Trẻ ho nhiều vào ban đêm: Bố mẹ làm tốt 5 việc để giúp bé đỡ khó chịu và mau hồi phục
Tin liên quan
Nguyên nhân trẻ bị ho nhiều vào ban đêm có thể do bố mẹ chăm sóc chưa đúng cách
Trẻ ho nhiều vào ban đêm không những khiến bố mẹ lo lắng, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ lẫn sức khỏe của trẻ. Mặc dù có thể nguyên nhân do trẻ bị bệnh, nhưng đôi khi cũng có thể do cách chăm sóc của người lớn chưa hợp lý.
Phòng ngủ không thỏa đáng như ẩm thấp, không thoáng khí, quá ngột ngạt, ồn ào, ô nhiễm v.v… đều có thể khiến trẻ khó ngủ và xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu như ho, sổ mũi, khóc quấy, dễ giật mình. Tình trạng này lâu ngày còn dẫn đến vấn đề về hô hấp, đặc biệt là viêm phổi, viêm khí quản.
Trẻ ho nhiều về đêm cũng có thể do mắc các chứng viêm ở hầu họng, hoặc do cổ họng bị khô, ngứa mà gây kích thích niêm mạc đường hô hấp. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng máy lạnh không đúng cách cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trước khi trẻ ngủ, bạn có thể mở máy lạnh một lúc để tạo không khí mát mẻ nhưng không nên để suốt đêm.
Bố mẹ làm tốt 5 việc này để giảm bớt những khó chịu khi trẻ ho nhiều vào ban đêm
Hỗ trợ trẻ ho
Nếu trẻ đang còn thức và có biểu hiện ho nhiều, bố mẹ nên lập tức bế trẻ lên, vỗ nhè nhẹ vào lưng để giúp trẻ thuận khí, lưu thông hô hấp, giảm bớt những cơn ho. Nếu trong lúc ngủ mà trẻ bị ho, bạn có thể hơi nhấc nhẹ nửa thân trên của trẻ, dùng gối mỏng hoặc chiếc chăn gấp kê phía dưới lưng và luân phiên cho trẻ nằm nghiêng trái, nghiêng phải.
Tư thế ngủ này có lợi cho việc đẩy các dịch tiết ở đường hô hấp ra ngoài, không làm trở ngại hơi thở của trẻ. Ngoài ra, nếu trẻ vừa bú xong mà bị ho thì không nên cho trẻ nằm ngủ liền sau đó để tránh sữa chảy ngược vào khí quản, phổi gây nguy hiểm.
Hơi nhấc cao phần đầu của trẻ khi ngủ
Nếu trẻ có thói quen nằm ngửa khi ngủ thì dịch tiết ra ở khoang mũi rất dễ chảy ngược vào cổ họng, khiến trẻ ho dữ dội hơn, thậm chí bị ngạt. Vì vậy, trong tình trạng trẻ ho nhiều vào ban đêm, bố mẹ nên kê thêm chiếc gối sao cho đầu của bé cao hơn thân người một chút để giảm bớt cơn ho.
Ngoài ra, sau khi trẻ đã đi vào giấc ngủ, người lớn nên chịu khó thăm nom, quan sát và thường xuyên giúp trẻ thay đổi tư thế nằm. Thông thường, nằm nghiêng sẽ có lợi cho việc đào thải dịch tiết ở đường hô hấp hơn.
Cho trẻ uống nhiều nước ấm
Bạn quan sát nếu trẻ chỉ bị ho mà không có triệu chứng bất thường nào khác thì có thể đợi sau khi trẻ ngủ dậy, cho trẻ uống một chút nước ấm giúp làm dịu cổ họng, giảm các dị vật ở đường hô hấp có thể gây trở ngại cho việc hít thở của trẻ.
Ngoài ra, nếu trẻ ho có kèm theo đàm thì việc uống nước ấm cũng hỗ trợ làm loãng bớt dịch đàm, giảm bớt kích thích ở niêm mạc. Một số thức uống khác chế biến ở nhiệt độ ấm vừa phải cũng có thể bổ sung cho trẻ như sữa, cháo, nước ép táo, nước ép lê.
Tạo chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng cho trẻ
Khi trẻ bị bệnh dù là ho đơn thuần thì thể chất cũng trở nên yếu ớt hơn, mẹ nên có chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng đa dạng cho trẻ. Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn ngoài hàng quán, các món ăn vặt nhiều dầu mỡ, tăng cường rau củ quả để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Chườm nóng lưng cho trẻ
Bạn dùng túi nước nóng khoảng 40℃ rồi dùng thêm khăn lông bọc lại, sau đó đặt ở lưng của trẻ, nơi vị trí gần phổi. Mẹo này có thể đẩy bớt hàn khí tích tụ trong phổi khiến trẻ bị cảm mạo và ho nhiều.
Trẻ ho nhiều vào ban đêm có thể cải thiện từ những biện pháp nêu trên. Tuy nhiên nếu tình trạng không giảm thì bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất