Bằng Đại học “cất tủ”, nữ cử nhân thu nhập không dưới 30 triệu/tháng nhờ bán đồ ăn vặt vỉa hè
Tin liên quan
Lối đi trong cơn mông lung tìm việc của cô cử nhân trẻ
Chị Mai Thùy Hương, sinh năm 1988, chủ quán 1 quán trà đá ở Q. Hà Đông, Hà Nội hẹn gặp chúng tôi phỏng vấn lúc 19h tối. Lý do bởi một ngày làm việc của chị Hương luôn kết thúc vào lúc 2h sáng. Cho nên, ban ngày chị phải “ngủ cho lại sức”, còn buổi chiều đi chợ, chuẩn bị cho buổi tối bán hàng. Chỉ có khoảng thời gian lúc 18 - 19h tối, khi quán chưa có nhiều khách, chị mới rảnh rang một chút để trò chuyện.
Chị Mai Thùy Hương, nữ cử nhân "cất tủ" bằng Đại học để mở quán ăn vỉa hè và kinh doanh thành công.
Chị hài hước bảo, “lãi” lớn nhất mà chị nhận được sau 6 năm bán quán ăn vỉa hè là người “ngót” được chục cân, có thân hình như mong muốn và tính cách trở nên cởi mở, nói nhiều.
Chị Hương cảm thấy mình đã có một cú “lột xác” cực ngoạn mục với công việc kinh doanh trà đá, đồ ăn vỉa hè.
Mùa đông cũng là cơ hội kinh doanh những món ăn vỉa hè "ấm dạ" như ốc xào, nem chua rán...
“Khi còn là sinh viên năm thứ nhất, năm hai trường Đại học Lao động Xã hội, tôi sống khép mình, tự ti kinh khủng vì thân hình quá béo. Cuộc sống của tôi chỉ loanh quanh từ nhà đến trường, không mở rộng mối quan hệ bạn bè, không có kỹ năng giao tiếp. Bản thân tôi thời điểm đó cũng rất mông lung vì ai cũng nói học trường này ra trường rất khó xin việc”, chị Thùy Hương kể.
Thời điểm đó, trào lưu uống trà chanh nổi lên trong giới trẻ tại Hà thành. Chị Thùy Hương nhận thấy ở khu dân cư nhà chị vẫn chưa có quán trà chanh nào. Tận dụng ưu thế nhà ngay mặt đường, gần khuôn viên của khu dân cư đông người qua lại, Thùy Hương đã nảy ra ý tưởng mở quán trà chanh nhỏ để có thêm thu nhập.
Ban đầu, Thùy Hương chỉ coi mở quán trà chanh là “kiếm thêm” trong một vài tiếng đồng hồ nhàn rỗi buổi tối. Tuy nhiên, sau một thời gian, quán trà chanh lại trở thành thu nhập chính nuôi sống cả gia đình.
Tốt nghiệp Đại học Lao động xã hội, Thùy Hương đã quyết định cất bằng Đại học vào tủ, không đi xin việc văn phòng và quyết định đi theo con đường bán đồ ăn vỉa hè mình đang đi.
“Tôi không cổ xúy việc bỏ ngang Đại học. Học vấn vẫn rất cần thiết. Dù ra trường có làm trái ngành trái nghề hay đi bán quán vỉa hè thì học vấn cho người ta tư duy quản lý, tầm nhìn rộng hơn và cách ứng xử có văn hóa, hiểu tâm lý khách hàng”, Thùy Hương chia sẻ.
Đông khách, lãi lớn nhờ chăm chút từng chi tiết nhỏ
Vốn yêu thích pha chế nên chị Thùy Hương rất chịu khó mày mò để ra nguyên liệu đảm bảo và công thức pha đồ uống ngon miệng. Từ chỗ chỉ có trà chanh, trà đá, quán vỉa hè của chị đã có gần một trăm đồ uống khác nhau như trà sữa, nước ép, sữa chua các vị…
Quán vỉa hè của chị Hương lúc nào cũng đông khách do thực đơn phong phú và giá cả hợp lý.
Nhận thấy đối tượng khách hàng ở khu vực chị sinh sống còn có cả dân lao động, các gia đình, nên từ chỗ chỉ quanh quẩn các món ăn vặt dành cho tuổi teen như ốc luộc, nem chua rán, chị Hương đã mở rộng thực đơn theo hướng combo ăn uống cho gia đình như lẩu nướng, lẩu thập cẩm đồng giá chỉ 200.000 đồng, ship “tận giường” nếu khách có nhu cầu.
Combo lẩu chỉ 200.000 đồng nên nhiều gia đình thích ra quán chị "đổi gió" mỗi tối.
Để “đổi vị” cho khách, chị biến tấu món ốc, ngao luộc hấp đơn thuần thành ốc xào, ngao xào nước sốt đặc thù kiểu Hàn Quốc. Mới đây, chị Hương còn kết hợp với đầu bếp của một trang trại thực phẩm sạch để cung cấp thực phẩm, đồ ăn sạch cho cửa hàng như gà quay ngũ vị, xúc xích, giò tai…
Với chiến lược kinh doanh đồ “vừa ăn vừa uống” bài bản, phong phú như thế, dù mùa đông hay mùa hè thì lượng khách đến với quán chị vẫn đông, không có “độ vênh” lớn giữa hai mùa trong năm.
Dĩ nhiên trên hành trình xây dựng thương hiệu của quán, chị Hương cũng vấp phải những bài học “đau thương” như bị khách bỏ đi ngay chỉ vì nhân viên bận túi bụi, không phục vụ kịp; có nhiều lần nhập đồ ăn về không bán được, phải đổ đi rất nhiều vì tính toán sai sở thích ăn uống của khách... Mỗi lần vấp như thế là một lần chị đúc kết kinh nghiệm và bung ra những ý tưởng mới.
Ước mơ của chị Hương từ khi mở quán là xây dựng mô hình khách đến ăn uống, hát cho nhau nghe. Mới đây, ước mơ đó mới thành hiện thực. Chị sắm thêm máy chiếu, màn chiếu để khách xem bóng đá, chiếu phim, video vui chúc mừng sinh nhật khách.
Máy chiếu để xem phim, bóng đá, hát karaoke, wifi là thứ không thể thiếu để quán vỉa hè "giữ chân" khách hàng quen.
“Điểm trừ duy nhất của quán là nằm trong ngõ sâu. Nhưng với văn hóa “truyền tai” qua Facebook, tôi cho rằng chỉ cần đồ ăn ngon, sạch, giá hợp lý thì dù điểm trừ đó không thành vấn đề. Dù quán lớn hay nhỏ, bình dân vỉa hè hay nhà hàng thì cũng đều cần có wifi để phục vụ thú vui check - in của khách”, chị Hương nhận định.
Tổ chức sinh nhật cho khách hàng bằng bằng việc chiếu một video vui vẻ. Hành động nhỏ nhưng ghi "điểm cộng" rất lớn trong lòng khách.
Để giữ giá cả ổn định, chị Hương chỉ thuê thêm một người làm. Chị vừa là chủ vừa kiêm…nhân viên pha chế, nhiều khi kiêm cả chạy bàn.
Một ông Tây balo tình cờ ghé qua quán.
Sau 6 năm bán quán vỉa hè, chị Hương nhận ra một sự thật thú vị là không chỉ có cánh mày râu, chị em cũng…nhậu rất nhiều.
Đi học, đi làm áp lực - nhậu. Thất tình - cũng nhậu. Họp lớp - rủ nhau nhậu. Nhậu xong là có văn hóa chia tiền, mỗi người vài hết chục ngàn đồng, không ai phải “bao” cả nhóm.
Thông báo món mới trên Facebook và biển quảng cáo của quán là việc làm mỗi ngày.
“Nếu có chiến lược kinh doanh và thực sự đam mê thì quán vỉa hè cũng có thể đem lại thu nhập rất tốt cho giới trẻ”, chị Hương nói. Làm việc chân tay tuy khá mệt nhưng chị cảm thấy đầu óc luôn thoải mái và dồi dào cảm hứng, ý tưởng mới.
Chị Hương không ngại tiết lộ mỗi buổi tối, chị có thể lãi trung bình 1 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Có buổi thu nhập hơn thế. Tính ra, tổng thu nhập mỗi tháng từ quán vỉa hè của chị có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba lần lương một nhân viên văn phòng dày kinh nghiệm
Thu Hà (Ảnh: NVCC)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất