Ảo tưởng bản thân phát minh ra điều kỳ diệu... nam sinh viên nhập viện tâm thần

Thủy Nguyên 2017-05-22 10:20
- Áp lực học hành từ phía nhà trường, gia đình cũng như kì vọng của người thân, ảo tưởng mình sẽ người tài giỏi cùng những phát minh “đáng gờm”... đã khiến không ít sinh viên nhập viện điều trị rối loạn tâm thần.

Áp lực học hành và những đêm mất ngủ kéo dài

Có mặt tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia vào những ngày giữa tháng 5, chúng tôi được TS. Nguyễn Văn Dũng – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần chia sẻ câu chuyện về những học sinh, sinh viên phải nhập viện chỉ vì học hành quá sức.

Đây không phải câu chuyện mới nhưng năm nào cũng xảy ra; đặc biệt là trước và sau mỗi kỳ thi học kỳ, thi tốt nghiệp, thi Đại học, Cao đẳng.

Nguyễn Thị M. (Can Lộc, Hà Tĩnh), sinh viên năm thứ 2 một trường đại học ở Hà Nội. Mai vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, nhà đông anh chị em, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chỉ có Mai đỗ đại học nên bố mẹ kì vọng rất lớn vào cô con gái này.

Bố mẹ Mai cố gắng làm việc, tiết kiệm tiền để lo cho con bằng bạn bè. Sự kì vọng quá lớn từ phía người thân trong gia đình khiến Mai lao vào học tập như một con “thiêu thân”. Tiếp đó là những đêm mất ngủ triền miên liên tục xuất hiện  khiến cô sinh viên sa sút tinh thần.

Rối loạn tâm thần khiến không ít sinh viên nhập viện

Các bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần giúp người bệnh kiểm tra sức khỏe

Thế nhưng, theo TS. Nguyễn Văn Dũng, điều đáng nói là gia đình không đưa đi điều trị mà chỉ khi Mai rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần hoàn toàn (rối loạn tư duy nhiều hơn, các cảm xúc, hành vi cũng rối loạn theo), gia đình mới đưa em đi khám.

Hay như trường hợp của Trần Văn Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội) hiện cũng đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Dũng luôn tự cho là mình học giỏi, có nhiều khả năng vượt trội, phát minh ra nhiều ứng dụng. Chính những suy nghĩ đó khiến Dũng học ngày học đêm, nghiên cứu rồi phát minh. 

“Các gia đình hiện nay vẫn giữ suy nghĩ không tin con mình đang khỏe mạnh bình thường lại bị rối loạn tâm thần. Chính vì thế, việc bản thân họ bị đau đầu, mất ngủ triền miên sẽ tự điều trị hoặc tới những chuyên khoa khác không phải chuyên khoa tâm thần để được hỗ trợ về bệnh lý này. Khi các bác sĩ chuyên khoa đó không hiểu về chứng rối loạn tâm thần sẽ cho uống thuốc không phù hợp càng khiến bệnh nặng hơn.

Ví dụ, bệnh nhân đau đầu, bác sĩ cho uống thuốc tuần hoàn não làm thức tỉnh não bộ trong khi họ cần được nghỉ ngơi”, TS. Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Cần làm gì khi bị rối loạn tâm thần?

Nói về biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân khi rơi vào tình trạng trên, TS. Nguyễn Văn Dũng cho hay, dấu hiệu là cơ thể mệt mỏi, những thói quen, sở thích hàng ngày không còn được người bệnh hào hứng; họ ngại giao tiếp, thờ ơ với thời cuộc, tâm sinh lý thất thường “sáng nắng chiều mưa” kèm theo đó là sự sa sút về kết quả học tập.

Nguyên nhân của những triệu chứng lâm sàng này là do những thay đổi sinh hóa não. Một người bình thường cần ngủ 8 tiếng/ngày để đảm bảo sức khỏe cũng như sự hoạt động bình thường của não. Khi các em học sinh, sinh viên rơi vào trạng thái mất ngủ triền miên sẽ dẫn tới sự mất tỉnh táo, “mệt não”.

“Sự rối loạn chuyển hóa, thay đổi một số axit amin, xáo trộn quá trình chuyển hóa não là nguyên nhân gây ra “mệt não”. Biểu hiện của hiện tượng này là sự mệt mỏi của cơ thể, rối loạn sự chú ý, rối loạn cảm xúc và nặng hơn là rối loạn tư duy. Bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc sẽ dẫn đến trầm cảm, lo âu, hứng cảm thái quá như trường hợp của Mai. Bệnh nhân bị rối loạn nhận thức sẽ dẫn đến những ảo giác, ảo thanh, hoang tưởng như trường hợp của Dũng…

Tùy thuộc vào biểu hiện bệnh lý, mức độ nặng, nhẹ của bệnh nhân mà chúng tôi có kế hoạch, phác đồ điều trị cho phù hợp, chỉ dùng thuốc khi bệnh nhân bị gián đoạn cuộc sống vì những rối loạn tâm thần”, TS. Dũng cho biết.

TS. Nguyễn Văn Dũng đưa ra lời khuyên: "Khi phát hiện con em mình có những biểu hiện bất thường như cảm xúc thay đổi, mất ngủ triền miên... các ông bố, bà mẹ nên nghĩ ngay tới việc đưa con em đến khám và xin tư vấn của các bác sỹ chuyên khoa về sức khỏe tâm thần nhằm có sự can thiệp và hướng điều trị phù hợp, không tạo áp lực học tập mà phải để các em có thời gian giao lưu, vui chơi cùng bạn bè. Không nên để tình trạng các em bị rối loạn hoàn toàn mới đưa đi chữa trị.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và đưa ra một thời gian biểu phù hợp cho học tập và sinh hoạt của các em cũng rất cần thiết.

Thêm nữa, việc tăng cường chế độ dinh dưỡng, đảm bảo đủ ca-lo cũng là việc rất quan trọng giúp cân bằng tinh thần, không nên quá lạm dụng các chất kích thích như chè, cà phê để thức. Trường hợp cần thời gian dài để ôn thi, có thể uống nhưng nên uống buổi sáng, hoặc buổi chiều, không nên uống buổi tối. Các loại thuốc bổ, vitamin không nên uống vào buổi tối. Đặc biệt thuốc tuần hoàn não không nên uống buổi tối.

Tên nhân vật bị rối loạn tâm thần và địa chỉ đã được thay đổi!

Thủy Nguyên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Không ngờ con trai Ly Kute đã lớn thế này: Ngoại hình bảnh bao, lại còn 'ga lăng' làm một việc giúp mẹ