Chiêu đến công sở việc bận bù đầu nhưng không mệt mỏi, hăng say cống hiến
Tin liên quan
Con người có thật sự bận rộn như mình nghĩ?
Theo nghiên cứu và phát biểu trong luận văn kết hợp của các giáo sư thuộc trường đại học Harvard và Học viện Thương mại Colombia (Hoa Kỳ): Người Mỹ trước đây thường lấy “thời gian rảnh rỗi và thư giãn” làm cái vốn để tự hào với mọi người. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại ngày nay, họ lại tự nguyện “vì công việc mà bỏ cả cuộc sống cá nhân”, xem sự bận rộn gần như là tượng trưng cho địa vị và một “thân phận mới” của mình trong xã hội.
Các chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu tuổi thọ của trường đại học Texas (Hoa Kỳ) phát hiện, trạng thái bận rộn thật sự có ích cho chức năng não bộ. Tuy nhiên, bận rộn cũng phân ra làm “bận rộn thật” và “bận rộn giả”.
Người thật sự bận rộn biết cách hưởng thụ lợi ích thiết thực và cảm giác đầy đủ do công việc mang lại. Nó trở thành liều thuốc bổ tâm lý thúc đẩy họ tiến bộ, sống tích cực và luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng.
Trong khi đó, người thuộc kiểu “bận rộn giả” luôn mệt mỏi vì một loại “cảm giác sai” từ chính tư tưởng của bản thân. Đó là càng bận rộn thì tầm quan trọng của họ sẽ khác xa và cao hơn người bình thường. Trong mắt họ, biểu hiện bận rộn sẽ khiến người xung quanh khẳng định rằng họ là người tài giỏi, thành đạt dù thực tế có thể hoàn toàn trái ngược.
Làm sao để đến công sở ngập đầu trong công việc mà không mệt mỏi?
Không phải mọi nỗ lực đều khiến bạn bận đến tối tăm mặt mũi, cũng không phải lấp đầy tất cả thời gian thì có nghĩa là bạn đã đạt thành tựu hơn người. Phương hướng và cách thức sử dụng thời gian của bạn mới quyết định không gian tiến bộ và phát triển ở mức độ cao.
Vì thế, bạn hoàn toàn có thể sống một cuộc sống bận rộn ngay ở công sở nhưng tích cực và hiệu quả, mà trước hết là hãy tránh xa những “sát thủ của hiệu suất” sau đây.
Thích thì làm
Người có thói quen làm việc theo cảm hứng thường cảm thấy mình rất bận rộn nhưng sau cùng hầu như chẳng làm nên việc gì ra hồn.
Bạn cần phải có kế hoạch và mục tiêu cụ thể cho bản thân, thậm chí là vạch ra từng bước đi nhỏ và bắt tay vào thực hiện thì mới có hướng phát triển đúng đắn mà không lãng phí thời gian, sức lực.
Thư giãn quá mức và không đúng cách
Rất nhiều người trước khi bắt đầu làm việc thường thích lãng phí thời gian vào những việc vô bổ như túm tụm nói xấu người khác, lướt web không có mục đích hoặc tham gia các trò đỏ đen may rủi trên mạng.
Bạn cảm thấy mình cần thư giãn nhưng nếu tận dụng thời gian rảnh thiếu khoa học chỉ khiến mỗi ngày như bận bịu mà hiệu suất công việc lại không cao.
Luôn trả lời tin nhắn hay cuộc gọi
Vào những lúc quan trọng chẳng hạn như cần suy nghĩ đối sách cho công việc hoặc hoàn thành bản báo cáo cho sếp thì những tin nhắn hay cuộc gọi không mấy cần thiết sẽ làm gián đoạn tư duy của bạn.
Vì vậy, hãy xác định thời gian dùng cho việc cấp bách trong ngày để điều chỉnh chế độ điện thoại cho phù hợp.
Liên tục check email
Thói quen không ngừng xem và check email dù có những thư tín không cần thiết sẽ khiến bạn bị phân tâm nghiêm trọng, từ đó khó hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả.
Tốt nhất, mỗi ngày bạn nên định ra 2 - 3 khoảng thời gian cố định cho việc kiểm tra hộp thư, thời gian còn lại có thể tắt email đi.
Luôn cảm thấy chưa chuẩn bị tốt
Không ít người có một cảm giác sai lệch rằng trước khi làm bất cứ chuyện gì đều cảm thấy hình như còn thiếu chuẩn bị gì đó.
Thực tế, không bao giờ có “thời khắc hoàn hảo” cho mọi việc. Cái bạn cần làm là bắt tay hành động chứ không phải “chờ thời” trong lo lắng.
Làm việc ngay trong cuộc họp
Kết quả của việc chia tách sự tập trung cho hai hay nhiều việc cùng lúc là sẽ thất bại ở mọi vấn đề. Vì vậy, khi đang tiến hành một việc gì đó, tốt nhất bạn nên đầu tư tâm trí và thời gian cho riêng nó, ngay cả cuộc họp cũng không nên lôi việc khác vào.
Làm nửa vời
Khi một nhiệm vụ chưa hoàn thành thì tốt nhất đừng bắt đầu công việc mới. Bạn cần phải học cách thống kê, sắp xếp các hạng mục công việc tùy theo mức độ quan trọng và cấp bách trong từng thời gian cụ thể.
Thói quen này sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng làm việc nửa vời, luôn bận bịu mà hiệu suất lẫn hiệu quả đều không cao.
Tiếp nhận nhiệm vụ không cần thiết
Bạn luôn được khuyên hãy có thiện chí hợp tác, giúp đỡ nhau trong môi trường làm việc, nhưng điều này không có nghĩa là bạn không bao giờ dám nói “không”.
Khi ai đó nhờ vả hay lôi kéo bạn vào những chuyện vô bổ, không liên quan hoặc không cần thiết, bạn cần giữ vững lập trường và mạnh dạn từ chối để không ảnh hưởng nhiệm vụ chính.
Thiện Duyên/Theo aboluowang, sina
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất