Tận dụng cốc nhựa và thùng xốp, nhóm bạn cùng khu trọ ở Hà Nội rủ nhau làm vườn tái chế trên cao

2024-05-30 10:05
- Từ những cốc nhựa cũ và thùng xốp đã qua sử dụng, các bạn sinh viên trong một khu xóm trọ ở Hà Nội cùng nhau bắt tay vào làm vườn trên cao, tạo chốn thư giãn xanh mát vỏn vẹn 20m2 nhưng đủ thoải mái, lại có rau sạch cho thu hoạch thường xuyên.

Cách đây 3 năm, trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, Đỗ Thảo (25 tuổi, quê Hải Dương) và 8 người bạn khác sống cùng trong một khu trọ nảy ra ý tưởng làm vườn trên sân thượng, trồng rau.

Thảo cho biết, khu trọ có hơn 20 phòng, nằm gần Học viện Nông nghiệp Hà Nội (Gia Lâm, Hà Nội). Sân thượng ở trên tầng 5, trước nay ít được sử dụng tới, chỉ thỉnh thoảng có vài thành viên trong khu lên tập thể dục.

Thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội tháng 8/2021, hầu hết các thành viên trong khu trọ đều về quê, chỉ còn số ít ở lại học tập, làm việc online. Ở trong phòng lâu ngày bí bách nên các bạn trẻ thường mang bàn ghế lên sân thượng trò chuyện, hít khí trời, tập thể dục. Và cũng từ đây, nhóm bạn nảy ra ý tưởng làm một vườn sân thượng để cải tạo không gian sống và lại có nguồn rau sạch tự cung tự cấp.

Tận dụng cốc nhựa và thùng xốp, nhóm bạn cùng khu trọ ở Hà Nội rủ nhau làm vườn tái chế trên cao

Toàn cảnh khu vườn sân thượng do nhóm bạn cùng khu trọ tự tay gây dựng từ các chai nhựa, thùng xốp tái chế.

Tận dụng cốc nhựa và thùng xốp, nhóm bạn cùng khu trọ ở Hà Nội rủ nhau làm vườn tái chế trên cao

Các chai nhựa dùng trồng rau thủy canh được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa tối ưu không gian.

Nghĩ là làm, cả nhóm bắt tay vào thực hiện. Một thành viên đại diện nhóm gọi điện xin phép chủ nhà và nhận được sự đồng ý ngay lập tức.

"Chỉ một vài ngày sau, tụi mình bắt tay vào thực hiện. Chúng mình tận dụng hầu hết là đồ có sẵn như thùng xốp, vỏ cốc nhựa, vật phẩm, phế liệu từ các công trình xây dựng cảnh quan của công ty một người anh trong khu trọ... Cần mua thêm gì thì chúng mình góp tiền mua", bạn Nguyễn Văn Tôn (sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - người phụ trách thực hiện "dự án" chia sẻ.

Khoảng sân thượng rộng khoảng 20m2, được thiết kế khoa học, ngăn nắp để tối ưu không gian và dễ sử dụng, trồng trọt. Nhóm bạn chọn làm vườn dưới dạng module với vật liệu trồng là cốc nhựa hoặc chai nhựa tái chế, được lắp ráp thẳng đứng để gia tăng diện tích trồng rau.

Tận dụng cốc nhựa và thùng xốp, nhóm bạn cùng khu trọ ở Hà Nội rủ nhau làm vườn tái chế trên cao

Ngoài trồng theo dạng module, nhóm bạn trẻ còn sử dụng chậu treo, chậu đất, tận dụng mọi lớp không gian để tăng diện tích trồng trọt và tạo nhiều khoảng xanh mát cho vườn.

Mỗi module có kích thước 1,5mx2m với 2 mặt. Khu vườn lắp ráp 2 module như vậy tương ứng với khoảng 600 hốc trồng.

Tùy từng loại rau mà các thành viên cũng áp dụng phương pháp trồng trọt khác nhau. Ví dụ, với các loại rau như xà lách, rau muống,… nhóm bạn lựa chọn trồng thủy canh. Còn một số loại rau cải, cây lá mè Hàn Quốc, rau gia vị… thì được trồng trong chậu đất.

Vốn là những sinh viên theo học ngành nông nghiệp, có sẵn kiến thức về trồng trọt nên Thảo, Tôn và nhóm bạn cùng khu trọ không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình làm vườn trên cao.

Tuy nhiên, việc vận chuyển nguyên vật liệu, bê vác đồ từ dưới lên sân thượng khá vất vả, đòi hỏi tốn nhiều thời gian và sức lựa vì cầu thang của xóm trọ khá nhỏ, hẹp.

Tận dụng cốc nhựa và thùng xốp, nhóm bạn cùng khu trọ ở Hà Nội rủ nhau làm vườn tái chế trên cao

Từng góc vườn đều được bài trí, sắp xếp trồng trọt hợp lý. Nhóm bạn trồng thêm vài chậu hoa đồng tiền để tô điểm không gian sống đẹp mắt hơn.

Tận dụng cốc nhựa và thùng xốp, nhóm bạn cùng khu trọ ở Hà Nội rủ nhau làm vườn tái chế trên cao

Mẻ rau muống đầu tiên được thu hoạch từ góc vườn sân thượng làm từ vật liệu tái chế của nhóm bạn trẻ.

Theo Tôn, quá trình làm không quá khó khăn vì hầu hết các bạn là sinh viên ngành nông nghiệp nên có kiến thức về trồng trọt. Việc vất vả nhất là bê vác đồ lên sân thượng vì cầu thang nhỏ, hẹp.

"Nhưng mọi người tích cực lắm, động viên nhau cố gắng", Tôn cho hay.

Để tiết kiệm chi phí, giữ vệ sinh môi trường và đảm bảo trồng trọt hiệu quả, nhóm bạn trẻ chọn sử dụng giá thể là xơ dừa (đối với những cây trồng trong chậu treo).

Riêng với loại rau trồng chậu đất, các bạn tận dụng nguồn rác thải nhà bếp như gốc rau, vỏ trái cây, vỏ trứng,… để ủ phân hữu cơ và bổ sung thêm phân bò.

Tận dụng cốc nhựa và thùng xốp, nhóm bạn cùng khu trọ ở Hà Nội rủ nhau làm vườn tái chế trên cao

Nhóm bạn bài trí thêm bộ bàn ghế bắt mắt trên sân thượng, tạo chốn thư giãn, nhâm nhi thưởng trà hàng ngày.

Hàng ngày, các thành viên thay nhau chăm sóc vườn, dọn dẹp sân thượng. Ai nấy đều háo hức với góc vườn xanh mát ở trên cao nên hễ có thời gian rảnh lại lên vườn “ngắm nghía”.

Thảo và Tôn chia sẻ, lâu nay, các thành viên trong xóm trọ đều rất thân thiện, hòa đồng, chia sẻ giúp đỡ nhau. Từ khi có khu vườn, các bạn có thêm không gian xanh để thư giãn ngay tại nhà.

Các thành viên cũng hy vọng có thể xây dựng một mô hình làm vườn phù hợp với điều kiện của các bạn sinh viên: có hiệu quả, năng suất tốt, tiết kiệm diện tích và chi phí.

Ngọc Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 loại thực phẩm hàng ngày giúp hồi phục làn da