Củ quả biên giới tấp nập đổ về xuôi, giá đắt gấp 4 vẫn hút khách thành phố lùng mua
Tin liên quan
Những ngày này, bên cạnh các loại rau rừng quen thuộc được nhiều chị em biết đến như bò khai, tầm bóp, ngó xuân, cải mèo thì nhiều chị em cũng tìm đến những thứ củ quả mới được nhập về từ biên giới xa xôi để đổi vị như dưa chuột H'Mông, quả mặc cọp Lào, khoai sọ, măng muối sợi, bí mẹo...
Củ quả biên giới tấp nập đổ về xuôi
Kỳ Sơn là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, có biên giới giáp với nước bạn Lào. Nơi đây được mệnh danh là Sa Pa của vùng Bắc Trung Bộ khi quanh năm mây mờ bao phủ, núi rừng xanh bạt ngàn, nuôi dưỡng các loại cây cối xanh tươi.
Các dân tộc miền núi tại đây ngoài trồng trọt, chăn nuôi thì vẫn giữ thói quen hái lượm trong rừng, thu hái những loại rau củ quả rừng tươi mới về ăn mỗi ngày. Đặc biệt, nhiều người ở các xã bản nhỏ cũng làm các mảnh vườn để trồng những giống cây, thổ sản rừng để tiện sử dụng. Việc nuôi trồng và thu hoạch hoàn toàn tự nhiên nên rau củ rất an toàn, sạch sẽ.
Anh Lương Mạnh Thắng - người dân tại huyện Kỳ Sơn chia sẻ: "Trước đây, rau củ hái lượm được chủ yếu dùng để ăn trong nhà. Nhưng nếu hái lượm được nhiều thì có thể mang ra chợ bán. Nhiều người dưới xuôi lên du lịch ăn thử rau củ đặc sản núi rừng ở đây thì rất thích nên tìm đặt mua thêm, rồi đặt mua số lượng lớn để về xuôi bán".
Anh Thắng cho biết, phần lớn những loại rau củ được tìm mua tại Kỳ Sơn là dưa chuột H'Mông, khoai sọ, củ măng, bầu bí rừng, rau cải ngồng, tiêu rừng, gạo nếp cẩm...
Được biết, những loại nông sản như dưa chuột, bầu bí, khoai sọ rất được nhiều người yêu thích không những vì an toàn mà còn rất to, ăn ngon ngọt. Đơn cử như dưa chuột được trồng tại các bản người dân tộc H'Mông to gấp 4 - 5 lần dưa chuột thường, ăn giòn, vỏ mỏng, mát ruột.
Bầu bí được gieo trồng ven các nương rẫy, được vun trồng cùng lúa ngô nên đậm đà, quả to bằng chiếc thúng. Khoai sọ tại đây cũng có trọng lượng rất lớn, cỡ 1 - 2kg/củ khoai sọ. Chỉ cần lấy 1 củ cũng đủ nấu vài bữa cho gia đình thưởng thức.
Anh Thắng cho hay, giá cả của những nông sản này mua ngay tại bản khá rẻ. Dưa chuột 10.000 - 20.000 đồng/kg, bầu bí giá 20.000 đồng/kg, khoai sọ 15.000 đồng/kg. Nhưng khi được vận chuyển về xuôi bán tại các cửa hàng rau củ, giá có thể đội lên gấp 2, gấp 3 lần.
"Nhiều người mua phản hồi lại rất thích ăn các nông sản từ miền núi vì nó sạch. Bà con trồng trên nương rẫy thường không phun thuốc, chỉ bón phân đạm bình thường, nước tưới tiêu thường là nước suối, nước mưa hoặc gánh nước sông lên tưới" - anh Thắng nói.
Người đàn ông này cũng cho hay, vì địa phận Kỳ Sơn giáp với nước Lào nên hàng hóa nông sản giữa hai nước cũng thường xuyên được trao đổi. Nhiều nhất là những loại trái cây như quả mắc cọp, ăn giống lê nhưng màu nâu sẫm.
"Dưới xuôi bán không ít mắc cọp nhưng nhiều người vẫn muốn đặt mua từ Kỳ Sơn về cho yên tâm, đảm bảo đúng là thứ quả được nhập về qua cửa khẩu Việt - Lào tại đây. Giá của mắc cọp khoảng 20.000 đồng/kg, mỗi kg được khoảng 3 - 4 quả. Ngoài ra, còn có những gia vị khác như tỏi Lào ăn cũng rất thơm, giá lại không đắt".
Giá bán đắt gấp 4 lần vẫn nhiều người đặt mua
Bên cạnh các loại củ quả thì rau cải ngồng, củ măng rừng là hai loại nông sản được ưa chuộng hơn cả. Cải ngồng được bà con gieo trồng trên đường vào rừng làm nương, khi đi làm thì tranh thủ vun trồng. Các chiến sĩ biên phòng cũng thi thoảng giúp đỡ bà con chăm sóc nên những luống cải lên rất nhanh, tươi tốt và sạch.
Những đọt măng tươi được đào lên từ những bụi tre trong rừng ăn giòn, ngọt, sạch, không ngâm chất bảo quản nên rất được nhiều người đặt mua. Có những người thích ăn măng còn yêu cầu người bản địa tại Kỳ Sơn chế biến thành măng muối cay để bảo quản và dùng dần.
Chị Vi Thị Loan - một người dân tại huyện Kỳ Sơn chia sẻ: "Ngay sau thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn là một khoảng đồi nhỏ mọc đầy tre. Mặc dù diện tích đã bị thu hẹp đi nhiều trong những năm gần đây nhưng măng tre vẫn mọc lên. Người dân có thể lên đó đào củ măng, hoặc bà con dân tộc đi vào rừng gặp thì đào lên rồi mang ra thị trấn bán".
Chị Loan cũng cho biết, nhiều bà con dân tộc khi đi rừng bẫy thú nhỏ thường mang theo một chiếc rựa để đánh dấu nơi có măng nhú. Chỉ cần nhìn thì họ sẽ biết ngay măng đã già hay còn non, bằng cách đánh dấu lại. Ngày hôm sau họ chỉ việc mang theo địu và cuốc để đào măng mang về bán.
Giá của măng rừng tươi khoảng 20.000 đồng/kg, rau cải ngồng tươi ngon là 10.000 đồng/kg. Nhưng khi đến tay người tiêu dùng ở các thành phố lớn thì giá lên gấp 3 - 5 lần. Cải ngồng tươi 50.000 đồng/kg, măng rừng tươi 70.000 đồng/kg. Loại măng đã muối cay có giá là 70.000 - 100.000 đồng/hộp trọng lượng 0,5 - 1,5kg. Mặc dù giá đắt như vậy nhưng vì ngon, sạch nên nhiều chị em vẫn đặt mua để dùng cho gia đình.
Măng tươi được chế biến ngay thành măng muối cay nên rất an toàn, không có chất tẩy trắng hay phụ gia
"Măng tươi muối cay của vùng biên giới này được nhiều người hỏi mua. Vì măng được làm tươi, làm sạch ngay sau khi đào lên. Củ măng vẫn giữ được màu trắng tự nhiên, tuyệt đối không có chất tẩy. Mỗi khi nấu ăn, người dùng chỉ cần múc chừng một nắm tay, nấu cùng xương ống hoặc sườn thì ngon hết ý" - Hiện mỗi tuần, gia đình chị Loan làm 10 - 20 lọ măng muối cay nhưng vẫn luôn không đủ để bán cho khách dưới xuôi đặt.
Lương Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất