Cựu chiến binh biến rác thành phân hữu cơ, bà con nông dân phấn khởi năng suất tăng gấp 3-4 lần
Người đàn ông mơ ước về môi trường sống xanh
Ở tuổi 72, thay vì tận hưởng cuộc sống nhàn hạ, sum vầy bên con cháu, ông Nguyễn Hữu Hoạch vẫn tất bật công việc của một Giám đốc hợp tác xã. Sinh ra và lớn lên ở quê hương Thái Bình, nhưng từ lâu ông đã coi Tuyên Quang là quê hương thứ hai của mình. Năm 1972, ông Hoạch tham gia nhập ngũ và công tác tại Trung đoàn 246 đóng quân ở Tuyên Quang. Đến năm 1976, rời quân ngũ, ông về làm công nhân tại Xí nghiệp Mỏ địa chất chịu lửa Tuyên Quang. Sau một thời gian công tác, đến năm 1990, ông Hoạch xin nghỉ làm tại xí nghiệp.
Ông Hoạch chia sẻ với Emdep.vn: “Tuyên Quang là mảnh đất gần gũi và dễ làm ăn, sau cùng tôi quyết định ở lại đây và xây dựng gia đình. Tuy nhiên, tôi thấy địa phương nổi cộm hai vấn đề là vận tải và môi trường”.
Được biết thời điểm năm 1990, trong lĩnh vực giao thông vận tải, Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn, chưa phát triển. Trong khi đó, nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của người dân khá lớn. Ngoài ra, một số khu vực trên địa bàn thị xã Tuyên Quang, huyện Yên Sơn, đặc biệt là các khu vực họp chợ có số lượng rác thải lớn nhưng chưa có đơn vị nào làm nhiệm vụ vệ sinh.
Qua thực tế địa phương, ông Hữu Hoạch quyết định vận động một số các anh em xuất quân ngũ góp vốn để xây dựng HTX. Năm 1995, HTX Vận tải số 6 được thành lập, đến năm 2002 đổi tên thành HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình, với hai ngành nghề kinh doanh chính là vận tải và vệ sinh môi trường. Thời gian đầu thành lập, ông Hoạch cùng đồng đội mua được 5 chiếc công nông thực hiện thu gom rác thải ở vùng tương đối rộng. Một thời gian sau, xe chuyên dụng được HTX Thanh Bình sử dụng thay thế công nông phục vụ gom rác giúp người dân trong hơn 10 xã, phường và hơn 400 hộ gia đình.
Nhớ lại thời gian đầu ông Hữu Hoạch nói: “Khó khăn nhất là thay đổi nhận thức của người dân. Nói thu gom rác thải là họ không đồng ý, khoanh vùng bãi tập kết rác cũng không nhận được sự ủng hộ. Khi đó tôi phải nhờ đến cán bộ xuống địa bàn các thôn, bản để họp, phân tích cho người dân thấy tác hại của môi trường đối với sức khỏe. Từ đó, họ nhận thức được và cũng tham gia rất nhiệt tình”.
Theo chia sẻ của ông Hoạch, HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình chỉ thu đủ mức phí vận chuyển rác đến nơi tập trung xử lý. Ở các điểm dân cư tập trung, ông cho đặt các thùng rác và thường xuyên tuyên truyền vận động mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo thành thói quen cùng thu gom rác.
Để vấn đề thu gom rác đạt được hiệu quả cao hơn, HTX quyết định lập nhà xưởng chế biến nhựa phế thải vào năm 2012 với mục đích giảm việc chôn lấp rác thải và tạo thêm việc làm cho lao động.
Đến nay, HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình đã trang bị 1 máy tái chế nhựa phế thải, 1 máy giặt bao tải, 1 máy xeo giấy, 4 xe ô tô chở rác và 5 xe điện đi vào các ngõ ngách, thôn, bản để thu gom rác thải của người dân. Trung bình mỗi ngày HTX thu gom trên 30 tấn rác trên địa bàn TP Tuyên Quang và huyện Yên Sơn.
Ý tưởng phân loại rác thải, biến rác thành phân hữu cơ
Không dừng lại ở việc đi thu gom rác thải, ông Hoạch lên ý tưởng và tuyên truyền cho nhân dân thực hiện phân loại rác. Theo đó, rác vô cơ được ông Hoạch thu về, sau đó đem đi tái chế lại gửi về miền xuôi để làm các công đoạn tiếp theo. Còn rác thải hữu cơ ông ủ thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng, cây ăn quả.
Ông Hoạch cho hay, sau khi bà con được hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ từ rác thải mang lại hiệu quả rất tốt trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế, nếu như trước đây mỗi củ sắn trọng lượng 1 đến 2kg thì từ khi áp dụng phương pháp ủ phân hữu cơ từ rác mỗi củ sắn đã tăng lên 3 đến 4 kg, năng suất gấp ba, gấp bốn lần. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, năng suất cao và đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.
Với ý tưởng này của ông Hoạch, người nông dân ở địa phương phấn khởi, truyền tai nhau bí kíp ủ phân của người cựu chiến binh, nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch.
Vừa qua, Trung ương hội cựu chiến binh Việt Nam đã mời ông Hoạch thuyết trình ở 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng về ý tưởng ủ rác thành phân hữu cơ và được triển khai thực hiện rất tốt. Nhắc đến điều khiến bản thân cảm thấy tự hào nhất, ông Hoạch nhắc đến phân hữu cơ ủ từ rác sẽ được đưa vào thành phân bón cho chè Bát Tiên.
“Điều tôi vui nhất là ý tưởng của mình đã trở nên thiết thực, người dân sử dụng nhiều và có hiệu quả. Môi trường nông thôn ngày càng khởi sắc rồi, đường hoa, các cái đường làng ngõ xóm sạch bản thân tôi cũng thấy rất phấn khởi”, ông Hoạch nói.
Với những đóng góp to lớn trong vấn đề môi trường tại Tuyên Quang, ông Nguyễn Hữu Hoạch là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022. Bên cạnh đó, HTX vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình đã nhận được nhiều danh hiệu, bằng khen từ các cấp ban ngành.
Trong thời gian tới, ông Hoạch cùng HTX Thanh Bình sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu cốt lõi. Ngoài ra, HTX sẽ hướng tới để thực hiện tốt hơn việc phân loại rác thải và sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật, kinh tế với các địa phương có nhu cầu. “Nếu địa phương cần vật tư, dụng cụ, xe cộ hoặc là thùng rác tôi và HTX sẽ hỗ trợ để tới các cái vùng sâu, vùng xa, các vùng mà chưa được phổ biến thì chúng sẽ sẵn lòng để tuyên truyền trực tiếp cho bà con hiểu biết được về vấn đề tác hại của môi trường rác thải đối với cuộc sống của nhân dân”, ông Hoạch bày tỏ.
Phương Nga
Ảnh: NVCC
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất