Bán trà bên đường: Vốn ít, lãi nhiều, khách đông quanh năm?

2015-12-05 09:48
- Công việc bán trà đá đơn giản nhưng đông khách đưa lại thu nhập cao cho nhiều người.

Bán trà đá là công việc nở rộ trong những năm gần đây tại các thành phố lớn trong đó có Hà Nội. Mỗi cốc trà đá giá chỉ 2000 đồng - 3000 đồng nhưng đủ làm cho câu chuyện của giới văn phòng, người đi đường, cánh thanh niên, nam thanh nữ tú thêm phần xôm tụ. 

Nhiều người còn nói với nhau không đi đâu tiện bằng ra quán trà đá, vừa uống trà vừa ăn hướng dương, không gian rộng rãi, chi phí bằng 1/3 so với vào quán cà phê hay giải khát sang chảnh trên nhiều con phố.

Bán trà đá vỉa hè không chỉ đắt khách về mùa hè mà mùa đông cũng "ăn nên làm ra" không kém. Để theo kịp nhu cầu, các chủ quầy hàng trà đá phục vụ trà ấm, trà không đá vào những ngày nhiệt độ hạ thấp. Chính vì vậy, các quầy trà đá hiếm khi vắng khách, thậm chí vào các buổi tối không phục vụ xuể. 

Quầy hàng đơn giản, khách đông khiến người bán trà đã lãi cao.
"Mỗi ngày tôi không nhớ rót bao nhiêu cốc, có những ngày rót không xuể cả trăm cốc. Mùa đông ít khách hơn nhưng không phải không có ai. Mùa hè lãi 300.000 đồng - 400.000 đồng thì mùa đông lãi ít hơn chút nhưng vẫn đủ sống", một người bán trà đá chia sẻ.

Chị Hảo (Một người bán trà) tâm sự, mùa đông chủ yếu khách uống nóng nên lỉnh kỉnh đun nấu, mất chút công sức. Mức giá vẫn tương đương trà đá nhưng chủ yếu lấy công làm lãi, trừ chi phí vẫn có lãi đáng kể. "Mỗi ly trà tính toán chi phí khoảng 1000 đồng, tiền lãi còn ít nhất 1000 đồng -2000 đồng. Người vẫn uống nườm nượp, chả có ngày nào vắng khách", chị Hảo nói.

Vốn ít lãi cao

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ cần 1 chiếc bàn nhỏ hay đơn giản chỉ là 1 tấm gỗ nhỏ để kê tủ đựng kẹo, mấy chai nước ngọt, ấm trà kèm vài ba chiếc ghế nhựa đã đủ cho việc kinh doanh.

So với những nghề kinh doanh khác, kinh doanh trà đá vỉa hè dường như không mấy tốn kém về khâu chuẩn bị. "Tôi đi uống trà đá nhiều nơi thấy chỗ nào cũng kín chỗ ngồi. Kinh doanh cái gì nhìn cũng chuẩn bị phức tạp chứ bán trà đá chỉ cần cái bàn và vài ba cái ghế, quen khách là đủ để kiếm tiền. Có lần tôi đi uống trà đá còn không đủ chỗ ngồi, phải đi tìm vài ba nơi mới có chỗ", anh Tùng (Nhân Chính, Hà Nội) - một khách hàng thường xuyên uống trà đá chia sẻ.

Để tìm hiểu tình hình kinh doanh của các quán trà đá, chúng tôi đã đóng vai người đi uống để quan sát được sự thu hút đáng kể của loại hình này với nhiều bạn trẻ và dân văn phòng. Tại một quầy trà đá nhỏ, chỉ trong vòng một buổi trưa đã có trên dưới 50 khách ngồi kín chỗ. Thậm chí, chỉ cần 2-3 vị khách đi ra lại có thêm các vị khách mới gọi trà đá, ăn hướng dương. 

Bán trà bên đường: Vốn ít, lãi nhiều, khách đông quanh năm?

"Mỗi buổi trưa có ít nhất 50 -70 khách, cao điểm có thể nhiều hơn. Chiều lác đác nhưng buổi tối cũng ít nhất từng đó khách. Mỗi cốc trà đá có giá 2000 đồng - 3000 đồng, mỗi đĩa hướng dương 15.000 đồng. Trừ chi phí mỗi ngày lãi ít nhất vài ba trăm ngàn đồng hơn làm nhiều công việc khác", một người bán chia sẻ.

Tại một quầy trà đá nhỏ hơn, chỉ trong 15 phút có 3 vị khách vào uống, mỗi người uống 2 cốc kèm theo 1 đĩa hướng dương. Theo nhẩm tính của chúng tôi, người bán đã thu được ít nhất 30.000 đồng tiền lãi

Còn chị Ngân - một người từng kinh doanh trà đá vỉa hè cho biết, chi phí ban đầu cho bàn ghế, đồ dùng chỉ tốn vài ba trăm ngàn đồng nhưng đổi lại rất ăn khách. Chỉ cần bán vài ba ngày đã có thể thu hồi vốn ban đầu.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Ngọc Anh (một người từng dự định kinh doanh trà đá) cho biết, một ấm trà không phải chỉ dùng cho 10-15 cốc mà có thể dùng cho 40-50 cốc. "Bởi tỷ lệ pha trà chỉ một chút sau đó kèm nước lọc nóng hay nguội vào. Nói là trà đá nhưng thực tế là tỷ lệ trà đá rất ít. Cho nên mới có chuyện 1 ấm trà có thể dùng cho nhiều lần", chị Ngọc Anh nói.

Thanh Thủy 
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ai cũng muốn có một người đàn ông chu đáo bên cạnh