Vụ cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông: Xác định hàng loạt sai phạm
Tin liên quan
Theo thông tin từ Công an Hà Nội, quán karaoke 68 Trần Thái Tông - nơi khởi phát vụ cháy - có chủ quán là bà Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội). Quán có chứng nhận ĐKKD số 01G8018427 do UBND quận Cầu Giấy cấp ngày 20/6/2016, giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy (PCCC) do sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy cấp ngày 13/10/2016.
Tuy nhiên, quán chưa có biên bản nghiệm thu về PCCC, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy phép kinh doanh karaoke nhưng đã hoạt động và đang kinh doanh thì xảy ra cháy.
Các công đoạn thi công như thế nào?
Công an Hà Nội cho hay, với hệ thống PCCC, bà Nguyễn Diệu Linh thuê công ty Thiên An Phú (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thiết kế thi công. Riêng phần vách kính chống cháy, cửa chống cháy của các phòng hát không nằm trong nội dung thỏa thuận hợp đồng.
Công ty Thiên An Phú bắt đầu thi công từ tháng 7/2016, trước khi được cảnh sát PCCC thẩm duyệt hồ sơ (13/10/2016). Với phần cửa thoát hiểm tầng 2, bà Linh chỉ đạo không cần làm vì gần tầng 1. Ngoài ra, nữ chủ quán chỉ đạo thay đổi thiết kế lắp đặt ống chữa cháy từ D50; D32 xuống D25.
Với cửa chống cháy 45' tại các phòng hát - hạng mục PCCC bắt buộc phải làm (để phòng ngừa ngọn lửa, khói từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài) nhưng bà Linh chỉ đạo không thực hiện. Chủ quán Linh thuê anh Nguyễn Văn Cường thi công các cửa phòng với yêu cầu chỉ cần cách âm, không cần chống cháy, thay cửa chống cháy đã được cảnh sát PCCC phê duyệt. Anh Cường mới thi công được 4 cửa phòng gồm 302, 402, 502, 602.
Sau đó, bà Nguyễn Diệu Linh nhờ Nguyễn Hữu Long (1980, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thuê Phạm Văn Thiên (SN 1985, Nam Hồng, Tiền Hải, Thái Bình) thi công phần cách âm tại các phòng hát tầng 2,7,8 với giá 3 triệu đồng/m2.
Thiên thuê nhóm thợ của Trương Văn Tuyên (sinh năm 1983), Phạm Văn Tiến (sinh năm 1982), Chu Văn Hoàng (sinh năm 1981) để thi công với giá 500.000 đồng/m2. Toàn bộ nguyên vật liệu do Thiên mua, nhóm của Tuyên trực tiếp thi công các phần việc: phun keo - dán cao su non, ốp bông khoáng, ốp bọc trứng hút âm, ốp gỗ.
Từ ngày 20/10 đến 31/10/2016, nhóm của Tuyên thi công xong phần vách tường cách âm của tầng 2, phần trần của tầng này đã phun keo, dán cao su non, ốp bông khoáng, ốp bọc trứng hút âm.
Sáng 1/11/2016, Tuyên tự ra các quán nước xung quanh để tìm thợ hàn và được mọi người giới thiệu cửa hàng hàn của bà Lê Thị Thì (tên gọi khác là Lê Thị Thanh, sinh năm 1962 ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy).
Tuyên liên hệ và dẫn bà Thanh đến quán để khảo sát và thỏa thuận công việc bao gồm hàn các thanh sắt ở trần, bắt vít sắt xung quanh tường để ốp gỗ với giá 500.000 đồng.
Trưa ngày 1/11/2016, bà Linh nhận được điện thoại của người quen (trong nhóm khách ở phòng 502) đặt phòng hát.
Khi nhận được cuộc gọi này, Linh cho số điện thoại của Tươi - em họ phụ trách quán. Ngoài ra, Linh cũng gọi cho Tươi nói về việc khách gọi đặt chỗ hát.
Sau đó, Tươi gọi cho Kỳ - người quản lý quán để đón khách vào hát. Trước đó, trong thời gian từ 26/10/2016, Linh đã chỉ đạo Tươi và Kỳ cho nhiều đoàn khách vào hát mục đích để test thử phòng.
Khoảng 13h30 phút ngày 1/11/2016, bà Thì (tên khác là Thanh) dẫn theo Phạm Quốc Viện (sinh năm 1991) và Hoàng Văn Tuấn (sinh năm 1993) mang theo máy hàn điện, máy cắt để thực hiện công việc.
Trong khi, nhóm Thiên, Tuyên, Hoàng, Tiến đang làm trên tầng 7 thì bà Thì gọi điện thoại cho Tuyên, cùng Thiên xuống tầng 2 gặp bà Thì. Tại đây, Thiên có nhờ cắt bản lề để tháo cửa, bà Thì đồng ý và nhờ Tuấn làm.
Lúc này Tuấn lấy máy hàn cắm điện còn Viện ra ngoài để chuyển sắt vào. Tuấn dùng máy hàn thổi lửa trực tiếp vào bản lề cửa để cắt bản lề ra dẫn đến lửa bén vào vách phòng và gây cháy.
Quá trình điều tra xác định sơ bộ nguyên nhân cháy do quá trình hàn cắt kim loại bằng hồ quang điện ở khu vực cửa ra vào phía ngoài (tính từ Đông sang Tây) làm bắn các vảy hàn có nhiệt độ cao vào phần cách âm gắn trên tường gây cháy, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy nói trên.
Nhiều vi phạm được phát hiện
Biên bản kiểm định phương tiện PCCC số 884B ngày 9/11/2016 của Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy - Bộ Công An xác định, loại kính tráng gương dùng làm cửa phòng hát không đáp ứng được yêu cầu về vật liệu làm cửa ngăn cháy so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà, công trình, QCVN 06: 2010 BXD.
Đối với Nguyễn Diệu Linh - chủ quán, mặc dù quán chưa được nghiệm thu về PCCC, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy phép kinh doanh karaoke nhưng đã hoạt động và kinh doanh, đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy nổ khi chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC vi vi phạm thông tư 47/2015 của bộ công an và Nghị định 79/2014 của Chính phủ.
Như vậy hành vi của Linh đưa quán karaoke vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã vi phạm khoản 6 điều 13 luật PCCC/2013; Linh có hành vi đổi thiết kế, không kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công... vi phạm điều 17 Nghị định số 46 ngày 22/5/2012 của Chính phủ (quy định của đầu tư có trách nhiệm tổ chức thi công kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về phòng cháy chữa cháy) đã được phê duyệt.
Bị can Lê Thị Thì là chủ của đơn vị trực tiếp thi công, Hoàng Văn Tuấn là thợ hàn xì làm thuê cho bà Thì nhưng Tuấn chưa được được huấn luyện về an toàn lao động, chưa cấp thẻ an toàn. Trong quá trình cắt bản lề để lắp cửa, Tuấn dùng máy hàn thổi lửa trực tiếp vào bản lề cửa mục đích dùng nhiệt cắt bản lề ra dẫn đến lửa bén vào vách phòng và gây cháy.
Trang Lê
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất