Đi du lịch hè, cẩn thận đổ bệnh giữa đường

Kim Anh 2016-06-12 07:04
- Mùa hè là mùa của du lịch và nghỉ mát. Song cho dù bạn định đi nghỉ ở vùng núi, vùng biển hay bất cứ đâu khác thì cũng cần thận trọng trước nguy cơ bệnh tật trên đường đi.

Khi chuyến du lịch mất vui vì ngã bệnh giữa đường

Trong cuộc sống thường ngày, không ai là không có lúc đổ bệnh, tuy nhiên mắc bệnh khi đang trên đường du lịch đến một nơi thú vị nào đó thì hẳn sẽ làm chuyến du lịch của bạn kém vui đi nhiều. Bạn sẽ không còn hứng thú đi du lịch nữa mà chỉ muốn trở về nhà càng sớm càng tốt. Và trên thực tế, có không ít nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn từ những chuyến du lịch xa.

Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai từng tiếp nhận một bệnh nhi bị sưng "vùng kín" do dị ứng với sứa biển. Bệnh nhân là bé Bảo, hơn 2 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trước đó, gia đình cháu đi nghỉ ở biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Sau khi tắm xong lên bờ được một lúc thì bố mẹ cháu thấy con cứ khóc mãi. Khi kiểm tra, bố mẹ cháu thấy vùng kín của con sưng to liền đưa cháu đến BV Thanh Hóa điều trị nhưng không đỡ. Bé đã được chuyển tới khoa Nhi, BV Bạch Mai. Sau vài ngày điều trị dị ứng, tình trạng của cháu bé đã dần ổn định.

Đi du lịch hè, cẩn thận trước nguy cơ bệnh tật

 

Trường hợp tương tự, cháu N.T.D ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội được mẹ cho đi nghỉ mát ở Sầm Sơn. Khi đang tắm, cháu giẫm phải con sứa, sau đó bị dị ứng mẩn đỏ khắp người. Cũng may, sau khi bôi thuốc chống dị ứng, tình trạng của cháu đã giảm, không phải nhập viện.

Không chỉ du lịch biển mới có nguy cơ sức khỏe. Những chuyến du lịch, thám hiểm rừng, núi cũng tiềm ẩn rất nhiều mối nguy có thể xảy ra với bất kỳ ai nếu không có sự đề phòng.

Bệnh viện Da liễu Hà Nội từng tiếp nhận và khám cho một bệnh nhân nam bị sưng tấy, nhiễm trùng da phía bên trong của cánh tay. Bệnh nhân này bị mẩn ngứa trong khi đi du lịch cùng gia đình. Lúc đầu chỉ là cảm giác ngứa nên gãi và có hiện tượng hơi sưng đỏ. 2 ngày sau, tình trạng ngứa không bớt mà còn sưng tấy hơn. Người ra hiệu thuốc mua thuốc mỡ để bôi nhưng vết gãi nhanh chóng sưng to, có ổ mủ, người lên cơn sốt. Lo lắng, anh đến bệnh viện khám thì được các bác sĩ cho biết bị viêm da tiếp xúc do côn trùng đốt.

Các bệnh thường gặp khi đi du lịch

- Say nắng, cảm nắng:  Đi lại nhiều dưới ánh nắng mặt trời gay gắt dễ gây tình trạng say nắng. Người bị say nắng thường mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu.., nặng có thể bị ngất xỉu hoặc đột quỵ. Trẻ em, người già, người thừa cân và những người có sức khỏe yếu dễ bị đột quỵ do cảm nhiệt.

- Bệnh cảm cúm: Bệnh xảy ra do cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm, tiếp xúc nhiều với nắng nóng và uống nhiều nước đá lạnh... Biểu hiện chủ yếu là sốt, đau họng, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu… Đặc biệt, khu du lịch là chỗ tập trung đông người nên bệnh dễ lây lan.

- Bệnh đường tiêu hóa: du lịch là khoảng thời gian nghỉ ngơi thú vị và không thể thiếu được các món đặc sản hấp dẫn. Nhưng đồng hành với nó lại là các mối nguy cơ về bệnh tật. Thức ăn và nước uống thường là nguồn gây ra các bệnh nhiễm khuẩn khi đi du lịch. Các vấn đề dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo, các món ăn, giờ giấc ăn uống thay đổi thất thường cũng là nguyên nhân gây bệnh. Đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, chán ăn... là những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp trong khi đi du lịch.

- Dị ứng, côn trùng đốt: Dù đi biển hay lên rừng, bạn đều có thể bị dị ứng do đồ ăn, nước uống, thời tiết hoặc do côn trùng đốt... và chúng gây ngứa, đau, thậm chí là các bệnh truyền nhiễm. Điều quan trọng là xác định được nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp.

- Nguy cơ mắc bệnh khi bơi lội: Du lịch hè thường các gia đình đều lựa chọn đi chơi ở những nơi có thể tắm hoặc bơi lội để thư giãn. Tuy nhiên, dù tắm ở đâu đi chăng nữa thì cũng phát sinh rất nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác nhau. Các loại nhiễm khuẩn thường gặp trong khi tắm, bơi lội là nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn tai, mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp, và đôi khi là tiêu chảy do uống phải nước bẩn nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt, cần hết sức lưu ý không nên tắm một mình, nhất là trẻ nhỏ, để phòng tránh những tai nạn như chuột rút, đột quỵ,...

Cách phòng tránh bệnh khi đi du lịch hè

- Ăn uống điều độ, đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, uống đủ nước. Ăn những đồ ăn đã được nấu chín kỹ, tránh các quán ăn bên đường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên uống nước đóng chai, hạn chế dùng bia rượu và đá lạnh.

Đi du lịch hè, cẩn thận đổ bệnh giữa đường
- Nên ăn mặc gọn gàng, thoải mái, phù hợp với thời tiết hè nắng nóng. Nếu có trẻ nhỏ đi cùng cần chuẩn bị kỹ  đồ dùng cần thiết như quần áo, mũ, kính, bỉm, sữa... Không nên hoạt động ngoài trời nắng lâu, nhất là từ 10h đến 16h.

- Cần chú ý ngủ nghỉ hợp lý để bảo đảm sức khỏe cho chuyến đi. Hãy cố gắng phân bổ thời gian như thường ngày. Nên tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.

- Mang theo những loại thuốc dự phòng như: kem chống côn trùng, thuốc trị bệnh đường tiêu hóa, thuốc cảm sốt, thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc ho - dị ứng, thuốc dùng cho bệnh mạn tính, kem chống nắng và một vài vật dụng khác như bông ngoáy tai, thuốc nhỏ mắt...

Kim Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những cặp đôi Cbiz từng hẹn hò nhưng ít người biết: Lưu Thi Thi có đoạn tình cảm với tài tử này!