Đua nhau ăn thực dưỡng kiểu truyền tai, bác sĩ dinh dưỡng cảnh báo điều nhiều người đang bỏ qua
Tin liên quan
Ăn thực dưỡng hàng ngày liệu có tốt?
Ông cha ta thường có câu “họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào”. Việc ăn uống không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà nó còn kéo theo những nguy cơ bệnh tật nhất định.
Ăn thực dưỡng là một trong những trào lưu được du nhập từ bên ngoài (nước Nhật) vào nước ta trong mấy năm gần đây. Hầu hết người thực hiện cách ăn thực dưỡng là qua truyền miệng rồi tự ca tụng lên. Rất ít người có kiến thức đầy đủ về lợi ích và hạn chế của phương pháp ăn này.
Trong khi đó, rất nhiều người tin rằng ăn thực dưỡng có thể phòng chống và chữa khỏi được mọi bệnh tật nếu như thực hiện nó hàng ngày. Theo TS. Từ Ngữ (Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam), hiện nay có rất nhiều trường phái ăn khác nhau. Mỗi một trường phái lại có những ưu điểm và những hạn chế nhất định.
Chế độ ăn thực dưỡng chỉ phù hợp với một số người chứ không phải chế độ ăn có thể dành cho số đông, ảnh minh họa.
“Thực dưỡng bản chất của nó là ăn muối mè (vừng) và gạo lứt. Ăn thực dưỡng có 10 chế độ ăn khác nhau từ 1 đến 7 và từ -1 đến -3. Trong đó, có chế độ ăn có cá và thịt nhưng lại hạn chế ăn rau và uống nước”, TS. Từ Ngữ nói.
Thực dưỡng cũng như các chế độ ăn khác (ăn chay, lowcarb…) chỉ tốt cho một số người về mặt sức khỏe hay có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh chứ chưa có tài liệu chứng minh có thể “chữa được mọi bệnh trong đó có ung thư”.
Theo lý giải của TS. Từ ngữ, ảnh hưởng của chế độ ăn lên con người cần phải có thời gian. Vì vậy khi theo đuổi một chế độ ăn, muốn biết có tốt hay không cần phải kiên trì, sử dụng trong thời gian dài.
Tuy nhiên, việc kiên trì ngày nào cũng áp dụng theo một chế độ ăn dễ dẫn tới nguy cơ mất cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể. Ví dụ, chế độ ăn số 7, chỉ ăn muốn mè và gạo lứt dễ dẫn tới tình trạng mệt mỏi, da xanh nhợt nhạt do thiếu sắt và vi khoáng. Dù lượng sắt trong thực vật (mè) là có nhưng lượng sắt này thường khó hấp thu.
“Hiện nay, mọi người nhắc nhiều tới thực đơn số 7. Là thực đơn chỉ ăn các loại ngũ cốc (các loại hạt ngũ cốc nguyên vỏ mềm). Các loại hạt này có chứa các chất đạm, chất béo, nhiều omega…Nhưng tôi đánh giá đây là một chế độ ăn không đa dạng dễ gây ra tình trạng thiếu chất”, TS. Từ Ngữ chia sẻ.
Ai nên ăn thực dưỡng và ai không nên?
Chế độ ăn thực dưỡng chỉ nên áp dụng cho một số người không phải ai ăn cũng tốt. Không nên đua theo phong trào người này ăn rồi truyền miệng cho người kia ăn có thể gây hại cho sức khỏe.
“Con người có tính cá thể, vì vậy không có một chế độ ăn nào có thể áp dụng mọi người. Hay nói cách khác dinh dưỡng phải chú ý quan tâm tới từng người”, TS. Từ Ngữ nói.
Người có bệnh lý rối loạn chuyển hóa như (rối loạn mỡ máu, tim mạch, tiểu đường một số bệnh lý về gan và thận), người thừa cân béo phì… khi chọn ăn thực dưỡng là rất tốt cho sức khỏe. Những người này nên chọn thực đơn cho phép ăn rau, ăn canh, ăn thịt… tỷ lệ các nhóm dinh dưỡng cân đối hơn theo khoa học dinh dưỡng hiện đại.
"Phương pháp ăn thực dưỡng được chống chỉ định với người mới ốm dậy sức khỏe quá suy kiệt, trẻ nhỏ, người thiếu men tiêu hóa, thiếu các vi khuẩn có lợi đường ruột (ăn bị sinh đầy hơi)”, TS. Từ Ngữ nói.
Trong bài tiếp theo, chuyên gia sẽ cảnh báo những lỗi sai khi ăn thực dưỡng làm mất đi tác dụng. Kính mời quý độc giả đón đọc
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất