Lý do quan trọng khiến bà bầu nhiễm HIV không truyền được vi rút cho con khi đang trong bào thai

Thu Hà 2017-10-13 06:45
- Nếu không có bất cứ tổn thương nhau thai nào thì mẹ bầu nhiễm HIV yên tâm là thai nhi ở trong bụng vẫn không bị nhiễm.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện 09, trong ba con đường lây nhiễm vi rút HIV: tiêm chích, quan hệ tình dục, mẹ sang con thì con đường lây nhiễm từ mẹ sang con là thấp nhất.

Đa số bà bầu nhiễm HIV đều bị gia đình, xóm làng kỳ thị. Hơn 20 năm gắn bó với công việc điều trị cho bệnh nhân HIV, Thạc sĩ Ngọc Hưng đã gặp không ít bà bầu nhiễm HIV bị gia đình ruồng bỏ vì sự kỳ thị này.

Ngược lại, cũng có nhiều bà bầu đến cận ngày sinh, đi làm hồ sơ sinh con mới biết mình nhiễm phải vi rút chưa có thuốc điều trị đặc hiệu này. Họ rơi vào hoang mang, hoảng loạn cực độ.

TẤT TẦN TẬT những điều mẹ “có H” cần làm trong suốt thai kỳ để mẹ tròn con vuông

Tuy nhiên, Thạc sĩ Hưng khẳng định nếu hiểu đầy đủ về cách dự phòng, mẹ “có H” vẫn có thể sinh con và nuôi con khỏe mạnh. “Nếu vợ chồng yêu thương nhau, cần có một đứa con thì người phụ nữ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con. Người bệnh nên đến ngay cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, đánh giá đầy đủ khi có ý định có thai hoặc ngay khi phát hiện có thai. Thực tế ở đây cho thấy không ít cặp vợ chồng cả hai đều nhiễm HIV, cùng điều trị nhưng con họ không hề nhiễm bệnh”, Thạc sĩ Hưng bày tỏ.

Dưới đây là tất cả những điều Thạc sĩ Hưng khuyên mẹ nhiễm HIV CẦN LÀM để có cuộc vượt cạn thành công.

PV Emdep: Có không ít bà bầu đến gần ngày sinh mới biết mình nhiễm HIV. Điều họ cần làm lúc này là gì, thưa bác sĩ?

Thạc sĩ Ngọc Hưng: Phát hiện mình mắc phải vi rút HIV, không bị bà mẹ suy sụp vì lo sợ con sẽ bị lây nhiễm vi rút chưa có thuốc điều trị đặc hiệu này. Ngay khi phát hiện mình nhiễm HIV, mẹ bầu hãy đến cơ sở y tế chuyên điều trị cho bệnh nhân HIV để được tư vấn đầy đủ và uống thuốc dự phòng.

PV Emdep: Vì sao thai nhi trong bụng mẹ không bị nhiễm HIV?

Thạc sĩ Ngọc Hưng: Nếu không có bất cứ tổn thương nhau thai nào thì mẹ nhiễm HIV hãy yên tâm thai nhi ở trong bụng vẫn không bị nhiễm. Vì nhau thai có ba lớp siêu lọc. Nhau thai vừa là trung tâm kiểm định chất dinh dưỡng, vừa là nơi lọc vi rút HIV, các mầm bệnh, không cho xâm nhập vào thai nhi.

Trong ba con đường lây nhiễm: tiêm chích, quan hệ tình dục, mẹ sang con thì con đường lây nhiễm mẹ sang con là thấp nhất. Tỉ lệ mẹ lây sang con là chỉ 0.03%, tức 100 người chưa có đến 1 người lây.

PV Emdep: Cuộc chuyển dạ cần tiến hành ra sao để tránh lây nhiễm HIV cho đứa trẻ?

Thạc sĩ Ngọc Hưng: Bản chất sâu xa vi rút HIV lây qua đường máu, qua tiếp xúc các loét, trợt, cọ xát, viêm nhiễm sẵn có của người mẹ. Trong khi đó, đứa trẻ với lớp niêm mạc da, niêm mạc mắt, mũi rất mỏng, dễ bị xây xước do cọ xát trong ống âm đạo của mẹ lúc chuyển dạ sinh thường. Quá trình chuyển dạ sinh thường có nguy cơ lây nhiễm cao nhất cho đứa trẻ.

Vì thế, phương án tối ưu cho mẹ bầu nhiễm HIV là sinh mổ để tránh cọ xát da, niêm mạc mắt mũi của trẻ với vết viêm loét của người mẹ.

Trước lúc sinh mổ, người mẹ cần được uống một liều thuốc dự phòng cho cả hai mẹ con. Sau sinh, mẹ hãy đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám, đánh giá giai đoạn và uống thuốc điều trị HIV đúng chỉ định.

PV Emdep: Người mẹ nhiễm HIV có thể cho con bú được không?

Thạc sĩ Ngọc Hưng: Hoàn toàn có thể nuôi con bằng sữa mẹ! Nồng độ vi rút HIV có trong sữa mẹ rất thấp, không đủ để lây nhiễm. Đứa trẻ có thể bú mẹ với điều kiện mẹ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, không bị nứt cổ gà, viêm loét bầu vú.

Thời điểm trẻ mọc răng hay ngứa lợi “cắn ti” mẹ, có vết loét ở khoang miệng, bị tưa lưỡi, mẹ không nên cho trẻ bú để tránh tiếp xúc với vết loét, chảy máu.

PV Emdep: Quần áo của mẹ sau sinh nên vệ sinh, khử trùng thế nào?

Thạc sĩ Ngọc Hưng: Mẹ sau sinh cần giữ vệ sinh cơ thể, tránh lây nhiễm dịch tiết, chất tiết cho trẻ. Quần áo cần được ngâm nước Javel 0.5% khử vi rút, ngâm thấp nhất từ 6 – 12 tiếng rồi mới giặt. Bên cạnh đó, băng vệ sinh cần được gói kỹ ba bốn lượt, buộc chặt, bỏ vào thùng rác đổ hàng ngày.

PV Emdep: Đứa trẻ sinh ra từ mẹ có H cần được xét nghiệm vào những thời điểm nào, thưa bác sĩ?

Thạc sĩ Ngọc Hưng: Trong 4 – 6 tháng đầu đời, trẻ cần được xét nghiệm HIV vì có thể lây nhiễm mầm bệnh trong lúc chuyển dạ. Sau đó, cứ 3 – 6 tháng trẻ làm xét nghiệm lại một lần để phát hiện bệnh từ giai đoạn “trứng nước”.

 Xin trân trọng cảm ơn anh!

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Toner “Siêu căng bóng” liệu có thần thánh như lời đồn?