Bác sĩ lý giải nguyên nhân sốt cao khi bị cúm do vi rút khó hạ, cha mẹ chớ vội vàng đi mua thuốc kẻo gặp nguy

2018-01-20 06:45
- Khi trẻ sốt, ngay từ những ngày đầu tiên nên đi khám sơ bộ xem trẻ mắc bệnh gì. Nếu trẻ được đưa đi khám sớm sẽ được nhân viên y tế phát hiện dấu hiệu nặng và chỉ định nhập viện nếu cần thiết.

Không lạm dụng thuốc hạ sốt

Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, một trong những triệu chứng của cúm khiến cho các bà mẹ thường rất lo lắng là sốt cao và khó hạ. Nguyên nhân của tình trạng này là do sốt do vi rút cúm thường không đáp ứng thuốc hạ sốt. Trẻ sốt cao không hạ được nhiệt độ sẽ gây ra co giật. Trẻ sẽ sốt cao nhất vào cuối ngày thứ 2 và ngày thứ 3, sau đó giảm dần.

Khi trẻ sốt, ngay từ những ngày đầu tiên nên đi khám sơ bộ xem trẻ mắc bệnh gì. Nếu trẻ được đưa đi khám sớm sẽ được nhân viên y tế phát hiện dấu hiệu nặng và chỉ định nhập viện nếu cần thiết.

Vì sao sốt cao do cúm lại khó hạ?

“Hiện nay, khi chăm sóc trẻ, cha mẹ còn lệ thuộc và trông chờ rất nhiều vào thuốc hạ sốt. Cha mẹ thường không để ý tới các biện pháp hạ sốt khác như: chườm nước ấm, bỏ mặc bỉm, cởi bỏ bớt áo ấm. Nếu như bố mẹ không biết cách dùng các biện pháp trên, trẻ sẽ phải dùng thuốc rất nhiều gây ảnh hưởng sức khỏe. Một trong những tác dụng phụ của thuốc hạ sốt có thể gây viêm gan”, bác sĩ Hải nói.

Nếu sau 3 ngày, trẻ vẫn sốt cao cần phải đưa trẻ đi khám để biết có gặp phải biến chứng gì hay không? Nếu sau 3 ngày, trẻ hết sốt thì không cần thiết phải đi khám.

Trẻ bị sốt cao do cúm sẽ bị mất nước nhiều, vì vậy cần phải bổ sung nước cho cơ thể. Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi cần tăng cường cho bú sữa mẹ. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể cho bé uống nước lọc, nước trái cây và dùng dung dịch bù điện giải khi trẻ sốt cao liên tục.

Đề phòng biến chứng

Theo bác sĩ Hải, khi trẻ bị cúm, ngoài sốt sẽ kèm theo các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên ho, hắt hơi, chảy nước mũi. Một số trẻ có cơ địa dị ứng, viêm phế quản co thắt sẽ gây khò khè, khó thở. Cha mẹ chú ý vệ sinh đường hô hấp bằng cách nhỏ nước muối 0,9%, mỗi ngày từ 3-4 lần để tránh nhiễm khuẩn.

Bác sĩ Hải cho hay: “Đường hô hấp luôn có các vi khuẩn sinh sống. Trong trường hợp nhiễm vi rút cúm sẽ gây viêm niêm mạc đường hô hấp (mũi, họng, phế quản). Khi niêm mạc bị viêm, các vi khuẩn sinh sống tại cơ quan đó sẽ gây bệnh. Vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) là loại vi khuẩn nguy hiểm, có thể dẫn đến các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết”.

Hàng ngày, phụ huynh có thể phòng bệnh cúm bằng cách nhỏ mũi, súc miệng nước muối. Bác sĩ Hải khuyến cáo, hàng năm nên đi tiêm phòng cúm cho trẻ. Vắc xin cúm có thể phòng bệnh tương đối lâu cho trẻ. Trẻ chưa đủ tuổi tiêm phòng cúm cần hạn chế cho đến những nơi đông người. Ngoài ra, cha mẹ chú ý giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh tay trước khi bế trẻ hoặc cho trẻ ăn.

 

 Bộ Y tế khuyến cáo chủ động phòng cúm mùa như sau:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

- Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bất ngờ kênh truyền hình của Việt Nam đột nhiên nổi tiếng ở Thái Lan, lý do đằng sau là gì?