Bất ngờ trước những "ngã rẽ" của các mỹ nhân chốn hậu cung sau khi Hoàng đế qua đời

2017-11-12 14:51
- Có người phải chết theo, có người buộc phải đi tu, có người sống cả phần đời còn lại trong những biệt cung lạnh lẽo và cũng có người tiếp tục sống như một bà Hoàng được tân đế yêu thương, mặc cho trái với luân thường đạo lý.

Được vào cung có lẽ là ước mơ của biết bao nhiêu bậc nữ nhân ở thời phong kiến với chế độ quân chủ, đặc biệt là vùng đất Trung Hoa.  

Ấy vậy mà người xưa có câu "đường vào cung sâu tựa biển", điều này quả thật chẳng sai chút nào, bước vào cung, tuy rằng các nữ nhân ấy sẽ có một cuộc đời sung túc, lầu son gác tía, sống trong nhung lụa, thậm chí là có cơ hội lọt vào mắt xanh của Hoàng đế, được phong tước, phong vị, hay leo lên được tới vị trí Mẫu nghi thiên hạ. 

Nhưng liệu có ai biết được rằng, vào cung cũng gần giống như bước vào chốn lao tù muôn đời với bản án chung thân gần như là treo lơ lửng trên đầu, chưa kể để có được một cuộc sống phú quý giàu sang, địa vị uy quyền họ cũng phải đánh đổi bằng những cuộc thanh trừng đẫm máu xoay quanh hai chữ "tranh sủng", thậm chí có người còn đánh đổi bằng cả mạng sống của mình. 

(Ảnh minh họa) 

Sau đó thì sao, nếu Hoàng đế băng hà, liệu có bậc nữ nhân nào lường được thân phận mình sẽ trôi về đâu hay không? Hoặc chết hoặc buộc phải đi tu hoặc sống cả phần đời còn lại trong những biệt cung lạnh lẽo hoặc tiếp tục sống như một bà Hoàng được tân đế yêu thương…  

Thôi thì cùng điểm lại một số cung đường của nữ nhân  hậu cung   sau khi Hoàng đế băng hà dưới đây để hiểu rõ hơn, cuộc sống trong cung cũng lắm nghiệt ngã, lắm đắng cay… 

Được phong làm Thái hậu 

Người ta hay nói, vị trí Hoàng hậu là vị trí cao nhất trong hậu cung Trung Hoa, cai quản tam cung lục viện và có quyền lực gần như là tuyệt đối chỉ sau vua. Ấy vậy mà chắc nhiều người vẫn chưa biết, dù Hoàng hậu, hay Hoàng đế thì cũng phải kiêng dè với những ai nắm giữ vị trí Hoàng Thái hậu. 

(Ảnh minh họa) 

Thậm chí, trong lịch sử Trung Hoa phong kiến, thì cũng không hiếm thấy những trường hợp tân đế còn nhỏ, không đủ sức quản việc nước thì chính Thái hậu sẽ là người buông rèm nhiếp chính, có quyền lực vượt qua cả các đấng quân vương, chẳng hạn như Lữ Trĩ (Hoàng hậu của Hán Cao Tổ Lưu Bang), Lý Trang (mẹ ruột Hoàng đế Thuận Trị thời Thanh) hay Từ Hy Thái hậu cuối thời Thanh… 

Tuy nhiên, muốn có được vị trí này cũng không phải dễ, duy chỉ có Hoàng hậu của tiên đế mới được ngồi vào, hay mẹ ruột của tân đế. Còn những phi tần của Hoàng đế cũ có địa vị thấp hơn thì dù có nằm mơ cũng không bao giờ có được. 

Theo con trai đến đất phong hưởng phúc đến cuối đời 

Đây cũng là điều mà nhiều phi tần mong ước sau khi Hoàng đế qua đời, vậy mà cũng không phải chuyện dễ.  

Đặc ân này chỉ dành cho những phi tần sinh được con trai cho Hoàng đế, nhưng người con đó không được kế vị như Thái tử nên được Hoàng đế phong vương và cấp đất cho ra ngoài lập vương phủ riêng cho mình.  

Vì vậy, nếu Hoàng đế có băng hà thì mẹ đẻ của những vị thân vương này sẽ được rước ra ngoài phủ của con trai mà sống hết phần đời còn lại, có kẻ hầu người hạ. 

(Ảnh minh họa) 

Như trường hợp của Bạc Cơ - phi tử của Hán Cao Tổ thời nhà Hán. Trước khi Hán Cao Tổ qua đời, vì con trai của Bạc Cơ đã được cấp đất và phong vương nên sau khi Hán Cao Tổ quy tiên, thì Bạc Cơ được phép ra ngoài sống với con trai mình và có được địa vị nhất định. 

Sống hết phần đời còn lại trong cô đơn tại biệt cung 

Đặc ăn này, tuy cũng chỉ dành cho một số phi tầng có thứ bậc cao trong thời nhà Tống và nhà Đường và một số phi tần thứ bậc thấp vào thời nhà Hán nhưng suy xét mà nói, họ cũng sẽ sống trong lầm lũi cô đơn đến cuối phần đời còn lại.  

Điều này quả thật buồn thảm, nhất là khi một số phi tần tuổi đời còn rất trẻ, thanh xuân phơi phới mà sẽ bị khóa xuân như một con chim trong lồng hay như một nữ tù nhân với bản án chung thân. 

(Ảnh minh họa) 

Như thời nhà Thanh, các phi tần được chuyển đến ở biệt cung sau khi Hoàng đế mất. Góc tây bắc của Tử Cấm Thành là nơi chuyên dành cho các phi tần của các đời hoàng đế trước bao gồm Từ Ninh Cung, Thọ Khang Cung, Thọ An Cung, Anh Hoa Điện, Từ Ninh Hoa Viên.  

Thông thường hoàng đế mới sẽ phong hiệu và nuôi dưỡng những phi tần của tiên đế đến cuối đời. 

Thành phi tần của tân đế 

Và đây cũng là một ngã rẽ đau thương cho những phi tần của tiên đế, nhất là những phi tần còn trẻ đẹp và đã một đôi lần hầu hạ gối chăn cho Hoàng đế cũ nay lại trở thành phi tần phục vụ cho Hoàng đế mới cũng là con trai của chính tiên đế. 

(Ảnh minh họa) 

Việc "cha con chung vợ" này từng nhiều lần bị lên án trong triều đình phong kiến Trung Quốc vì nó đụng vào một số giới hạn về đạo đức cũng như là trái với luân thường đạo lý muôn đời của con người.  

Đơn cử là trường hợp Tùy Dương Đế Dương Quảng từng nạp hai người vợ của cha mình làm phi và sủng ái hết mực. Hay chính Võ Tắc Thiên – nữ Hoàng đế duy nhất của Trung Quốc từng là phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau trở thành Hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị. 

Nhưng cũng có một số phi tần của Hoàng đế cũ, địa vị thấp hèn, chưa từng được sủng hạnh hay biết mặt Hoàng đế cũ, thì sau khi Hoàng đế qua đời liền trở thành sủng phi của tân đế, điều này lại trở thành một cơ hội "đổi đời" hiếm có khó tìm của họ. 

Xuất gia làm ni cô 

Luật lệ này xảy ra ở thời nhà Đường vì ở giai đoạn này, Phật giáo rất phát triển và đa số người dân, quý tộc, quan lại đều sùng đạo Phật trong đó có cả vua chúa và người trong cung.  

Vì thế, khi Hoàng đế băng hà thì các phi tầng có địa vị thấp, chưa sinh được con cho tiên đế sẽ xuống tóc đi tu, bởi nhiều người tin rằng, những phi tần sau khi xuất gia có thể ngày đêm cầu phúc cho tiên đế ở thế giới bên kia. 

(Ảnh minh họa) 

Chính Võ Tắc Thiên khi còn là "Tài Nhân" (một tước vị phi tần nhỏ) của Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã phải lên chùa, xuống tóc làm ni cô sau khi vị Hoàng đế này qua đời. Nếu không có mối nhân duyên với Lý Trị, có lẽ bà đã sống cô quạnh cả đời, làm bạn với khói hương và tiếng tụng kinh gõ mõ. 

Tuẫn táng theo hoàng đế 

Đây có lẽ là ngã rẽ đau thương và độc ác nhất đối với các bậc nữ nhân trong hoàng cung cấm Trung Hoa xưa và nó chỉ dành cho những phi tần có địa vị thấp, không sinh được con cho Hoàng đế hay những phi tần chưa được Hoàng đế sủng hạnh lần nào, cũng có người vào cung chưa bao lâu thì phải lãnh án tử.  

Vì một số quan niệm khi đó cho rằng, nếu chết theo Hoàng đế thì họ có thể sẽ được sang thế giới bên kia mà tiếp tục hầu hạ ngài. 

(Ảnh minh họa) 

Như Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương sau khi chết có tới 40 phi tần chôn theo ông, thời Minh Thành Tổ thì 30 cung phi phải bỏ mạng. Hay tại các triều đại trước thời Tần Hán, phong tục này ngày càng phổ biến và thịnh hành. 

Phương thức tuẫn táng chủ yếu của các cung phi là tự treo cổ, tuyệt thực, nhưng những điều này ít thấy ghi chép trong chính sử Trung Quốc. Tuy vậy, trong cuốn "Lý triều thực lục" của Triều Tiên đã ghi chép tỉ mỉ toàn bộ quá trình "tự sát" tập thể của các phi tần tuẫn táng theo Minh Thành Tổ. 

(Ảnh minh họa) 

Ngày Mậu Ngọ, tháng 10 năm Minh Vĩnh Lạc thứ hai mươi hai, hơn ba mươi phi tần được lựa chọn để tuẫn táng dùng cơm tại ngoài điện, sau đó được đưa vào trong điện, lúc này "tiếng khóc của các cung nữ rung cả cung điện".  

Trong điện đặt hơn ba mươi chiếc "giường gỗ nhỏ", những phi tần bị buộc đi vào cõi chết đó được lệnh đứng lên giường gỗ, trên đỉnh đầu họ là những sợi dây thừng để tự treo cổ đã chuẩn bị sẵn, "chui đầu vào cái vòng, đạp đổ giường, rồi nghẹt thở mà chết". 

Theo Min/Trí Thức Trẻ

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bí quyết phối đồ 'hack' thêm vài tuổi cho nàng U30