Ăn phải bánh trung thu quá hạn sử dụng nguy hiểm cỡ nào?

2016-09-11 07:02
- Một số người kinh doanh đã tiêu thụ bánh trung thu tái chế từ nguyên liệu đã quá hạn sử dụng, gây ra những hậu quả khôn lường.

Chỉ còn ít ngày nữa là chính thức Rằm Trung thu, vậy nên thị trường bánh trung thu lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Nhiều công ty bánh mứt kẹo lớn nhỏ, các khách sạn nổi tiếng và cả những cửa hàng bánh trung thu truyền thống ồ ạt tung ra thị trường rất nhiều sản phẩm bánh trung thu độc đáo, hấp dẫn.

Không những thế, năm nay còn rộ lên một thương hiệu bánh trung thu mới được rất nhiều người thưởng thức lựa chọn đó là bánh trung thu handmade (cá nhân tự làm) với vô số loại nguyên liệu mới lạ, màu sắc bắt mắt và hương vị thì vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.

Như thế để thấy rằng thị trường cung ứng bánh trung thu rất đa dạng và dồi dào, nhưng người tiêu dùng nên tìm hiểu cẩn thận để có những lựa chọn thông minh bởi hiện có rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc hết hạn sử dụng được bày bán tràn lan.

Bằng chứng là chỉ trong mấy ngày gần đây, hàng tạ nguyên liệu bánh trung thu nhập lậu từ Trung Quốc cũng như bánh trung thu hết “đát” liên tục bị phát hiện và bắt giữ.

Ăn phải bánh trung thu quá hạn sử dụng nguy hiểm cỡ nào?

Bánh trung thu làm từ nguyên liệu quá hạn sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. (Ảnh minh họa).

Gần đây nhất, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho biết đã hoàn tất việc tiêu hủy 250 kg bánh trung thu quá hạn và 2 kg nhân bánh mốc của Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Thành Đạt (có địa chỉ tại xóm Cộng, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa) do ông Bùi Văn Đăng làm chủ. Tại cơ sở này, lực lượng liên ngành phát hiện 4.165 chiếc bánh dẻo (trọng lượng 250 kg) và 2 kg nhân bánh bị mốc, quá hạn sử dụng.

Chủ cơ sở sản xuất khai nhận, số bánh trên được thu hồi về để tái chế, sản xuất bán trong mùa Trung thu năm nay.

Có một thực tế hiện nay, các loại bánh kẹo không nhãn mác, không ghi rõ nguyên liệu, thành phần cũng như hạn sử dụng đang xuất hiện tràn lan tại các chợ bán buôn, cửa hàng bán lẻ các chợ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa... Và những người kinh doanh không có tâm đã lợi dụng chính điều này để tiêu thụ bánh trung thu ế, bánh trung thu được tái chế lại từ những nguyên liệu quá hạn sử dụng, hàng kém chất lượng,... làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là đối tượng tiêu thụ các sản phẩm này chủ yếu là các em nhỏ.

Bánh trung thu làm từ nguyên liệu quá hạn sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó, nguy hiểm nhất là trường hợp người tiêu dùng ăn phải bánh làm từ nguyên liệu đã bị nấm mốc xâm nhập.

Nấm mốc một khi xuất hiện và bám vào thực phẩm thì dù có qua đun sôi nấu chín cũng sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể.

Nấm mốc, có trên 50 loại có hại, vì chúng có khả năng sinh ra độc tố mycotoxin. Đặc biệt, là loại nấm mốc Aspergillus parasiticus, A. ochraceus sinh ra độc tố ochratoxin có thể gây bệnh ung thư; Penicillium citricum sinh ra độc tố citrinin và nguy hiểm nhất là Aspergillus flavus tiết ra độc tố aflatoxin B1 và M1. Theo nhiều nghiên cứu, aflatoxin là chất gây ung thư ở người, đặc biệt là ung thư gan. Gia cầm ăn phải lương thực nhiễm nấm mốc sẽ chậm lớn, giảm khả năng sinh sản.

Các loại nấm mốc này thường có trong các loại hạt có dầu như: lạc, ngô, ngũ cốc, bột mì, bánh kẹo, cá khô để lâu. Khi lương thực, thực phẩm bị mốc sẽ có màu xanh lục hay màu vàng nâu. Nấm mốc làm hao hụt thành phần dinh dưỡng và tạo cho sản phẩm có mùi vị khó chịu. Aflatoxin là một độc tố, bền vững với nhiệt độ cao. Vì vậy, khi đem rang lạc, ngô bị mốc ở nhiệt độ rất cao nhưng độc tố vẫn không bị phá hủy hoàn toàn.

Để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng nếu mua phải bánh trung thu đã quá hạn sử dụng thì không nên sử dụng. Để tránh mua phải hàng được "tái chế" từ nguyên liệu hỏng, nên mua hàng có nguồn gốc rõ ràng.

Ngọc Linh

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Làm gì khi con gái im lặng?