5 cụm từ nên tránh nói khi phỏng vấn xin việc làm

2021-03-18 09:15
- Phỏng vấn xin việc làm là cuộc trao đổi quan trọng giữa ứng viên với nhà tuyển dụng. Nó vượt ra ngoài phạm vi của cuộc giao tiếp thông thường, vì thế cách dùng từ ngữ của hai bên đều cần có sự chuẩn xác. Đặc biệt với ứng viên nên tìm cách diễn đạt vấn đề một cách rõ ràng, tinh tế để tạo cảm tình và sự đánh giá cao từ nhà tuyển dụng.

Nếu bạn dùng ngôn ngữ không khéo léo nhà tuyển dụng sẽ dễ cho điểm trừ. Do đó hãy chắc rằng mình kiểm soát được cảm xúc, suy nghĩ và lời nói để không thốt ra những câu từ tiêu cực, thiếu tinh tế hay khó nghe. 5 câu từ sau đây nằm trong danh sách ứng viên nên tránh dùng trong cuộc phỏng vấn, nếu bạn cần tìm việc làm và chuẩn bị tham gia ứng tuyển thì nên lưu ý nhé.

“Tôi không biết”

Khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về những điều ngoài khả năng hiểu biết của bạn, thay vì trả lời thẳng thừng “Tôi không biết”, hãy chọn cách trả lời theo chiều hướng nói giảm nói tránh. Chẳng hạn khi nhận được câu hỏi “Bạn có biết về công ty đối thủ của chúng ta không?” nếu bạn hoàn toàn không hề biết thì nên trả lời “Thực sự là tôi chưa tìm hiểu kỹ, sau hôm nay tôi sẽ nghiên cứu”.

“Tôi không thích”

Đối với một số câu thường gặp như Bạn có thích công việc cũ không? Bạn thích làm việc nhóm không? Bạn thích công việc thường xuyên di chuyển bên ngoài hay ngồi trong văn phòng?... bạn không nên trả lời dạng “Tôi không thích công việc cũ vì…, Tôi không thích làm việc nhóm cho lắm, Tôi không thích di chuyển nhiều/ ngồi nhiều trong văn phòng, Tôi không thích làm việc với người ỷ lại...”. Việc nói “Tôi không thích” gợi lên cảm giác tiêu cực, thiếu sự nhiệt huyết và giảm năng lượng. Nhà tuyển dụng rất “kị” điều này nên sẽ cho bạn điểm trừ là tất nhiên.

5 cụm từ nên tránh nói khi phỏng vấn xin việc làm

Thay vào đó, hãy vận dụng sự đa dạng trong cách diễn đạt để trình bày câu trả lời thuyết phục hơn. Chẳng hạn bạn có thể nói: “Tôi rất yêu công việc cũ, tuy nhiên đã đến lúc tôi muốn thực hiện đúng mục tiêu của mình nên quyết định ứng tuyển vào đây”, “Di chuyển bên ngoài hay ngồi nhiều trong văn phòng tôi đều yêu thích, tuy nhiên tôi có xu hướng bị thu hút bởi những công việc thích di chuyển (hoặc ngược lại)”.

“Tôi muốn/ Tôi không muốn”

Từ “Tôi muốn” như một cách khẳng định ý muốn vững chắc của bạn còn “Tôi không muốn” là cách bày tỏ vấn đề bạn không thích. Tuy nhiên hai câu này đều chưa thích hợp khi được sử dụng trong cuộc phỏng vấn xin việc làm.

Thay vì nói “Tôi muốn”, bạn nên khéo léo nói rằng “Tôi mong được trở thành nhân viên của công ty” hay “Tôi mong với năng lực của mình sẽ trở thành cánh tay đắc lực của cấp trên và người đồng hành hiệu quả của đồng nghiệp”. Thay vì nói “Tôi không muốn làm một công việc nhàm chán”, bạn nên nói “Tôi rất thích được làm công việc năng động, có cơ hội học hỏi, rèn luyện được thêm nhiều kỹ năng”.

Chèn vào các từ ngoại ngữ

Rất nhiều người có thói quen trong khi nói sẽ đệm một vài từ nước ngoài vào (thường dùng nhất là tiếng Anh). Hiện tượng này thường xuất phát từ thói quen khi làm việc, giao tiếp trong môi trường làm việc. Bên cạnh đó vẫn có một số người cũng nghĩ rằng đệm các từ tiếng nước ngoài sẽ chứng tỏ sự chuyên nghiệp hơn. Đây là quan niệm sai lầm.

Khi đang trong cuộc phỏng vấn tốt nhất bạn nên trình bày vấn đề rõ ràng, mạch lạc, dùng từ chuẩn xác để diễn đạt mà không cần “mượn” từ nước ngoài. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá năng lực diễn đạt và khả năng giao tiếp thông qua chính ngôn ngữ mà bạn thể hiện.

5 cụm từ nên tránh nói khi phỏng vấn xin việc làm

Hạn chế từ địa phương

Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn được thoải mái nói bằng chính ngôn ngữ của quê hương, vùng miền của mình. Tuy nhiên nó chỉ phù hợp giao tiếp với người thân, bạn bè hay bất kì mối quan hệ nào ngoài xã hội.
Trong cuộc phỏng vấn xin việc làm, bạn không biết rằng mình đang trao đổi với ai, người vùng miền nào.

Nếu dùng ngôn từ địa phương có thể gây nên sự hiểu lầm hoặc khó nghe, khó hiểu khi giao tiếp cho cả hai bên. Do đó, tốt nhất bạn nên sử dụng ngôn từ phổ thông.

Nếu như CV đòi hỏi cách diễn đạt câu từ bằng văn bản thì phỏng vấn xin việc làm là quá trình đánh giá ứng viên qua phong thái diễn đạt, bằng cách dùng ngôn từ. Làm thế nào để sử dụng đúng câu từ, đúng ngữ cảnh là kỹ năng của mỗi ứng viên. Để có cuộc phỏng vấn trọn vẹn, ghi điểm tốt bạn nên tham khảo thông tin, nắm được những câu từ nên tránh và luyện tập trước. Sự tự tin, thái độ tích cực và diễn đạt chuẩn xác chính là một trong những điểm cộng cho bạn trong buổi phỏng vấn xin việc tiếp theo.

Đặng Hảo

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ca sĩ nào được khán giả đánh giá cao nhất trong đường đua tạo hit MV của Vbiz