Nữ phóng viên suýt bị gió bão Noru 'thổi bay': Hậu trường trắng đêm lên sóng trực tiếp và 13 năm 'thức' cùng bão lũ.

2022-10-01 20:30
- Trong ít phút lên sóng trực tiếp khi đưa tin về cơn bão Noru, nữ phóng viên Diệu Quỳnh của kênh truyền hình VTV8 thực sự khiến khán giả "thót tim" khi cô không đứng vững trước sức gió quá lớn. Người xem hết lời khen cô về sự dũng cảm, tinh thần cống hiến cho công việc để chuyển tải các thông tin tới độc giả cả nước.

Có thâm niên 13 năm trong nghề, không biết đã tham gia đưa tin về biết bao nhiêu cơn bão, nhưng Diệu Quỳnh (phóng viên phòng thời sự, kênh truyền hình VTV8, Đài Truyền hình Việt Nam) luôn tâm niệm đã bước vào công việc là hết mình, hết lòng vì tất cả khán giả thân yêu.

Nhiều người đã quen với nữ phóng viên thời sự này qua các bản tin trên sóng VTV8. Thế nhưng, có lẽ dấu ấn lớn nhất là hình ảnh cô cố bám lấy lan can khi lên sóng trực tiếp lúc 4h sáng ngày 28/9 đúng lúc gió bão quần thảo xung quanh. 

Mời quý vị và các bạn nghe đoạn phỏng vấn trải lòng về nghề của phóng viên Diệu Quỳnh.

Với vóc dáng nhỏ bé của Diệu Quỳnh, dường như không thể đứng vững trước sức gió lớn. Sau ít giây, cô mới có thể tiếp tục dẫn trực tiếp. Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong guồng quay công việc của những phóng viên thời sự ngày mưa bão. Đằng sau Diệu Quỳnh còn có cả ê kíp gồm: tổ chức sản xuất, quay phim, dựng hình, kỹ thuật... Họ là những người thầm lặng đằng sau ống kính, không quản ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm để chuyển tải thông tin chính xác và nhanh chóng nhất đến với khán giả.

Trải lòng 13 năm đưa tin bão của nữ phóng viên không đứng vững trước gió trên sóng VTV

Sinh năm 1987, Diệu Quỳnh đã có 13 năm gắn bó với nghề báo. Trở thành phóng viên là ước mơ của cô nữ sinh trường THPT Lê Quý Đôn, Đà Nẵng từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô thi đỗ vào khoa Báo chí, Đại học Khoa học Huế. 

"Khi còn là học sinh, nhìn các anh chị phóng viên, biên tập viên lên sóng trên bản tin thời sự, tôi cũng ước mơ được như họ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế, tôi trở thành phóng viên của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, bây giờ là Trung tâm truyền hình Việt Nam tại miền Trung - Tây Nguyên. Tôi may mắn vì được bố mẹ ủng hộ và tôn trọng mọi quyết định cùng sự hỗ trợ lớn từ các đồng nghiệp tại cơ quan", Diệu Quỳnh chia sẻ. 

Với Quỳnh, điều may mắn lớn nhất là chồng cô cũng làm báo. Cho nên, anh không chỉ là đồng nghiệp mà còn trở thành hậu phương vững chắc, thấu hiểu, động viên và ủng hộ vợ cống hiến cho công việc. Là phóng viên thời sự, chuyện đi sớm về muộn, đêm hôm vất vả ngoài hiện trường là điều khó tránh, song gia đình luôn là động lực cổ vũ cô yên tâm hoàn thành công việc.

"Cho đến nay, sau chừng đó năm, tôi làm báo hình, bố mẹ đã quen với việc đi làm ngày mưa bão. Bố mẹ không còn lo lắng như những ngày đầu mà chỉ dặn cẩn thận, giữ an toàn. Dù đêm hôm, tôi biết gia đình luôn dõi theo các hình ảnh và phóng sự của tôi", Diệu Quỳnh tâm sự.

Trước khi cơn bão Noru ập vào đất liền, cô và lãnh đạo kênh đã cùng lập kế hoạch, lên khung chi tiết các công việc cần làm từ trước đó 3-4 ngày. Mỗi người một việc, tùy theo vị trí và năng lực. 

Phòng thời sự nơi Diệu Quỳnh công tác có khoảng 20 người, song chỉ có cô là phóng viên nữ. Thấu hiểu sự vất vả của các nữ đồng nghiệp khi làm báo, những đồng nghiệp nam luôn tạo điều kiện, giúp đỡ và hỗ trợ để Diệu Quỳnh hoàn thành công việc.

"Trước khi bão Noru vào, các anh phóng viên trong phòng đều đi đến các địa bàn xa để tác nghiệp. Tôi là phóng viên nữ, được mọi người ưu tiên hơn, đưa tin tại ban chỉ huy tiền phương ở Đà Nẵng. So với mọi người, sự vất vả của tôi chỉ là một phần rất nhỏ. Các anh đến những nơi xa còn khó khăn, nguy hiểm hơn rất nhiều", Diệu Quỳnh bày tỏ.

Guồng quay hối hả của bản tin trực tiếp

Khi mới vào nghề, Diệu Quỳnh cũng như biết bao nhiêu phóng viên trẻ khác, bỡ ngỡ với tất cả mọi thứ. Nhưng, chính sự động viên, quan tâm và hỗ trợ của đồng nghiệp trong cơ quan đã giúp cô trưởng thành hơn sau mỗi tin bài, phóng sự. 

"Để được ra ngoài hiện trường tác nghiệp mùa bão, lũ, tôi phải làm công việc biên tập tin, bài của các phóng viên gửi về. Sau đó mới được đi kèm cùng các anh, chị có kinh nghiệm lâu năm để học hỏi về cách tác nghiệp, các nguy hiểm có thể gặp lhair. Khi đã thành thạo, tôi mới được đi tác nghiệp độc lập", Diệu Quỳnh chia sẻ.

Cứ mỗi mùa mưa, bão đến, là phóng viên tại khu vực miền Trung, Diệu Quỳnh cũng như anh chị, em đồng nghiệp đều xác định tâm thế sẵn sàng đi tác nghiệp. Chuyện đưa đồ dùng cá nhân lên cơ quan ngủ lại, trực vài ba ngày cũng là bình thường. 

"Làm báo đặc biệt là làm truyền hình sẽ đặc thù hơn các công việc khác, có thể đi làm vào ngày cuối tuần, nghỉ lễ, thiên tai, dịch bệnh là chuyện bình thường, không kể đêm hay ngày", Diệu Quỳnh tâm sự.

Trải lòng 13 năm đưa tin bão của nữ phóng viên không đứng vững trước gió trên sóng VTV

Sau những "hào quang" người ta vẫn nghĩ về công việc truyền hình là thử thách, khó khăn và những giọt mồ hôi, vất vả. Diệu Quỳnh đam mê với công việc, nhưng cũng có lúc không tránh khỏi sự mệt mỏi. Tuy vậy, công việc mà cô đang làm đưa đến nhiều bài học quý, sự trải nghiệm, gặp gỡ nhiều người xung quanh. Và đặc biệt, sau khi một tác phẩm lên sóng, được công chúng đón nhận, quan tâm thực sự là món quà quý giá nhất. Cứ như vậy, mỗi năm đi qua, cô lại thêm yêu công việc truyền hình và cơ quan công tác để tiếp tục gắn bó nhiều năm hơn nữa. 

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Diệu Quỳnh nhắc nhiều đến sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Cô cho rằng, làm báo nói chung và đặc biệt là làm truyền hình, nếu không có sự phối hợp của anh em đồng nghiệp sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

"Nếu một người làm báo mà chỉ tác nghiệp đơn lẻ trong mưa, bão là điều không thể. Do đó, vai trò của đồng nghiệp rất quan trọng", Diệu Quỳnh bày tỏ.

Khán giả nhìn thấy Diệu Quỳnh trong bản tin về bão Noru chỉ 5-7 phút nhưng từ trước khi lên sóng, cô và ê kíp đã phải xử lý rất nhiều thông tin, viết kịch bản lời dẫn, biên tập và quay các hình ảnh hiện trường. Công việc đòi hỏi chính xác, tỉ mỉ, không cho phép sai sót song vẫn phải nhanh chóng để kịp thời với nhịp độ hối hả 1 tiếng có 1 bản tin trên sóng VTV.

"Thông thường, những ngày không có bão, chúng tôi ghi hình rồi dựng hình để phát sóng. Còn áp lực làm bản tin trực tiếp về mưa, bão không chỉ là điều kiện thời tiết mà còn cả thời gian. Cứ 1 tiếng có 1 bản tin, cho nên tôi và anh chị em đồng nghiệp phải tổng hợp thông tin từ ban chỉ huy tiền phương, sau đó xử lý rồi viết lời dẫn để chuẩn bị lên trực tiếp. Đó thực sự là guồng quay không nghỉ, suốt cả đêm...", nữ phóng viên của kênh VTV8 chia sẻ.

Công việc làm báo của Diệu Quỳnh không phải lúc nào cũng thuận lợi, có lúc trải qua những phen hú vía. Nhưng đó là những bài học kinh nghiệm để cô trưởng thành hơn. Thậm chí, có lúc phải lên sóng trực tiếp, song các thông tin chưa kịp chuyển về, Diệu Quỳnh phải nhanh nhạy xử lý để miêu tả không khí xung quanh trước khi cập nhật các thông tin mới nhất. 

Trải lòng 13 năm đưa tin bão của nữ phóng viên không đứng vững trước gió trên sóng VTV

Với áp lực đổi mới thường xuyên của các cơ quan báo chí trong đó có VTV, trong những năm qua, bản thân Diệu Quỳnh và các đồng nghiệp xác định luôn luôn nỗ lực làm mới chính mình. Công việc của phóng viên truyền hình không chỉ đơn thuần là viết kịch bản, lời bình mà còn phải đa zi năng có thể dựng hình, quay phim, kiêm cả dẫn chương trình. 

"Chúng tôi nhìn thấy ở các bạn trẻ sự năng động, sáng tạo. Đó chính là động lực để những người công tác lâu năm phải không ngừng cố gắng. Nếu không cố gắng sẽ lạc hậu và đến một lúc không thể theo kịp được guồng quay hối hả của thời sự và đổi mới của ngành truyền hình thế giới", Diệu Quỳnh trải lòng.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa tin bão Noru, Diệu Quỳnh trở lại với cuộc sống thường nhật của phóng viên thời sự. Ngoài thời gian đi làm, cô dành sự quan tâm cho chồng con như biết bao người phụ nữ khác trong xã hội. Và khi có bão, lũ hay bất cứ sự kiện gì, họ lại lên đường không quản ngại ngày đêm hay mưa gió. Bởi, với họ, hoàn thành trọng trách được giao xứng đáng với niềm tin yêu của công chúng đã là một niềm vinh dự và hạnh phúc. 

Anh Minh

 

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 công thức đá viên đơn giản cho da căng bóng mướt mịn như em bé