng đừng lảng tránh câu hỏi.
Thay vào đó, bạn có thể thẳng thắn nêu ra 1 - 2 điểm yếu của bản thân. Hãy lựa chọn những điểm yếu không có tác động, ảnh hưởng đến vị trí việc làm đang ứng tuyển. Hãy nhớ tập trung vào sự tích cực và nêu các giải pháp để khắc phục điểm yếu ấy.

Chẳng hạn bạn trả lời rằng mình thiếu kinh nghiệm thực tế. Bạn mong muốn được nhận vào vị trí thực tập này để được cọ xát với thực tiễn và được hướng dẫn để tích lũy nhiều kinh nghiệm bổ ích cho bản thân.
Phỏng vấn ở vai trò thực tập cũng quan trọng không thua gì phỏng vấn xin việc làm. Đây được xem là bước đệm đầu tiên để bạn thử thách bản thân ở vai trò mới. Hãy tham khảo và cân nhắc về những kinh nghiệm phỏng vấn dành cho thực tập sinh trên đây để có một buổi phỏng vấn thành công nhất.


Pha Lê

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Đi tìm 'thiên thần hộ mệnh' âm thầm bảo vệ cho 12 cô nàng Hoàng đạo