Bất đồng quan điểm với sếp, bạn nên làm gì?
Tin liên quan
Để giúp bạn tránh gây mâu thuẫn và tạo ấn tượng xấu trong mắt sếp, bài viết dưới đây xin mách bạn những cách ứng xử hợp lý khi nhận được phản hồi không mong muốn từ cấp trên.
Chờ đúng thời cơ, không “bật lại” ngay lập tức
Không ít người khi nhận được phản hồi tiêu cực từ sếp thường có xu hướng hành động ngay lập tức theo bản năng. Dù đúng hay sai, điều này cho thấy sự mất kiểm soát từ bạn và chỉ làm hình ảnh của bạn xấu đi trong mắt cấp trên. Tại thời điểm “gay cấn” này, hãy lắng nghe một cách khách quan và tiếp thu ý kiến từ sếp, đừng vội phản ứng. Như vậy, bạn sẽ tránh được việc để cảm xúc chi phối và bỏ lỡ nhiều thông tin quan trọng. Đó là lí do tại sao thái độ tích cực luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao ở các ứng viên tìm việc làm tại TPHCM cũng như các thành phố lớn khác.
Tuyệt đối không tảng lờ ý kiến của sếp
Sau khi nhận được “cái lắc đầu” từ sếp thì bạn tạm thời nên chấp nhận kết quả này chứ không nên tự ý làm, bất chấp sự phản đối của cấp trên. Dù bạn làm với mong muốn cống hiến cho tập thể thì kiểu hành xử này chỉ mang lại cho bạn nhiều điều bất lợi. Sếp sẽ cảm thấy không được tôn trọng và chắc hẳn khó có thể hài lòng với một nhân viên dám “qua mặt” mình. Mặt khác, đôi khi bạn đánh giá vấn đề chưa chắc đã toàn diện, đa chiều nên đừng vội cho rằng sếp thiếu sáng suốt hay “không có tầm”. Nên nhớ, để trở thành người quản lý, phần lớn mọi người phải trải qua quá trình trau dồi kỹ năng chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm. Vì vậy, bạn hãy bình tĩnh đánh giá lại vấn đề trước khi quyết định tiếp tục giữ vững quan điểm của mình bạn nhé.
Làm rõ phản hồi nếu cần
Mọi sự không rõ ràng đều dễ dẫn đến hiểu lầm, ảnh hưởng tiêu cực tới công việc và cả mối quan hệ đồng nghiệp, cấp dưới – cấp trên. Vì vậy, nếu cảm thấy bối rối, mơ hồ trước phản hồi của sếp, đừng ngại chủ động hỏi để được làm rõ. Hãy làm điều này một cách chân thành, thể hiện thái độ cầu thị chứ không phải chống đối. Nhờ đó, bạn có thể hiểu thấu đáo suy nghĩ của cấp trên đồng thời dễ dàng tìm ra nút thắt gây ra bất đồng quan điểm.
Khéo léo bày tỏ quan điểm
“Im lặng là vàng”, nhưng không phải lúc nào sự im lặng cũng là giải pháp tốt nhất, thậm chí cứ cố chịu đựng còn có thể làm tình hình tệ đi. Một người sếp tốt chắc chắn sẽ cố gắng lắng nghe ý kiến của nhân viên dưới quyền để giải quyết vấn đề hiệu quả nhất. Trước hết bạn hãy tỏ ra đồng tình với một số điểm trong phản hồi của cấp trên, bởi họ luôn có lý do để đưa ra ý kiến đó! Tiếp theo, hãy bình tĩnh và trình bày một cách rõ ràng, cụ thể những gì bạn muốn cấp trên xem xét. Hãy cho họ thấy rằng, bạn không phải đang tranh cãi hay cố giành phần thắng về mình, mà mục đích của cuộc thảo luận là vì công việc, vì lợi ích chung của đội nhóm.
Việc lựa chọn thời điểm cũng là yếu tố quan trọng. Hãy để ý lúc sếp đang có tâm trạng thoải mái và không quá bận rộn để trao đổi, cuộc nói chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp hơn.
Biết đâu là điểm dừng
Nếu bạn đã làm tất cả mọi cách có thể nhưng sếp vẫn giữ ý kiến của mình là không chấp nhận đề xuất hay quan điểm của bạn, hãy cho qua. Đừng cố tình nài nỉ hay tỏ thái độ “không phục” bởi điều đó cho thấy bạn là một người cố chấp, khó thích nghi với hoàn cảnh hoặc có vấn đề về “cái tôi”. Hãy tiếp tục làm tốt công việc của mình, chứng minh năng lực bản thân và tạo dựng niềm tin đối với sếp. Theo thời gian, các ý kiến của bạn sẽ ngày càng “có trọng lượng” và được sếp lưu ý hơn.
Trên đây là 5 lưu ý nhằm giúp bạn biết cách hành xử tinh tế khi không bất đồng quan điểm với sếp. Hãy nhớ rằng bất đồng theo hướng tích cực sẽ giúp ích công việc, và bạn đang đóng góp cho công ty cũng như sự phát triển bản thân bằng cách trình bày ý kiến một cách thuyết phục.
Hà Phương
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất