Cúm đang vào mùa, bác sĩ BV Nhi Trung ương chỉ rõ nhưng sai lầm cha mẹ cần tránh để con không gặp nguy hiểm
Tin liên quan
Theo ghi nhận của phóng viên Emđẹp tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, có rất đông bệnh nhi tới khám do sốt cao, ho sổ mũi. Chị N.T.M (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, con chị bị sốt cao liên tục 2 ngày, uống thuốc hạ sốt cũng không hạ. Tới ngày thứ 3, con bị sốt cao, co giật, ho, chảy nước mũi nhiều, gia đình chị M. vội vàng đưa con đi khám ở BV Nhi. Tại đây, con chị M. được bác sĩ chẩn đoán mắc cúm.
Ths.Bs Đỗ Thiện Hải – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 10-15 trường hợp bệnh nhi mắc cúm mùa tới khám và điều trị. Số bệnh nhi đang điều trị nội trú tại khoa khoảng từ 30-40 ca. Số lượng bệnh nhi nhập viện do mắc cúm có tăng so với năm ngoái. Trẻ chủ yếu mắc bệnh cúm A và cúm B (hay còn gọi là cúm mùa) và phải nhập viện do có sốt cao co giật, có một số bệnh nhiễm trùng khác như viêm phổi.
Số bệnh nhi tới khám và điều trị cúm tại BV Nhi Trung ương tăng.
Trước thông tin số ca bệnh cúm mùa nhập viện nhi ngày một tăng, một số ý kiến cho rằng có sự bất thường. Tuy nhiên, bác sĩ Hải khẳng định việc gia tăng các các bệnh cúm vào thời điểm Đông Xuân không phải là sự bất thường hoàn toàn phù hợp với dịch tễ học. Thời tiết Đông Xuân có độ ẩm cao, ít ánh sáng tạo điều thuận lợi cho các loại vi rút, đặc biệt là vi rút cúm phát triển, tốc độ lây lan của vi rút cúm rất nhanh. Do vậy, số bệnh nhi mắc bệnh cúm tăng hơn so với các mùa khác.
Khi trẻ mắc cúm, hệ miễn dịch sẽ giảm xuống, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc đúng cách dễ bội nhiễm dẫn tới các biến chứng viêm do vi khuẩn khác, sốt cao co giật, viêm phổi…. Biến chứng nặng nhất của cúm mùa là viêm phế quản, viêm phổi (số lượng nhỏ).
Ở trẻ nhỏ, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với vi rút cúm (thời gian ủ bệnh), thường có những triệu chứng, có sốt, cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi…
“Khi trẻ bị mắc cúm thường có triệu chứng sốt cao, chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, họng đỏ… Đặc điểm khi trẻ bị sốt cao do cúm thường không đáp ứng thuốc cho nên nhiệt độ cơ thể luôn cao. Tiến trình phát triển của bệnh sẽ kéo dài 5 ngày, trẻ sẽ sốt cao nhất vào ngày thứ 3", bác sĩ Hải nói.
Bệnh cúm có thể tự khỏi nếu chăm sóc tốt
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, do vi rút cúm gây nên, bệnh có thể chăm sóc tại nhà. Cha mẹ lưu ý khi chăm sóc tại nhà cần phải giảm sốt cho trẻ đúng cách, chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng thuốc paracetamol) và chăm sóc tốt, vệ sinh mũi (3-4 lần/ngày).
Ngoài ra, cha mẹ chú ý vệ sinh họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác. Trong trường hợp trẻ nằm viện, người nhà nên hạn chế các tiếp xúc không cần thiết như quá nhiều người thăm nom có thể mang mầm bệnh khác đến cho trẻ và mang vi rút cúm ra cộng đồng.
Trẻ nhập viện điều trị cúm chủ yếu do sốt cao kèm co giật và có kèm bệnh khác.
Bác sĩ Hải khuyến cáo: “Trẻ bị cúm không dùng thuốc kháng sinh để điều trị, vì không có tác dụng. Bệnh cúm sẽ nguy hiểm đối với các trường hợp bệnh nhi có cơ địa đặc biệt như hen phế quản, phế quản co thắt gây ra khó thở rất nhanh, viêm phổi do mắc cúm, bệnh lý suy giảm miễn dịch, hội chứng thận, suy thận, ung thư, suy dinh dưỡng nặng. Khi trẻ sốt cao, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để xác định rõ nguyên nhân và hướng điều trị đúng”.
Cha mẹ cần ngăn ngừa cúm cho trẻ bằng cách tiêm vắc xin phòng cúm đầy đủ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người nghi ngờ mắc cúm, duy trì dinh dưỡng tốt. Đối với bố mẹ cần hạn chế vào viện thăm người ốm. Nếu đi thăm người mắc bệnh trong viện cần phải nhỏ nước mũi, súc miệng, rửa tay sạch trước khi tiếp xúc với trẻ.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất