Cặp vợ chồng ở Đà Nẵng dỡ mái, chi 50 triệu đồng làm vườn hữu cơ trên nóc nhà
Xuất phát từ niềm đam mê trồng trọt, vợ chồng chị Hạnh Vân và anh Mạnh Tuấn (cùng SN 1989, sống ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng) quyết định cơi nới thêm diện tích bằng cách dỡ mái tôn có sẵn để làm vườn ngay trên nóc nhà.
Trước đây, họ từng tận dụng một số khoảng đất trống quanh nhà và ban công để trồng vài luống rau đơn giản. Tuy nhiên, diện tích hạn hẹp, nhu cầu sử dụng rau trái sạch lại ngày càng nhiều nên cả hai nảy ra ý tưởng dỡ mái tôn, thiết kế hẳn khu vườn trên cao để thỏa mãn sở thích trồng cây cối.
Ngoài khu vườn trên mái, chị Vân và anh Tuấn còn làm thêm một khoảng vườn nhỏ ở tầng ba, rộng khoảng 20m2.
Khu vườn trên nóc nhà của vợ chồng chị Vân và anh Tuấn.
Gia chủ tận dụng tối đa mọi tầng không gian để trồng trọt, chăm cây. Ở trên cao, chị thiết kế giàn cho cây thân leo, tạo thêm bóng râm mát.
Gia chủ thừa nhận, thời gian đầu làm vườn trên cao, họ gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Chưa kể, việc đầu tư, xử lý các công đoạn cũng tốn không ít công sức và thời gian.
Đầu tiên, họ phải tìm thợ để thi công chống thấm sàn kỹ, sau đó lót thêm lớp gạch để tăng khả năng chống thấm, tránh làm ảnh hưởng đến không gian sống phía dưới. Tiếp đến, cặp vợ chồng trẻ thiết kế thêm khung giàn sắt kiên cố để giảm thiểu rủi ro do thời tiết miền Trung thường gặp mưa bão, đồng thời tránh ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh.
Để thuận tiện và đảm bảo an toàn khi di chuyển, chị Vân anh Tuấn cũng tiến hành sửa lối đi lên cầu thang bằng cách mở rộng lối cũ, sử dụng vật liệu sắt kiên cố, có tay cầm chắc chắn.
Bên cạnh đó, họ còn lắp đặt hệ thống tưới tự động, giúp tránh tình trạng tưới cây ướt đẫm sàn, gây ảnh hưởng khâu thoát nước.
Toàn bộ phần thùng nhựa và kệ gỗ trồng cây để được kê bởi khung sắt, cách đất để đáp ứng tính thẩm mỹ và đảm bảo dễ thoát nước, dễ vệ sinh cũng như không làm ẩm sàn.
Cuối cùng, để làm vườn trên cao hiệu quả, gia chủ lựa chọn lắp đặt hệ mái che với tiêu chí đảm bảo đủ ánh sáng cho cây ưa nắng, lúc cần có thể che để ươm cây giống, tránh mưa, sương muối. Mái che này được thiết kế ba lớp, gồm: lưới chắn côn trùng cho cả vườn; lớp tôn trắng lấy sáng, giúp che sương muối và mưa nặng hạt; lớp lưới lan (lưới che nắng gắt) có thể kéo ra, thu vào lúc cần.
"Chi phí làm vườn trên nóc nhà tốn kém hơn vườn dưới đất vì phải cải tạo, cũng mất công hơn nhưng đem lại niềm vui mỗi ngày cho chúng tôi. Đó là điều không thể mua bán được", chị Vân nói.
Sau thời gian cải tạo, chỉn chu lại phần mái đã dỡ, cặp đôi Đà Nẵng bắt tay vào trồng rau. Cả hai ưu tiên các giống cây dễ trồng, dễ chăm, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương như rau dền, mồng tơi, cải xoăn, cải bẹ trắng, cải ngọt, rau muống, cải hoa hồng,…
Để đối phó vấn đề côn trùng, sâu bệnh, vợ chồng chị Vân quyết định làm nhà màng, sử dụng nẹp dạng sóng tạo hệ lưới chắn chắn nhất có thể.
Chị Vân còn thử trồng thêm một số giống cây lạ, giàu dinh dưỡng như bắp tím, các loại xà lách chịu nhiệt, xà lách thuỷ tinh, đậu đũa tím, đậu đũa trắng, đậu bắp tím... để làm phong phú nguồn nông sản sạch trong vườn.
Bên cạnh đó, nữ gia chủ đảm đang cũng chinh phục thành công vài giống cây ăn quả như dưa lưới, dưa hấu ruột vàng, dưa leo Aiko, dưa sữa Ryan, dưa lê..., đủ cho gia đình thoải mái thưởng thức trái cây sạch ngay tại nhà.
Ban đầu chưa có kinh nghiệm, anh Tuấn chị Vân chủ động tham gia các nhóm mạng, học hỏi kiến thức trồng trọt từ những người có chung đam mê. Vì công việc kinh doanh linh hoạt, có thể làm việc tại nhà nên cả hai chia nhau chăm vườn, hỗ trợ đối phương lúc cần thiết.
Chị Vân cho biết, rau trái được chị ưu tiên trồng trong chậu, thùng đảm bảo lỗ thoát nước thừa nằm bên hông chậu, cách đáy chậu chừng 2-3 cm. Điều này giúp cho dưới đáy chậu luôn có một lớp nước mỏng để giữ ẩm cho đất, giúp chất dinh dưỡng không trôi thẳng xuống đất ra ngoài.
Chị Vân trồng thành công nhiều giống cây ngoại như bí bơ Mỹ, bí vua Hàn Quốc, bầu sao Đài Loan, khổ qua trái tim, mướp táo Đài...
Vào mùa gió mạnh, cặp vợ chồng 8X sẽ trồng các loại rau và củ, hạn chế trồng dạng cây cao và leo để tránh cây bị quật ngã.
Họ cũng đóng thêm chậu gỗ, lắp ráp chậu theo đúng quy cách này để tăng tuổi thọ chậu gỗ. Sau khi đóng chậu gỗ, chị bọc lớp nilon dày bên trong lòng chậu để chống thấm nước tối đa, lắp một vỉ thoát nước, tiếp theo là lớp vải địa, đổ giá thể, khoét lỗ bên hông để thoát nước thừa cách đáy 2-3 cm.
Sau mỗi lần thu hoạch, ô nào trống, chị sẽ tiếp tục cải tạo đất, thêm dinh dưỡng cho đất, ủ đất chừng 5-7 ngày sau đó mới xuống giống mới.
Nhờ làm vườn khoa học, chỉn chu mà khu vườn trên nóc nhà của gia đình chị Vân luôn xanh tốt. Mỗi lần thu hoạch, chị lại hái “mỏi tay” các loại rau, củ và trái cây.
Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch, khu vườn còn là nơi thư giãn cho các thành viên, giúp họ giải tỏa căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Để thoải mái và thuận tiện tận hưởng ở không gian xanh mát, gia chủ còn trang trí thêm đá, gạch, đặt bộ bàn nướng BBQ, bàn trà.
Ngọc Anh - Ảnh: FBNV
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất