Mẹ đảm khéo tay tự may chăn chần vải Quilt từ quần áo cũ, truyền cảm hứng bảo vệ môi trường
Tin liên quan
Trong một bài viết mới đây chia sẻ trên một hội nhóm, Nguyễn Ngọc Tiểu Ni (33 tuổi, Đà Lạt) đã nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng không chỉ vì sự sáng tạo, khéo léo mà còn xuất phát từ việc làm nhân văn. Theo đó bài viết chia sẻ về chiếc chăn chần vải Quilt (ghép vải) được nâng cấp từ quần áo cũ được Tiểu Ni thực hiện thủ công.
Ni cho biết chiếc chăn này được cô làm khoảng 5 tháng do công việc khá bận rộn, chỉ thỉnh thoảng cô mới mang ra làm một chút. Sau khi hoàn thiện chiếc chăn Ni quyết định giữ lại để tặng cho con gái, theo cô chiếc chăn là kỷ niệm đáng nhớ với hai mẹ con.
Chia sẻ về ý tưởng tái chế của mình, mẹ đảm cho biết tại nơi cô sinh sống có một tiệm cà phê thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nhân văn. Cứ vào cuối tuần, tiệm sẽ dành một góc “trung gian” - nơi mọi người có thể mang quần áo, giày dép, đồ cũ,... đến tặng và người cần có thể thoải mái đến lấy.
Trong một lần tình cờ, Tiểu Ni nhìn thấy có hai bạn nhỏ hân hoan, hò reo vui sướng khi phát hiện ra em gấu bông và món đồ chơi vừa được Ni xếp ra tặng, cô cho biết “lòng mình râm ran hạnh phúc”. Kể từ khoảnh khắc đó, cô cũng nhen nhóm suy nghĩ sẽ làm một món đồ thủ công, có giá trị từ quần áo cũ mọi người mang đến, truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Ni nói thêm: “Mình trộm nghĩ nếu người tặng đồ biết những món đồ họ cho đi được kéo dài vòng đời, tăng giá trị, lại góp phần bảo vệ môi trường, hẳn họ cũng sẽ vui như mình đã từng”.
Nghĩ là làm, mẹ đảm tự tay chọn lựa vài món quần áo cũ kỹ, từ nhiều loại vải khác nhau, bị bẩn hoặc rách vài chỗ. Sau đó, phối thành một tổng thể hài hòa, cân đối về màu sắc, bố cục, và thế là chiếc chăn chần vải Quilt ra đời.
Trong quá trình hoàn thiện chiếc chăn, việc kết hợp màu sắc để cho ra một chiếc chăn chần vải hoàn chỉnh được Ni thực hiện hoàn toàn ngẫu nhiên, theo gu thẩm mỹ của bản thân. Ni chia sẻ: “Gu thẩm mỹ khoảng 5% là bẩm sinh, 95% còn lại được bồi đắp theo thời gian. Vì vậy việc chọn vải, phối màu mình không cảm thấy có gì khó khăn, ngược lại lại cảm thấy rất thú vị.”
Nói thêm việc ý nghĩa của chiếc chăn mẹ đảm cho biết đây là chiếc chăn chần quilt đầu tiên bản thân làm và với mục đích truyền cảm hứng bảo vệ môi trường nên rất trân trọng. Sau chiếc chăn này Ni sẽ tiếp tục tự tay làm thêm chăn tặng người thân, bạn bè khi có thời gian.
Ngoài chiếc chăn chần vải, Tiểu Ni còn tự tay làm một số món đồ khác từ vải cũ. Ni kể: “Mình có chiếc đầm “secondhand”, không biết va quẹt vào đâu mà “bạn ấy” xuất hiện hai vết rách. Mình chợt nghĩ, làm thế nào để kéo dài vòng đời cũng như khai thác tối đa được công năng của “bạn ý” nhỉ? Thế là mình quyết định “upcycling”, “hô biến” chiếc đầm cũ trở thành những những món đồ mới hoàn toàn, xinh yêu, có giá trị hơn và góp phần nhỏ bảo vệ môi trường.”
Từ chiếc váy bị rách, cô đã tận dụng chiếc cổ áo thêu thêm vài cành hoa xinh xắn biến thành chiếc cổ áo rời cho con gái, phần vải lớn được ưu tiên làm túi xách, khăn ăn, phần vải nhỏ hơn Ni khéo léo làm gấu bông, lót gối, gối cắt kim, túi rút. Ngay cả những miếng vải vụn nhất mẹ đảm cũng tận dụng làm kẹp tóc, khuy áo,...
Ngoài chiếc đầm, Ni tiết lộ hầu như các nguyên liệu cô dùng đều là vật liệu tái chế như: bông gòn lấy từ chiếc gối cũ, dây ren trang trí trong hộp sản phẩm của M’lalin, dây ruy băng cột vỏ mền của Muji, chiếc chuông nhỏ trong hộp kẹo bạn tặng,…
Ni khẳng định, từ những vật liệu đơn giản, thêm một chút sáng tạo, một chút khéo tay và tình yêu môi trường là đã có thể nâng cấp giá trị và trao cho những sản phẩm cũ vòng đời mới.
Thông qua những việc làm của mình, mẹ đảm bày tỏ quan điểm: “Trong thời điểm trái đất đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngành thời trang đã chịu rất nhiều “tai tiếng” trong việc này vì có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nó đứng thứ hai trong việc gây ô nhiễm cho môi trường, chỉ sau ngành dầu mỏ.
Xét về khía cạnh môi trường, việc sử dụng các sản phẩm cũ và nâng cấp chúng khiến cho vòng đời của chúng được kéo dài, cũng khai thác tối đa được công năng của nó, từ đó hạn chế được rất nhiều các nguyên liệu thải ra trong quá trình sản xuất sản phẩm mới, giảm thiểu lượng lớn rác thải thời trang ra môi trường, góp phần giúp cho hành tinh của chúng ta trở nên xanh - sạch - đẹp.
Nghe có vẻ vĩ mô, nhưng nếu nhiều cá nhân, tổ chức có cùng tư tưởng và hành động thì mọi thứ đều có thể hiện thực hoá, mang lại hiệu quả rõ rệt. Mong việc làm nhỏ của mình có thể truyền cảm hứng và tình yêu môi trường cho mọi người.”
Trong đó, Tiểu Ni nhấn mạnh về việc “nâng cấp thay vì tái chế”, cô cho biết nhiều người hiểu lầm “upcycling” và “recycling” là một, tuy nhiên đây là hai khái niệm và phương thức tái chế khác nhau. “Recycling” (tái chế) có ý nghĩa là tái sử dụng hoặc tái sửa chữa một cái gì đã cũ để có thể sử dụng cho những lần sau. Trong khi đó, “upcycling” (nâng cấp) được hiểu là quá trình sáng tạo, chế tác đồ vật cũ trở thành một sản phẩm mới hoàn toàn, với tính thẩm mĩ cao và ứng dụng độc đáo hơn so với sản phẩm cũ.
Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ và tình yêu môi trường, Ni đang hàng ngày góp một phần nhỏ của mình truyền cảm hứng bảo vệ môi trường bằng việc làm thiết thực. Xuất phát từ điều này nên trong suốt 5 tháng tự tay may chăn chần vải Ni luôn cảm thấy thư giãn, tận hưởng khoảng thời gian đó.
Ni gửi gắm: “Hi vọng mình có thể truyền cảm hứng cho các bạn tạo ra những thứ tuyệt vời hơn trên nền tảng sẵn có và đem lại giá trị tốt hơn cho môi trường. Việc cho những thứ đã cũ có một “chuyến phiêu lưu” mới là một gợi ý tuyệt vời dành cho tất cả mọi người”.
Phương Nga
Ảnh: NVCC
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất