Gian bếp 12 mét vuông đẹp từng centimet lại vô cùng tiện lợi cho trẻ nhỏ của bà mẹ 2 con
Tin liên quan
Căn bếp là linh hồn của căn nhà
Trong căn nhà có diện tích 93.93 m2, chị Thu Trang (38 tuổi) dành 12m2 để xây dựng không gian bếp cho gia đình. Công việc chính của chị Trang là quản lý một spa thẩm mỹ, chăm sóc chồng, hai con cùng hai chú mèo xinh xắn.
Cũng như phần lớn chị em phụ nữ, căn bếp với bà mẹ hai con là nơi cho chị nhiều nguồn cảm hứng. Gian bếp cũng là không gian được chị Trang gửi gắm nhiều tâm huyết và được chị coi là linh hồn của căn nhà. Vì với chị, đây là nơi cả gia đình gắn kết với nhau thông qua bữa ăn ngon.
Ngoài công việc bận rộn ở spa, hàng ngày việc dọn dẹp, nấu nướng cho chồng và các con những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng chính là thời gian giải trí và thư giãn của chị Thu Trang. Cũng vì lẽ đó, việc thiết kế, bài trí và chăm chút cho không gian 12m2 luôn được chị tỉ mỉ trong từng ngóc ngách.
Chị Trang chia sẻ với Emdep.vn: “Đối với mình một căn bếp được bố trí công năng hợp lý theo luồng công việc, không chi tiết thừa thãi và có cảm giác ấm cúng sẽ thích hơn là một căn bếp trống trơn không có gì mà giấu kín vào trong. Một căn nhà mà sạch sẽ tối giản quá đôi khi sẽ thiếu mất hơi ấm và sự đời thường”.
Xuất phát từ quan điểm này, chị Trang chú trọng vào việc mua sắm đầy đủ các thiết bị hiện đại có tính ứng dụng cao cho căn bếp. Theo chị, căn bếp có đầy đủ thiết bị hiện đại là điều được chị ưu tiên hơn hết. Với khối lượng công việc lớn, đây là cách giúp chị Trang tiết kiệm tối đa thời gian cho việc nấu nướng, đồng thời đạt hiệu quả cao khi chế biến thức ăn. Chị Trang bật mí, chị thường có thói quen phân luồng công việc, bố trí hợp lý theo thói quen nấu nướng cũng giúp quá trình vào bếp trở nên linh hoạt và nhanh gọn hơn.
Bà mẹ hai con cho rằng, mỗi căn bếp nên được thiết kế dành riêng cho căn nhà và chủ nhân, không nên trở thành sự sao chép từ nhà này sang nhà khác theo một khuôn mẫu nhất định. Không gian bếp với chị là nơi thể hiện tính cách, sở thích và thẩm mỹ riêng của chủ nhà, đây cũng là nơi để người phụ nữ được thể hiện sự khéo léo, đảm đang với chồng và các con.
Trong bếp, phần thiết kế tủ bếp là điều khiến chị Thu Trang bỏ ra nhiều công sức để tìm hiểu, chọn lựa. Chị Trang cho biết: “Mình thấy hầu hết mọi người khi thiết kế tủ bếp đều để ngăn tủ bát đĩa ở trên bồn rửa và có cánh tủ nâng lên bằng pit tông. Lý do đầu tiên chắc là vì để tiện úp bát lên tủ sau khi rửa xong. Lý do thứ hai chắc là vì thiết kế nào cũng làm như vậy. Tuy nhiên mình thấy đây là một thiết kế dở tệ.”
Theo quan điểm của chị Trang, thiết kế tủ bếp cũ cần hệ thống tay nâng thuỷ lực nhằm phù hợp với chiều cao của phụ nữ Việt. Hệ thống này nếu chất lượng cao sẽ có giá tiền khá đắt đỏ, còn nếu không đủ chất lượng sẽ không được bền.
Ngoài ra, tủ bếp trên bồn rửa không tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em trong gia đình. Khi các con có nhu cầu lấy bát đĩa phần lớn phải nhờ người lớn hoặc phải kê ghế để leo lên lấy rất bất tiện. Do đó, khả năng tự phục vụ của các con cũng bị hạn chế đi đặc biệt với các bé từ 3-8 tuổi đang trong độ tuổi học kỹ năng.
Một số hệ tủ để bát làm đáy hở để nước nhỏ từ rack phơi xuống gây rỉ sét mất thẩm mỹ. Tủ không kín còn khiến có cảm giác không sạch sẽ vì bụi và côn trùng vẫn có thể dễ dàng xâm nhập.
Từ những yếu điểm của việc thiết kế tủ bếp theo cách truyền thống, chị Thu Trang đã lựa chọn một kiểu tủ bếp mới mẻ, hiện đại và tiện lợi cho gia đình. Vừa đáp ứng nhu cầu của một người phụ nữ duy mỹ, vừa gọn gàng, sạch sẽ và đặc biệt là giúp các thành viên trong gia đình sử dụng tiện lợi.
Bí kíp “giấu” đồ bếp, tạo không gian để con giúp bố mẹ việc nhà
Căn bếp của gia đình chị Trang được thiết kế dựa trên cảm hứng từ những căn nhà farmhouse ở bên Mỹ và Châu Âu. Ngoài học hỏi từ các bản thiết kế, bà mẹ hai con vẫn thay đổi để phù hợp với đặc trưng nhà chung cư có diện tích hạn chế.
Chị lựa chọn style modern farmhouse, tủ được đóng theo quy cách 2 lớp gỗ, thùng tủ bằng MFC phủ veneer vân sồi, sau đó ốp mặt ngoài bằng gỗ MCF sơn inchem. Với cách thiết kế này sẽ giúp cho mặt ngoài của tủ hoàn toàn không có vết đinh, tủ nhìn dày dặn, chắc chắn. Khi tủ đóng theo từng module nên đổi màu mặt tủ ngoài hay đổi bố cục cũng dễ dàng tháo ra mà không làm ảnh hưởng nhiều đến cốt gỗ. Ngoài ra, để căn bếp trở nên sáng và nổi bật chị Trang ưu tiên sơn Inchem theo tone màu trắng ngà và ghi sữa, phối hợp cùng màu nâu be sáng của màu gỗ sồi Mỹ.
Đặc biệt, chị thiết kế phần tủ bếp kín phối hợp với phần đợt hở. Phần hở sẽ dành cho những vật dụng và gia vị thường xuyên sử dụng. Còn phần kín thì mỗi ngăn có một chức năng riêng. Hệ thống ngăn kéo bằng thùng tủ gỗ chỉ cần mua ray giúp căn bếp trở nên gọn gàng và linh hoạt, người già người trẻ đều tiện sử dụng, không lo đổ vỡ bát đũa.
Dao thìa dĩa đều được chị Trang phân loại gọn gàng vào các ngăn. Khi lấy và cất không mất thời gian để lục lọi, tìm kiếm. Chị cho biết thêm: “Vì có con nhỏ nên mình ưu tiên để bát đũa thìa dĩa ở phần tủ bếp dưới để các con tự phục vụ. Nồi niêu, máy móc nặng cũng để ở tủ dưới. Những phần máy móc, nồi đẹp thì để vào tủ kệ trưng bày. Còn các ngăn tủ trên cùng áp trần thì để các vật dụng ít sử dụng”.
Thông thường, mọi người đều sợ làm bếp hở sẽ bị bừa bộn, nhưng theo mẹ đảm thì ngược lại vì thường xuyên nhìn thấy nên bản thân sẽ có ý thức dọn dẹp, lau chùi sao cho sạch sẽ và đẹp mắt. Đây cũng là cách giúp căn bếp của gia đình chị Trang lúc nào cũng gọn gàng, sáng loáng.
Giữ gìn để sở hữu một căn bếp đẹp hay căn nhà đẹp khiến các thành viên trong gia đình chị Trang luôn cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi ở trong nhà và khi giới thiệu với mọi người. Chính không gian ấm cúng, gọn gàng là “cái cớ” khiến cả nhà đi đâu cũng chỉ mau chóng muốn trở về. Chị Trang hào hứng chia sẻ: “Việc duy trì thói quen sắp xếp đồ ngăn nắp nên thấy các con hay chồng thấy bẩn là không chịu được nên sẽ luôn dọn dẹp khiến nhà luôn trông như mới”.
Chính nhờ những hành động nhỏ và ý thức giữ gìn ngôi nhà và khu bếp chung nên gia đình chị Trang luôn nhận được nhiều lời khen của mọi người vì sự xinh xắn và ấm cúng. Những năm trước, vào các dịp lễ Tết mẹ đảm và các thành viên thường hay trang trí theo các chủ đề. Tuy nhiên, một năm trở lại đây chị Trang chỉ điểm xuyết rất ít để tạo không khí, điểm nhấn chứ không trang trí nhiều, tránh rườm rà và tốn kém.
Có lẽ với chị Trang, căn nhà là mái ấm và căn bếp là nơi gắn kết gia đình và tràn đầy cảm hứng, tình yêu thương. Trong căn nhà ấy, cuộc sống và sinh hoạt của bố mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các con, giúp hình thành tính cách, thói quen và nếp sống, tư duy thẩm mỹ của các con sau này. Bởi vậy, việc xây dựng một môi trường sống tiện ích và đẹp cũng là tạo nên những kỷ niệm đẹp hay những nền tảng đẹp cho con trẻ.
Phương Nga
Ảnh: NVCC
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất