Ăn tiết canh đầu năm lấy may đâu chưa thấy, người đàn ông nhập viện trong tình trạng đáng sợ
Tin liên quan
“Hóa điên” do ăn tiết canh
Do giữ phong tục truyền thống của gia đình vào những ngày đầu năm mới, người đàn ông 38 tuổi Má A Kho (Si Ma Cai, Lào Cai) thường ăn tiết canh để lấy may mắn. Theo quan niệm ở địa phương, ăn tiết canh lợn vào đầu năm sẽ được may mắn trong suốt năm đó. Anh Kho không ngờ việc ăn tiết canh lợn lại khiến cho bản thân phải nhập viện điều trị vì sán đóng thành kén trong não.
Ăn tiết canh lợn lấy may đầu năm là quan niệm sai lầm.
Trước khi nhập viện, anh A Kho thường lên cơ co giật hàng ngày. Bệnh nhân được đưa đi điều trị tâm thần. Sau khi chụp não, bác sĩ phát hiện có ổ sán nên bệnh nhân đã được chuyển tới Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương điều trị.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thọ, Trưởng khoa Khám và điều trị chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), bệnh nhân Má A Kho nhập viện do nghi ngờ có sán ký sinh trong não. Bệnh nhân có giãn não thất, tiền sử đau đầu, động kinh, co giật. Ngoài ra, ấu trùng đóng kén trên não của bệnh nhân.
Sau 3 tuần điều trị, bệnh nhân không còn cơn co giật, thể trạng, trí nhớ tốt. Nguyên nhân mắc sán não của bệnh nhân A Kho là do thường ăn tiết canh sống.
“Không chỉ có tiết canh lợn mà mọi người không nên ăn tiết canh. Tiết canh là môi trường thuận lợi để cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Ăn tiết canh còn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nguy hại cho cơ thể”, bác sĩ Thọ nói.
Ăn tiết canh lợn còn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn cấp tính nguy hiểm. Người nhiễm khuẩn liên cầu có biểu hiện sốt nóng và sốt lạnh, đi ngoài nhiều (dễ nhầm với rối loạn tiêu hóa). Nhiễm liên cầu lợn nặng có thể trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.
Không ăn thịt khi chưa nấu chín
Theo bác sĩ Thọ cảnh báo độc giả Emđẹp, thói quen hay ăn thịt sống, nem chạo, nem chua có thể dẫn đến nhiễm sán ở não. Bác sĩ Thọ đã từng gặp bệnh nhân co giật hàng chục cơn mỗi đêm do bị sán não. Lúc nhập viện, bệnh nhân phồng rộp miệng, rụng hết răng do co giật quá nhiều. Bệnh nhân đã đi chữa trị bệnh tâm thần ở nhiều nơi, sau nhiều năm không khỏi mới tìm được nguyên nhân là do sán não.
Bác sĩ Thọ cho biết thêm, hiện nay, người dân chưa ý thức được mức độ nguy hiểm do bệnh ký sinh trùng gây ra. Ngay cả bác sĩ tiếp nhận khám ban đầu cũng không nghĩ tới bệnh do giun sán gây ra. Khi bệnh nhân đi chạy chữa nhiều nơi không khỏi mới nghĩ tới bệnh do ký sinh trùng.
Điều trị sán ở não còn rất nhiều khó khăn và lâu dài vì nó phụ thuộc vào mức độ nhiễm, khối cảm thụ, khả năng đáp ứng thuốc. Trong trường hợp kén sán làm tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy, gây não úng thủy, bác sĩ phải chỉ định phẫu thuật.
Sán làm tổ trong não là bệnh rất nguy hiểm, nhưng phòng tránh được bằng cách thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh lợn, lòng lợn, gỏi, thịt lợn tái, không ăn thịt lợn gạo, không ăn sống các loại rau trồng dưới nước như rau ngổ, rau muống, rau cần…
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất