Giáo dục VN nhìn từ... cô kỹ sư không biết canh cua nấu với rau gì

2016-11-24 13:27
- Giáo dục Việt Nam vốn đã có nhiều điều phải nói nhưng tối ngày 22/11, một cô kỹ sư làm ở một công ty lớn mà không biết canh cua nấu với rau gì, El Nino là gì thì thật sự gây giật mình.

Sự việc gây sốt cộng đồng mạng diễn ra tối 22/11 trong chương trình Ai là triệu phú phát sóng trên VTV3. Với câu hỏi "El Nino là gì?", với bốn đáp án: “A: Một loại dương xỉ, B: Một điệu nhảy, C: Một khu rừng ở châu Phi, D: Một hiện tượng thời tiết”, nữ kỹ sư đã nghĩ El Nino là… “một loại sữa” và thốt lên: "Ôi! Mới câu đầu tiên sao khó thế? Cháu chưa nghe đến từ này bao giờ”.

Dùng phương pháp loại trừ, nữ kỹ sư cho rằng “El Nino chắc không phải hiện tượng thời tiết, nghe giống khu rừng hay loại cây hơn”. Nhưng may sao cô đã chọn hỏi ý kiến khán giả trường quay, rồi chọn đáp án đúng là “D: Một hiện tượng thời tiết” và được quyền đi tiếp.

giáo dục, giáo dục Việt Nam, Ai là triệu phú

Đến câu hỏi thứ hai: "Người ta thường nấu canh cua với thứ gì?", nữ kỹ sư lại một lần nữa cười cho biết: "Ôi! Cháu chưa nấu canh cua bao giờ. Cháu có ăn rồi nhưng không biết trong ấy người ta cho cái gì". Suy luận loại trừ được ba phương án “A: Củ cải, C: Mộc nhĩ, D. Súp lơ xanh” nhưng vẫn chưa chắc chắn canh cua nấu với “B: Rau đay”, cô lại dùng quyền trợ giúp gọi điện cho đồng nghiệp và được giúp chọn phương án đúng.

Tuy nhiên ở những câu hỏi sau, Quyên cũng trả lời được để đến với câu thứ 10 cùng mốc tiền thưởng 10 triệu đồng. Cuối cùng nữ "kỹ sư El Nino" phải ra về với 2 triệu đồng vì một chút nhầm lẫn.

Đi sâu tìm hiểu vấn đề, người viết không khỏi “đứng hình” khi phát hiện ra, không chỉ cô kỹ sư 24 tuổi kia không biết thuật ngữ El Nino. Những số liệu trên Google Trend cho thấy nhiều người Việt Nam đang tìm hiểu El Nino là gì.

Theo đó, trong sáng 23/11, các từ khóa liên quan đến "El Nino" được lùng sục nhiều trên Google Việt Nam với hơn 20.000 lượt tìm kiếm. Người dùng Google tìm kiếm từ khóa El Nino là gì chủ yếu tập trung ở khu vực phía Bắc, 5 tỉnh thành sục sạo nhiều nhất bao gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh và Bắc Binh.

Đáng chú ý, từ khóa được tìm nhiều nhất lại là "El Nino là ai?" chứ không phải "El Nino là gì?".

Qua sự việc này có thể thấy lỗ hổng kiến thức xã hội của giới trẻ Việt Nam hiện nay là đáng báo động. Việc một cô kỹ sư 24 tuổi không biết El Nino là gì liệu có phải chuyện bình thường? và chuyện từ khóa là "El Nino là ai?" trở thành hot Trend liệu cũng là “chuyện thường ở huyện”?

Cái mạnh của con người Việt Nam chúng ta là sự thông minh và nhạy bén với cái mới. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”.

Còn nhớ, trong chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” (VTV3) từng có câu hỏi: “Đây là một trong những bảo vật quốc gia?”. Khi đáp án đã mở được 3 từ “trống đồng Ngọc…”, một người là giáo viên đã nhanh nhảu xin đoán là “Trống đồng Ngọc Hà”. Đến lúc dòng chữ “trống đồng Ngọc Lũ” được 3 người chơi lật ra được hết (nhờ… đoán mò), một người (tự giới thiệu đã tốt nghiệp ĐH KHXH-NV) đoán là “Trống đồng Ngọc Lủ” (!). Người kế tiếp (học ĐH Nông nghiệp) đoán: “Trống đồng Ngọc Lụ”(!). Rốt cuộc, ô chữ “Trống đồng Ngọc Lũ” phải nhờ khán giả giải hộ, mới ra.

Cả ba người chơi nói trên đều là thanh niên trình độ văn hóa đại học hay cao đẳng, vậy mà không hề biết gì về “trống đồng Ngọc Lũ” - một trong những niềm tự hào của văn hóa Việt Nam đối với thế giới (mặc dù ô chữ đã được lật ra hết, hoặc gần hết, chỉ còn thiếu mấy cái dấu). Rõ ràng, ở nước ta hiện nay, ngay cả trong một bộ phận trí thức, kiến thức lịch sử cũng còn nhiều “lỗ hổng” đáng buồn.

GS Ngô Bảo Châu đã từng phát biểu rằng, một nền giáo dục tiên tiến không nên ôm đồm nặng nề mà cần hướng vào chiều sâu và đó là điều còn thiếu của giáo dục Việt Nam.

“Tôi nghĩ mục đích tối thượng của giáo dục là phát triển, hoàn thiện cá nhân mỗi con người, để làm sao con người đó sống hạnh phúc, sống có ích cho xã hội. Về phương pháp luận, giáo dục không có chức năng đào tạo ra những con người giống nhau, không thể đào tạo ai ai cũng thành một mẫu người chung. Theo tôi, phương pháp giáo dục mang tính nhân bản nhất là làm sao mỗi người phát triển tài năng vốn có của mình”- GS Ngô Bảo Châu nói.

Danh ngôn có câu: “Ngôi nhà chín tầng bắt đầu từ sọt đất nhỏ, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ mỗi bước chân”. Thiết nghĩ, nhà trường cần dạy các em câu này để các em lấy đó làm hành trang tiến ra “biển lớn” của cuộc đời.

Còn bao nhiêu điều nhà trường “quên” dạy các em, phải chăng do chương trình giáo dục hiện nay “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”, “nặng nội dung, nhẹ kỹ năng, phương pháp”? Và phải chăng do cải cách giáo dục mang tính chắp vá, còn các thầy cô thì dạy chữ đơn thuần? phải chăng các trường còn bị “bệnh thành tích”?

Vậy nên mới có trường hợp một phụ huynh ở TP Sóc Trăng "té ngửa" khi được giáo viên thông báo con họ học đến lớp 6 mà không biết đọc, viết. Có em bị trả về học lại chương trình lớp 1. Hay học sinh lớp 2 mà không viết nổi tên mình, học sinh lớp 7,8 đọc còn ê a, học sinh lớp 12 không thể giải nổi bài toán nhân chia đơn giản,…

Hàng năm, các báo cáo từ cấp tổ gửi lên trường, từ trường gửi về Phòng và từ Phòng lên đến Sở đều là những con số đẹp mê hồn, 100% học sinh thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, 100% đạt về năng lực, 100% đạt về phẩm chất, 99% học sinh lên lớp thẳng hay 90% đạt hạnh kiểm Tốt, 10% đạt hạnh kiểm Khá...

Sau sự thống kê thường là những câu kết luận: Chúng ta đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu đăng kí đầu năm.

Nguyên nhân giáo dục của chúng ta ngày càng tụt hậu thì có nhiều nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là căn bệnh thành tích, nó tồn tại như căn bệnh trầm kha khó có thuốc chữa.

Nếu không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này, khắc phục những điểm yếu này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có để “vươn ra biển lớn” với bè bạn năm châu.

An Yên

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vì sao bạn phải đến Đài Loan một lần trong đời?