Bánh ngỗng, bánh uôi xưa vào “thực đơn” Tết Hàn thực khiến chị em công sở “ngơ ngác đi tìm tên bánh"

2018-04-18 10:46
- Ngoài bánh trôi bánh chay, dịp Tết Hàn thực còn có cả một số món bánh nghe tên đã khiến chị em công sở ngơ ngác, không thể nhịn cười như bánh ngỗng, bánh uôi.

Ngơ ngác “đi tìm tên bánh ngỗng”

Lần đầu tiên chị Thu Hà (nhân viên văn phòng tại Q. Cầu Giấy, Hà Nội) nhắc đến tên “bánh ngỗng”, cả văn phòng đều ngơ ngác chẳng hiểu “bánh ngỗng là gì?”.

Ở quê chị Hà, bánh ngỗng là món ăn rất phổ biến trong dịp Tết Hàn thực. Tết Hàn thực nào cũng vậy, mẹ chị đều làm bánh trôi, bánh ngỗng để thắp hương các cụ.

Bánh ngỗng, bánh uôi xưa vào “thực đơn” Tết Hàn thực khiến chị em công sở “ngơ ngác đi tìm tên bánh

Bánh ngỗng không chỉ lạ tai mà còn là món ăn tuổi thơ của nhiều người. 

Với chị, chiếc bánh ngỗng không chỉ là một món ăn ngon mà còn là món ăn của tuổi thơ. Chị nhớ những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi chị mới lên sáu, bảy tuổi, cứ Tết Hàn thực là cả xóm í ới gọi nhau tập trung tại một nhà trong xóm để xay gạo nếp. Gạo xay bằng cái cối đá to lật lù, sau đó bà và mẹ sẽ khiêng chậu bột về cho vào túi vải, treo lên qua một đêm cho róc nước, hôm sau là có thành phẩm bột nếp trắng tinh, dẻo mịn.

Bột nếp đó làm được rất nhiều thứ bánh, nào bánh trôi, bánh chay, bánh nhót ngọt lịm vị mật đường. Thứ bánh khiến đứa trẻ nào cũng mong chờ chính là bánh ngỗng. So với các loại bánh, bánh ngỗng được làm vô cùng cầu kỳ.

Không biết ai đã “sáng lập” ra loại bánh này, chỉ biết rằng ở quê chị, các bà các mẹ truyền nhau làm bánh ngỗng từ đời này sang đời khác. 

Bánh ngỗng, bánh uôi xưa vào “thực đơn” Tết Hàn thực khiến chị em công sở “ngơ ngác đi tìm tên bánh

Đậu xanh đồ nhuyễn, rây mịn để làm nhân bánh ngỗng. 

Hành khô bóc, thái nhỏ. Thịt ba chỉ thái hạt lựu để giữ nguyên vị béo của thịt. Thịt rang với nước mắm, phi hành thơm đổ vào, nêm chút hạt tiêu cho “thơm điếc mũi hàng xóm”. Đậu xanh đồ lên, giã nhuyễn. Sau đó trộn hỗn hợp đậu xanh, thịt ba chỉ, hành khô với nhau, nặn thành từng viên tròn xinh xinh.

Công đoạn nặn bánh ngỗng đòi hỏi bàn tay khéo léo của người phụ nữ trong gia đình. Nếu vỏ bánh quá mỏng thì bánh sẽ bị bục, nát. Nhưng nếu vỏ bánh quá dày thì bánh ngỗng sẽ khó chín, thậm chí ăn bứ cổ, chóng ngán.

Bánh ngỗng, bánh uôi xưa vào “thực đơn” Tết Hàn thực khiến chị em công sở “ngơ ngác đi tìm tên bánh

Cảm giác đi học về, bụng đói cồn cào, bánh ngỗng vừa luộc vớt ra nóng hổi sẽ khiến cả năm giác quan phát huy cao độ. Mắt hau háu nhìn đĩa bánh bốc hơi nghi ngút. Những đứa trẻ chỉ chờ có cái bánh ngỗng chẳng may vỡ ra là được mẹ cho ăn ngay. Bánh ngỗng chín là vớt ngay ra nước lạnh, rồi bỏ lên đĩa hoặc nếu gói trong lá chuối thì có thể để được vài hôm.

Sau này công việc bận rộn, nhà lại có ít người, cộng với dịch vụ làm bánh ngỗng gần như có quanh năm nên gia đình chị không còn giữ được thói quen làm bánh ngỗng như trước kia. Thế nhưng với chị, cảm giác mong ngóng đến ngày Tết Hàn thực, được cùng cả nhà quây quần bên đĩa bánh thơm thảo thì vẫn vẹn nguyên.

“Khi tôi nhắc đến tên bánh ngỗng, đồng nghiệp nào cũng mắt tròn mắt dẹt không hiểu đây là bánh gì, làm thế nào? Có người thắc mắc bánh làm từ thịt ngỗng?”, chị Hà kể. Chẳng thế có Tết Hàn thực chị đã mang lên văn phòng tới 8 đĩa bánh ngỗng để các chị em thưởng thức “thả ga”. Chị em còn rủ nhau làm bánh trôi vào buổi trưa, chỉ có vài cái bánh mà làm nhộn nhịp cả văn phòng.

Nghe tên đã “không thể nhịn cười”

Chị Ngô Thị Hòa (Q. Tây Hồ, Hà Nội) đã khiến chị em chốn văn phòng “không thể nhịn cười” khi chị kể về món “bánh uôi” quê chị hay làm vào dịp Tết Hàn thực. Một cái tên vừa nôm na, vừa…khó hiểu. Có người tủm tỉm gọi là “bánh tình yêu”, bánh của đôi lứa.

Chị Hòa cũng không rõ xuất phát từ đâu bánh lại có tên “buồn cười” như vậy. Nhưng nếu một lần thưởng thức bánh uôi thì sẽ nhớ mãi. Đầu tiên là chuẩn bị bột, gạo nếp càng dẻo thì bột càng ngon, chiếc bánh sẽ càng mịn màng, dẻo thơm.

Bánh ngỗng, bánh uôi xưa vào “thực đơn” Tết Hàn thực khiến chị em công sở “ngơ ngác đi tìm tên bánh

Bánh uôi gây tò mò cho người lần đầu nghe tên của nó. 

Nhân bánh gồm thịt lợn ba chỉ đã tẩm ướp gia vị, đậu xanh đã tách vỏ, tất cả trộn đều với nhau. Lá gói bánh là lá chuối tây để đảm bảo độ dẻo và thơm cho bánh.

Sau khi gói xong, người ta xếp đều bánh uôi vào chõ, hấp cách thủy cho bánh chín đều trong 45 – 60 phút rồi bắc xuống, cho bánh ra mẹt cho ráo nước.

Muốn ăn loại bánh này, người ta phải khéo léo bóc từng lớp lá. Bánh hao hao giống bánh nếp, bánh ngỗng nhưng mỗi loại bánh đều có một phong vị riêng, không thể trộn lẫn.

Cứ Tết Hàn thực là cả văn phòng chị Hòa lại rủ nhau liên hoan. Ai có bánh gì thì góp loại bánh đó, người đĩa bánh trôi, người bánh chay. Còn chị Hòa năm nào cũng có “đặc sản” bánh uôi. Chị em vừa thưởng thức bánh trái, vừa ôn lại kỷ niệm Tết Hàn thực thời xưa cũ.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những cặp sao Việt có tướng phu thê: Hà Hồ - Kim Lý chưa phải số 1