3 thứ 'lộc trời' ở Việt Nam mọc lên từ đá, là đặc sản đắt đỏ dân hái về bán hốt bạc
Tin liên quan
1. Rong mứt
Rong mứt là một loại rong biển, mọc bám trên các gành đá ven bờ biển, chỉ xuất hiện vào các tháng 10 - 12 âm lịch. Chúng có tên khoa học là Porphyra, thuộc ngành tảo đỏ Rhodophyta, sinh sống và phát triển tự nhiên ở vùng nước lợ hoặc vùng nước biển nông.
Loại rong này có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp hàng chục lần rong khác do chứa các acid amin, các vitamin B, B2, A, C và các nguyên tố vi lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người, trong khi hàm lượng chất béo không cao, rất thích hợp cho người ăn kiêng và bị tiểu đường.
Rong mứt có thể chế biến thành nhiều món ăn như nấu canh tôm, thịt băm, cá khoai tươi, tép, hến hoặc củ quả. Mứt biển có giá trị kinh tế cao nên người dân vùng biển Đà Nẵng còn ưu ái gọi nó là “lộc biển”.
Những tháng cuối năm, người dân ở các tỉnh miền biển lại ra rạn đá dọc biển để đi hái rong mứt biển. Mứt biển chỉ cần trời lạnh và mưa là sẽ mọc phủ kín các gành đá ven biển. Thời gian sinh trưởng cũng rất nhanh, thu hoạch xong nghỉ hai ba hôm là có thể thu hoạch tiếp. Những năm trước rong mứt thường mọc vào tháng 10 dương lịch. Sau mỗi cơn mưa lớn, rong mứt bắt đầu mọc lên tua tủa khắp trên các vách đá.
Mỗi kg rong tươi bán với giá từ 250.000-300.000 đồng, nên thu nhập của một buổi đi hái rong mứt là 500.000-600.0000 đồng/ngày.
2. Rêu đá
Ở một số tỉnh Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng, có một món ăn mà ai mới nghe thoáng qua tên gọi cũng thấy vô cùng lạ lẫm và đặc biệt. Đó là món rêu đá, được lấy từ các bờ suối đầu nguồn, nơi có nguồn nước sạch, chảy xiết.
Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như: Rêu hấp, canh rêu, rêu xào, nộm rêu, rêu nướng… tùy theo sở thích của mỗi người. Rêu mọc tự nhiên trên các mỏm đá, bám vào các gờ đá nơi lòng suối, chúng có quanh năm nhưng theo người dân vào mùa xuân là mùa rêu ngon nhất.
Người thu hái rêu đá phải có kinh nghiệm và kỹ năng nhất định, khi di chuyển qua các tảng đá trơn trượt giữa vùng nước lạnh. Thông thường, họ sẽ hái rêu từ cuối dòng suối ngược trở lên để rêu không bị bám bụi bẩn, đất cát.
Rêu hái về được rũ nhẹ nhàng dưới dòng suối chảy, để loại bỏ cành lá mục, đất cát cùng tạp chất. Tiếp đó sẽ vắt khô nước và bày lên tảng đá mịn ven suối, dùng đá hoặc chày đập cho tơi mềm.
Ban đầu, người dân địa phương thường chỉ hái rêu suối về ăn, làm món rau cho các bữa cơm trong gia đình. Khi rêu được biết đến nhiều hơn bởi hương vị lạ miệng, người ta lại thu hoạch rêu đem ra chợ bán.
Rêu được nặn thành từng tảng hình tròn, nặng khoảng trên dưới 1kg với giá bán dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/nắm tùy từng nơi.
3. Dún đá
Dún đá là một đặc sản của Ninh Bình. Người ta gọi dún đá là mầm đá, vì kỳ thực loài rau này là mầm rêu mọc từ những tảng đá vôi trắng đặc trưng của vùng đất Ninh Bình, được hình thành bởi nước mưa đọng lại.
Những nơi như khu vực núi Nghẽn, núi Cầu Đen (gần chùa Bái Đính bây giờ); núi Dếnh, núi Dược (khu vực cầu Gián Khẩu) là nơi có nhiều dún đá nhất. Ngày xưa, cứ sau mỗi cơn mưa là dún đá lại được bán nhiều tại các chợ quê vùng Hoa Lư.
Dún đá sau khi mang về nhà sẽ được ngâm nước gạo, đãi, rửa cẩn thận cho sạch hết bụi bẩn, cho lên rá đồ hoặc cho vào nồi luộc. Khi dún đá chuyển từ màu xanh sang màu vàng là chín, ăn được. Xưa các cụ thường chế biến đơn giản, luộc chấm mắm hoặc ăn chung với riêu cua. Giờ đây, dún đá được biến tấu thành nhiều món ăn lạ miệng hơn như xào, nộm, canh, riêu cua, salad, thậm chí là muối chua, phơi khô như rong biển...
Dún đá được các nhà hàng mua về và chế biến thành nhiều món đặc sản, khi lên mâm có giá tới hàng vài trăm ngàn đồng.
Ni Trần (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất