Sợ cảnh 'chặt chém', 'hành xác', người Hà Nội lên kế hoạch nghỉ lễ 30/4 tại gia

2017-04-29 06:43
- 30/4-1/5 là dịp nghỉ lễ dài ngày nhưng thay vì lựa chọn những chuyến đi du lịch xa, nhiều gia đình Hà Nội dù có điều kiện nhưng vẫn lên phương án ở nhà nghỉ dưỡng, tụ tập bạn bè để không bị rơi vào cảnh chặt chém ở điểm du lịch hay chen chân “bẹp ruột” ở bến tàu bến xe.

Kế hoạch ở nhà nghỉ dưỡng 30/4-1/5

Chị Hoàng Thị Thúy (Mai Dịch, Hà Nội) chia sẻ, mọi năm cứ dịp nghỉ lễ là vợ chồng chị lại lên kế hoạch đi nghỉ mát dài ngày cho các con được xả hơi sau thời gian học tập vất vả. Vì thế năm nay khi dịp nghỉ lễ đến gần, chị đã gợi ý cả nhà nên chọn tour nghỉ dưỡng nào để tận hưởng những ngày nghỉ một cách thú vị, vui vẻ nhất.

Thế nhưng, trái với sự hào hứng của chị là thái độ thờ ơ của chồng và hai cô con gái. Chị Thúy thấy làm lạ nhưng cũng tôn trọng ý kiến mọi thành viên trong gia đình là chọn kỳ nghỉ mát tại gia. Tuy nhiên, chị Thúy vẫn phân vân không hiểu lý do vì sao 3 thành viên “ham chơi” nhất lại không mặn mà đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 này.

Băn khoăn và muốn tìm câu trả lời cho mình, chị Thúy đã gặng hỏi chồng và 2 cô con gái thì nhận được lý do khiến chị cũng bất ngờ.

Sợ cảnh 'chặt chém', 'hành xác', người Hà Nội thích thú 'kỳ nghỉ tại gia'

Sợ cảnh 'chặt chém', 'hành xác', người Hà Nội thích thú 'kỳ nghỉ tại gia' hoặc đi chơi ở ngoại thành. Ảnh minh họa.

“Chồng mình và tụi nhỏ than rằng, đi du lịch như đi hành xác. Năm nào cũng bị chặt chém ở khu du lịch lại còn phải chờ đợi tàu xe đông đúc, mệt mỏi. Chồng mình còn bảo, ngay cả đi máy bay cũng bị delay cả tiếng đồng hồ. Lần nào đi chơi về, hai con đều mệt mỏi, thậm chí còn ốm phải nghỉ học. Vì thế chồng con mình đang tính chọn điểm vui chơi khác ở ngoại thành, vừa tiết kiệm chi phí, vừa vui vẻ”.

Sau khi có câu trả lời từ chồng, ngẫm lại những kỳ nghỉ lễ trước đó, chị Thúy mới giật mình vì những lý do mà chồng đưa ra đúng là “chuẩn không cần chỉnh”.

Chị Thúy còn tiết lộ: “Mỗi kỳ nghỉ, nhà mình thường phải chi ra từ 20-25 triệu đồng. Có lần, đi nghỉ mát ở biển nhưng do lượng khách quá đông, vợ chồng mình còn bị móc túi mất 1 chiếc điện thoại di động và 5 triệu đồng”.

Sợ cảnh 'chặt chém', 'hành xác', người Hà Nội thích thú 'kỳ nghỉ tại gia'

Nhiều gia đình tranh thủ kế hoạch gặp mặt bạn bè tại nhà hoặc quán gần nhà. Ảnh minh họa.

Đi một lần, “sợ” đến già!

Không chỉ vợ chồng chị Thúy mà rất nhiều gia đình Hà Nội đã không còn thiết tha lựa chọn đi du lịch vào dịp lễ. Lý do mà họ đưa ra là “sợ” cảnh rơi vào bẫy của các công ty du lịch “rởm”, bị “chém đẹp” và tắc đường, kẹt xe cả nửa ngày.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Lê Đại Hành, Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ nghĩ đến cảnh bãi biển đục ngầu, rác thải vứt tràn lan trên bãi biển, nhà nghỉ quá tải vì đông khách nên chất lượng phục vụ rất tồi. Hay cảnh chen lấn xô đẩy ở bến tàu, bến xe tôi đã không còn hứng đi chơi.

Thay vì đi chơi dịp nghỉ lễ, vợ chồng tôi đã chọn đi du lịch vào cuối dịp nghỉ hè của các con. Đi như vậy vừa vui, vừa tiết kiệm chi phí (tôi đã săn được vé máy bay giá rẻ, khách sạn giảm giá 50%). Rút kinh nghiệm mọi năm, cứ đi nghỉ mát về là vợ tôi lại cằn nhằn tiếc tiền vì dịch vụ nào cũng đắt đỏ, đi du lịch về mất thêm cả tuần “dưỡng sức”".

Theo lời kể của anh Tuấn, năm ngoái vợ chồng anh đi du lịch miền Nam cùng mấy cặp vợ chồng khác. Buổi tối, cả đoàn ra mấy quán nhậu ven biển nhậu. Thấy chủ quán đon đả chào mời, quán ở vị trí cũng mát mẻ, cả đoàn ghé vào nhậu.

Thực đơn cũng khá phong phú, đa phần các món biển như nghêu, ốc, ghẹ, mực, tôm cá đều ghi giá món ăn, giá bia rõ ràng nên cả đoàn yên tâm nhậu.

Sợ cảnh 'chặt chém', 'hành xác', người Hà Nội thích thú 'kỳ nghỉ tại gia'

nghỉ lễ 30/4

Để tránh "hành xác", nhiều gia đình Hà Nội ở nhà nghỉ ngơi, cho con đi chơi gần. Ảnh minh họa.

“Khi nhậu xong ai nấy ngà ngà say nhưng nhìn hóa đơn tính tiền lập tức tỉnh rượu liền. Thấy hét giá bia, thức ăn trên trời, chúng tôi cự cãi thì chủ quán nói giá trên thực đơn là giá cũ, chúng tôi chưa kịp thay giá mới. Chưa đầy 5 phút sau, mấy cậu thanh niên mặt mày bặm trợn lừ lừ đến… dằn mặt. Hai bên cự cãi suýt xảy ra đánh nhau. Mấy bà vợ đi cùng sợ xảy ra ẩu đả nên đã móc ví trả tiền gấp”, anh Tuấn nhắc lại câu chuyện.

Anh Tuấn bảo rằng, đi nghỉ mát mà như đi “hành xác”. Rút kinh nghiệm mọi năm, vợ chồng anh đã thống nhất là kỳ nghỉ 30/4 này mặc dù kéo dài 4 ngày nhưng sẽ ở nhà nghỉ ngơi, cả nhà quây quần vừa đầm ấm vừa thoải mái.

“Báo chí cập nhật thông tin liên tục về tình trạng chặt chém tại các khu du lịch mà thực tế người dân đi cũng gặp phải tình cảnh này rất nhiều. Sau khi “dính” một lần, tôi đã tự nhủ không bao giờ chọn dịp nghỉ lễ đi chơi để bị “chặt chém”. Không đi chơi dịp này thì chọn dịp khác chứ không nên cố kiết đi theo phong trào, đi xong về lại tự trách sao không thế này, sao không thế kia, thêm mệt mỏi”, anh Tuấn thẳng thắn nêu quan điểm.

Theo kinh nghiệm “xương máu” của chị Mai Anh - hướng dẫn viên du lịch, du khách nên đi ăn theo đoàn và có hướng dẫn viên đi theo hoặc nên tham khảo ý kiến hướng dẫn viên để được tư vấn các điểm ăn uống, khu vui chơi làm ăn đàng hoàng, không bị “chặt chém”.

Những vật dụng cần thiết nếu có thể nên chuẩn bị trước mang theo, hạn chế mua dọc đường vì dễ bị lừa bán hàng giả hoặc giá… cắt cổ. Nếu cần mua, nên tìm các siêu thị, cửa hàng tiện ích mua sẽ hạn chế được nạn “chặt chém” vô tội vạ.

Ngoài ra, các gia đình cần chuẩn bị sẵn một số số điện thoại cần thiết, như số điện thoại đường dây nóng cảnh sát 113, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch địa phương, số điện thoại công an địa phương… để gọi điện khi cần.

Minh Vy

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Làm gì khi con gái im lặng?