Điểm mặt những thói quen hại sức khỏe vào mùa đông

Hà Anh 2015-11-06 06:58
- Những thói quen dưới đây “chống chỉ định” vào mùa đông vì nó khiến sức khỏe của bạn trở nên tồi tệ.

Uống không đủ nước

Mùa hè nóng bức, cơ thể đổ nhiều mồ hôi nên bạn thường xuyên thấy khát và uống nhiều nước. Còn mùa đông, cơ thể ít thoát nước ra bên ngoài qua đường mồ hôi khiến bạn không có cảm giác khát và lười uống nước. Tuy nhiên, việc không uống đủ nước rất có hại cho sức khỏe.

Điểm mặt những thói quen hại sức khỏe vào mùa đông
Vào mùa đông, dù không có cảm giác khát, bạn vẫn nên uống đủ 2 lít nước/ngày (ảnh minh họa)

Theo các nghiên cứu y khoa, chỉ cần mất 2% lượng nước trong cơ thể, trí nhớ sẽ hoạt động kém. Nếu mất 4% lượng nước, khả năng chịu đựng của cơ thể giảm một phần ba, bạn có thể sẽ bị các triệu chứng như choáng váng, hoa mắt. Mất 5% lượng nước, bạn sẽ thấy cơ thể, đầu óc khó tập trung, uể oải, nhức đầu. Mất 6% lượng nước, tim bắt đầu đập mạnh, sự điều hòa thân nhiệt bắt đầu rối loạn. Còn nếu mất 7% lượng nước, bạn có thể sẽ bị ngã quỵ. Đó là còn chưa kể tới việc cơ thể thiếu nước sẽ khiến da khô, xỉn màu, nứt nẻ môi, mắc các bệnh về thận. Do vậy, vào mùa đông, bạn vẫn nên uống ít nhất 2 lít nước/ngày dù không có cảm giác khát.

Liếm môi

Vào mùa lạnh, đôi môi thường bị khô và nứt nẻ khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu, mất tự tin. Nhiều bạn nữ có thói quen xấu là liếm môi vì nghĩ rằng làm như thế sẽ cung cấp nước giúp da môi mềm mại hơn. Thực tế là việc liếm môi chỉ giúp giữ ẩm cho môi trong một thời gian ngắn, tạm thời giảm nhẹ sự khó chịu, còn khi nước bọt khô đi sẽ làm khô lượng chất ẩm trên môi đã tồn tại trước khi bạn liếm, khiến môi càng khô, nứt nhiều hơn. Thay vì liếm môi, bạn nên sử dụng các loại son môi dưỡng ẩm hoặc các dưỡng chất tự nhiên làm mềm môi như mật ong, dầu dừa.

Tắm quá thường xuyên

Thời tiết mùa đông thường hanh khô, độ ẩm thấp khiến da trở nên căng, khô, thậm chí rất ngứa. Nhiều người chọn cách tắm thường xuyên nhằm cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, việc tắm quá thường xuyên sẽ làm mất chất dầu bài tiết trên bề mặt da và các vi khuẩn bảo vệ, gây tổn thương lớp biểu bì của da, khiến sức đề kháng của da yếu đi, gây mẩn ngứa da, viêm da. Tắm quá thường xuyên còn khiến cơ thể dễ nhiễm lạnh. Vì vậy, bạn chỉ nên tắm 2 - 3 lần/tuần với nhiệt độ nước tắm từ 24-29 độ C.

Mặc nhiều quần áo khi đi ngủ

Nhiều người thường mặc quần áo dày khi đi ngủ vào mùa đông vì sợ ban đêm cơ thể nhiễm lạnh. Thực tế là quần áo dày sẽ làm cho mồ hôi không thoát ra được, thậm chí thấm ngược vào da khiến bạn ngủ không ngon giấc. Do vậy, tốt nhất bạn chỉ nên mặc những bộ quần áo ngủ rộng rãi, độ dày vừa phải để tạo cảm giác thoải mái khi ngủ.

Trùm chăn kín đầu

Việc trùm chăn kín đầu khi ngủ phần nào đó giúp bạn cảm thấy cơ thể đỡ lạnh song nó sẽ làm lượng khí oxy giảm, khí cacbonic tăng cao, khiến bạn cảm thấy khó thở, đau đầu, mệt mỏi khi thức dậy. Về lâu dài, sức khỏe của bạn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng như suy giảm trí nhớ, tổn thương não bộ.

Vận động ngay sau khi thức dậy

Nhiều người cho rằng trời lạnh nên vận động ngay sau khi ngủ dậy sẽ giúp cơ thể ấm lên. Thực tế là khi bạn ngủ, hoạt động của các cơ quan trong cơ thể được chuyển sang chế độ thấp nhất. Lúc vừa tỉnh dậy, các bộ phận của cơ thể vẫn ở trong trạng thái hoạt động thấp nên nếu bạn ra khỏi giường và vận động ngay thì cơ thể sẽ không kịp điều tiết, dẫn đến các bệnh về máu và tim. Tốt nhất, sau khi ngủ dậy bạn nên nằm trên giường một lát để đánh thức các cơ quan rồi mới ra khỏi giường, uống nước ấm và bắt đầu vận động.

Bỏ tập thể dục

Thời tiết lạnh khiến nhiều người ngại đi tập thể dục. Tuy nhiên, cơ thể luôn cần được vận động thường xuyên. Việc duy trì chế độ tập thể dục bất kể đông hay hè sẽ giúp bạn có một cơ thể và hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Hà Anh
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mẹ chồng thuộc 3 con giáp này thì xác định cuộc đời con dâu sung sướng không ai sánh bằng