Gia đình 4 người ở Hà Nội thu nhập 10 triệu đồng/tháng, vẫn tiết kiệm 3 triệu

Trung Hiếu 2017-07-01 18:56
- Sinh hoạt của cả gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào mức lương 10 triệu đồng/tháng của người chồng. Thế nhưng, nhờ tiết kiệm đúng cách, chi tiêu có kế hoạch, chị Minh Lý (32 tuổi) vẫn tiết kiệm được 3 triệu/tháng.

Chị Minh Lý mới lập gia đình được 4 năm nay. Chị cũng sinh đôi 1 trai, 1 gái (3 tuổi). Nghĩ hai bên nội ngoại đều ở xa, thuê người giúp việc tốn kém lại không an tâm nên chị Lý quyết định nghỉ hẳn việc, ở nhà vừa chăm sóc hai con và nội trợ. Thu nhập chính của gia đình trẻ này phụ thuộc vào mức lương 10 triệu đồng của chồng mang về hàng tháng.

Hàng tháng, nhận tiền lương từ chồng, chị Lý bỏ ngay 3 triệu đồng vào heo đất, xem đó như là số tiền bất di bất dịch. 7 triệu còn lại chị chia nhỏ ra từng loại quỹ khác nhau như tiền ăn, sữa, điện nước, sinh hoạt… để chi tiêu hàng ngày.

1. Tiền ăn: 4 triệu đồng

Dù ăn uống tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo những thành viên trong gia đình ăn đủ chất, đổi món liên tục, chị Lý lên thực đơn cho cả tuần.

Gia đình 4 người ở Hà Nội thu nhập 10 triệu đồng/tháng, vẫn tiết kiệm 3 triệu

Gia đình 4 người ở Hà Nội thu nhập 10 triệu đồng/tháng, vẫn tiết kiệm 3 triệu. Ảnh minh họa.

Các loại gia vị bảo quản lâu dài như dầu ăn, mì chính, bột canh, hạt nêm… chị Lý đi siêu thị, mua một lần dùng cả tháng hoặc vài tháng. Cách 5-6 ngày chị đi chợ một lần mua những thực phẩm tươi sống như cá, thịt, rau củ. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian, lại tận dụng được các chương trình khuyến mãi trong siêu thị, tránh trường hợp mua thâm hụt, lại rẻ hơn rất nhiều so với mua lẻ.

Thông thường gạo nhà chị được bà nội gửi ở quê ra cho mỗi tháng. Vì thế anh chị không phải mất tiền mua gạo. Một số loại rau củ, bà ngoại, bà nội cũng gửi ra cho thường xuyên. Bởi thế, số tiền trên chị chỉ mất tiền mua thức ăn và tiền gas.

Chồng đi làm nên anh chỉ ăn hai bữa sáng tối ở nhà. Số tiền 3,5 triệu chị Lý chia ngày 3 bữa. Hai đứa con thì cháo, cơm thay đổi liên tục. Hôm nào nấu cháo thì chị nấu cho ăn cả ngày. Thường là cháo thịt lợn đậu xanh, cháo thịt bò bí đỏ, cháo tôm rau ngót…Mỗi nồi cháo như vậy từ 30 đến 50 ngàn đồng.

Bình quân mỗi ngày tiền thức ăn chị dành 130 ngàn đồng chia cho 3 bữa sáng, trưa, tối.

Sáng: 40 ngàn đồng gồm các món canh miến thịt nạc, bánh mỳ trứng, cơm rang thập cẩm, xôi giò, cháo

Trưa: 30 ngàn gồm 2 món, mặn, canh

Tối: 60 ngàn gồm 3 món mặn, xào, canh. Các món mặn như thịt lợn kho, luộc, cá kho, cá chiên, thịt gà kho, trứng rán, đậu phụ sốt cà chua, đậu phụ rán, mực xào giá... Các món rau xào, canh rau, canh chua.

2. Tiền sữa cho 2 con: 700 ngàn đồng

2 bé nhà chị Lý khoảng 1 năm nay bỏ sữa công thức mà chỉ uống sữa tươi. Vì thế mỗi tháng chị Lý mua cho hai con 3 thùng sữa tươi loại 110ml/hộp. Cho con uống mỗi ngày 2 hộp sáng, tối.

3. Tiền ăn vặt của con: 400 ngàn đồng

Để con có thể ăn vặt được thoải mái, các đồ ăn vặt như sữa chua, bánh trái chị đều tự làm ở nhà cho con ăn. Ngoài ra là trái cây theo mùa. Cho con ăn vặt như vậy vừa rẻ lại vừa an toàn và yên tâm.

4. Điện nước: 400 ngàn đồng

Nhà chị tuy ở thành phố nhưng chị sử dụng tiết kiệm nên hầu như điện nước tháng nào cũng chỉ hết khoảng 400 ngàn đồng.

5.  Tiền xăng xe: 200 ngàn đồng

Nhà chỉ có chồng chị đi làm. Quãng đường từ nhà đến công ty anh chỉ 5km nên tiền xăng xe mỗi tháng của chồng chỉ hết khoảng chừng đó. Chị ở nhà, mỗi lúc đi đâu loanh quanh, chị thường đi xe đạp vừa luyện tập thể dục thể thao, vừa tiết kiệm. 

6. Tiền điện thoại: 200 ngàn đồng

Tận dụng tối đa các chương trình khuyến mãi như tặng tiền nạp thẻ điện thoại, ưu đãi gói cước gọi, nhắn tin trong tháng, trong ngày nên mỗi tháng chị nạp khoảng 50 ngàn đồng còn chồng chị sử dụng 150 ngàn đồng.

7. Tiền chi tiêu sinh hoạt: 200 ngàn đồng

 Gồm xà phòng, dầu gội, xà bông tắm, kem đánh răng…

chi tiêu gia đình

Bình quân mỗi ngày tiền thức ăn chị dành 130 ngàn đồng chia cho 3 bữa sáng, trưa, tối. Ảnh minh họa.

8. Tiền hiếu hỷ: 500 ngàn đồng

Phong bì đám cưới từ 300 ngàn đồng, sinh nhật 100 ngàn đồng là mức chi tiêu bình quân cho những đám hiếu hỷ. Bình quân mỗi tháng, chị Lý bỏ quỹ 500 ngàn dành cho công việc này.

9. Tiền thuốc thang: 300 ngàn đồng

Quần áo hai con tận dụng đồ cũ của anh em họ hàng để lại, chỉ thỉnh thoảng chị mới mua mới 1 vài bộ đồ đẹp cho 2 con. Đồ bố mẹ một năm chị sắm 1-2 lần.

Một số loại quỹ không dùng hết trong tháng như hiếu hỷ, thuốc thang, tiền ăn, điện nước, chị Lý bỏ chung vào một con heo đất khác, cứ 3 đến 6 tháng đập ra dùng mua sắm đồ đạc, đưa con đi công viên, tổ chức bữa tiệc nhỏ cho cả gia đình như các dịp lễ, sinh nhật.

“Nhờ tiết kiệm đúng cách, hàng tháng, ngoài ăn uống, sinh hoạt đầy đủ, tôi còn tiết kiệm được 3 triệu đồng để dùng cho việc lớn. Thực hiện theo cách này, dù ở nhà nội trợ nhưng tôi luôn được chồng khen là đảm đang, biết ăn lo trong gia đình”, chị Lý chia sẻ.

Trung Hiếu

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 bài tập massage giúp mũi tròn to 'củ tỏi' thành cao thẳng, thon gọn như gái Tây