"Quả bom” trầm cảm ở Hà Nội cao gấp 4 lần TP.HCM: Xót xa nhiều giọt nước mắt phụ nữ đã rơi khi chia sẻ
Tin liên quan
Sợ “yêu” chồng và cái kết đắng ngắt
Đến buổi tư vấn trầm cảm miễn phí ở Hà Nội mới đây của Tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân mới thấy ngày càng có nhiều những phụ nữ bị trầm cảm vì chính áp lực của chồng, nhà chồng.
Như trường hợp của chị Trâm, 27 tuổi ở Hà Nội là một ví dụ điển hình. Chồng chị Trâm là giảng viên Đại học. Trâm luôn tin tưởng chồng trí thức hết mực, không bao giờ nghĩ chồng có “phòng nhì” bởi anh luôn là người chê bai, phản đối khi thấy bạn bè của mình ngoại tình.
Hiện Trâm sinh con được 13 tháng. Cô mất ngủ liên tục vì bận con mọn. Nhà cửa không còn gọn gàng như trước do đứa nhóc quậy phá. Việc nhà, việc chăm con, việc công sở, mọi thứ rối tung mù lên. Sáng nào Trâm cũng đi làm trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức.
Ngoài ra, Trâm còn vướng vào một vấn đề khó nói đó là cơ thể không còn đẹp như thời con gái. Những nếp nhăn, chảy xệ cùng cái bụng ngấn mỡ khiến Trâm ngại làm tình với chồng, dù chồng luôn đòi hỏi.
Nhiều giọt nước mắt đã rơi trong buổi trị liệu tâm lý dành cho chị em trầm cảm. Ảnh: NVCC
“Có khi đang thay quần áo nghe tiếng xe chồng về là hoảng sợ. Liệu có cách nào sau sinh vợ chồng không làm tình không?”, Trâm lo lắng nói. Cứ thế, mối quan hệ của hai vợ chồng cô tuột dốc theo những lần Trâm từ chối “yêu” chồng.
Tình cờ phát hiện chồng ngoại tình với một đồng nghiệp, thường xuyên đi bia ôm, Trâm sốc nặng, lâm vào trầm cảm thực sự. Cô không thể hiểu nổi tại sao một người chồng luôn tự nhận mình là “trí thức”, “tầng lớp cao của xã hội” lại có thể sa ngã như vậy.
Trầm cảm ở Hà Nội cao gấp 4 lần so với TP.HCM
Đó là một trong số 200 ca trầm cảm ở nữ giới mà Tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân trong một cuộc tư vấn bệnh trầm cảm tại Hà Nội mới đây. Tiến sĩ Huyền Trân nhận thấy bệnh nhân trầm cảm tại Hà Nội cao gấp 4 lần tại TP.HCM và có nguy cơ tăng cao vào mùa đông, thời điểm công việc bận rộn và con cái hay ốm nhất trong năm.
“Có người bế tắc, trầm cảm, có người muốn giải thoát bằng cách tự vẫn. Đa số nguyên nhân đẩy phụ nữ Hà Nội lâm vào tình trạng trầm cảm là sự bất an về tài chính, bế tắc trong sự nghiệp, mâu thuẫn với chồng, mẹ chồng.
Có bạn nữ trẻ cứ mải ám ảnh vì tuổi thơ bị bạo hành và lạm dụng tình dục bởi chính người thân trong gia đình. Một bạn trẻ khác đang du học vẫn thôi không bình an trở lại vì tự dằn vặt mình một lần đã phá thai ngoài ý muốn. Nỗi đau đó sẽ tái hiện mỗi khi đọc báo có bài đề cập đến những sinh linh bé bỏng bị bỏ rơi”, Tiến sĩ Huyền Trân cho hay.
L.T.Lan, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội đã trầm cảm chỉ vì nỗ lực cống hiến cho công ty suốt mấy năm qua. Chị làm việc không quản thời gian, kể cả ngày nghỉ dịp lễ Tết. Sếp hứa hẹn nhiều về việc thăng chức. Nhưng đến thời điểm sắp thăng chức thì sếp giao toàn bộ kế hoạch dự án mà chị đang đầu tư công sức cho một người mới vào công ty 2 tháng đảm nhiệm.
Thất vọng, sụp đổ, Lan lâm vào khủng hoảng tinh thần nặng nề. Chỉ cần thấy hai đồng nghiệp đang nói chuyện thầm thì là chị sợ họ đang nói xấu mình. Khi một việc mới đến thay vì nghĩ đây là cơ hội để chào đón thì lại sợ thất bại. Lan đã quyết định nghỉ việc. Chị suy sụp đến mức không đi kiếm việc mới dù đã nghỉ việc được hai tháng trời nay.
Tiếp xúc với Lan, Tiến sĩ Huyền Trân nhận thấy chị đã bị trầm cảm khá nặng. Trong đợt tư vấn bệnh trầm cảm này, Tiến sĩ Trân đã gặp trường hợp mẹ bỉm sữa bị hoang tưởng, ảo giác sau sinh.
“Trước kia, người mẹ đã bị ảo giác nhẹ. Nhưng sau sinh, người mẹ bị trầm cảm, ảo giác nặng hơn. Chị vẫn chăm con bình thường nhưng lúc nào cũng cảm thấy kiệt sức và có ảo thanh xúi giục trong đầu. Tôi cho rằng điều may mắn nhất là người chồng phát hiện ra và chủ động đưa vợ đến gặp chuyên gia tâm lý.
Mỗi người đều có câu chuyện, nỗi niềm riêng dẫn tới trầm cảm. Nhưng tựu chung lại, chị em vẫn còn có quá nhiều câu chuyện khiến họ khổ tâm, dằn vặt và cần được tháo gỡ. Ảnh: NVCC
Với những ca trầm cảm nặng, để hoàn toàn vượt qua, người bệnh cần trung bình từ 6 tháng đến 2 năm trị liệu với sự hỗ trợ của chuyên gia. Tuy nhiên, khả năng người bệnh trầm cảm tái phát là gần 100%. Gần 85% ca trầm cảm nặng lâu năm có khuynh hướng tự kết thúc cuộc sống”, Tiến sĩ Trân cảnh báo.
Tiến sĩ Huyền Trân nhấn mạnh trầm cảm hoàn toàn có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện và giải quyết sớm với sự quyết tâm của người bệnh, sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý trị liệu, sự đồng hành của người thân.
“Chị em dù ở đâu, độ tuổi nào vẫn còn có quá nhiều câu chuyện buồn cần được lắng nghe. Họ rất cần người thân, đồng nghiệp giúp họ tháo gỡ. Đừng để đến lúc “quả bom” trầm cảm phát nổ, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công việc, sinh mệnh người bệnh và thậm chí kéo theo những đứa con cùng rơi vào trầm cảm”, Tiến sĩ Huyền Trân nhấn mạnh.
(* Họ tên nhân vật đã được thay đổi)
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất