Nhiều người vẫn biết cơ thể sau sinh cần bồi bổ để nhanh chóng phục hồi, tuy nhiên nếu chế độ ăn uống không khoa học có thể gây ra tác dụng phụ. Ngay cả những sinh hoạt hằng ngày cũng có nhiều nguyên tắc cơ bản mà mẹ cần hiểu biết để luôn thoải mái, mạnh khỏe trong suốt kỳ ở cữ.
Chuyện ăn uống, bổ sung dưỡng chất sau sinh
Tuần thứ nhất: “Khai vị” là chủ yếu, tránh đồ dầu mỡ
Những ngày đầu tiên trong khi sinh em bé, bạn sẽ cảm thấy cơ thể rất yếu, không thèm ăn, vì lý do này mà nhiều người lại chọn các thực phẩm “khẩu vị nặng”, nhiều dầu mỡ với hy vọng kích thích lại vị giác, hành động này chỉ khiến khẩu vị của bạn trở nên tệ hơn mà thôi.
Tuần đầu tiên sau sinh, bạn nên có khẩu phần ăn thanh đạm, kết hợp với rau xanh, trái cây nhằm giúp thanh lọc khẩu vị và cân bằng dinh dưỡng. Trái cây có thể chọn như cam, bưởi, kiwi… vì chúng có tác dụng “khai vị” khá tốt. Ngoài ra, bạn nên ăn thức ăn có độ ấm thích hợp, hạn chế đồ ăn lạnh gây khó chịu cho dạ dày.
Một số món ăn bạn có thể thưởng thức trong giai đoạn này chẳng hạn như canh đu đủ nấu đậu phộng và táo đỏ; cá chưng đu đủ; thịt sốt cà chua, bánh mì lúa mạch v.v…
Ngoài ra, bạn nên tránh các thức ăn quá nhiều dầu mỡ vì dễ tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa, thậm chí có thể khiến sữa mẹ cũng nhiều mỡ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé khi bú mẹ.
Tuần thứ hai: Chú trọng bổ huyết và tăng cường vitamin
Giai đoạn này, các vết thương trên cơ thể mẹ bắt đầu dần dần phục hồi ổn định, bạn có thể tăng cường các thực phẩm bổ máu, điều hòa khí huyết. Các món có thể thực hiện như gà mái chưng sắn dây; canh gà ác; canh trứng gà hầm đường vàng. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các loại trái cây như táo, lê, chuối nhằm giảm chứng táo bón và bổ sung chất sắt cho cơ thể. Nội tạng động vật cũng là nguồn nguyên liệu giàu vitamin, rất thích hợp để bạn dung nạp vào cơ thể, thúc đẩy quá trình hồi phục sức khỏe sau sinh.
Sau tuần thứ hai: Thúc sữa
Bắt đầu từ giai đoạn sau tuần thứ hai là thời kỳ để bạn điều tiết sữa mẹ cho bé. Lúc này thông thường nhu cầu sữa của bé càng cao hơn, nếu mẹ không đủ sữa có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của bé. Vì vậy, thời gian này nên chú trọng việc thúc sữa. Các món có tác dụng làm dồi dào lượng sữa mẹ như canh cá ngừ nấu sữa bò; canh bí đao cá thịt bằm v.v… Chú ý khi nấu các món canh không nên nấu quá lâu vì dễ khiến các nguyên liệu trở nên “thô” khó nuốt.
Những lưu ý ăn uống khi ở cữ
Không ăn thực phẩm tươi sống và lạnh vì dễ ảnh hưởng răng và chức năng tiêu hóa, gây tổn thương tỳ vị và khó khăn trong quá trình thải độc của cơ thể.
Không ăn đồ quá kích thích như hành, tỏi, ớt, tiêu vì có thể gây nhiệt cơ thể, vấn đề về miệng, táo bón, trĩ v.v…
Không ăn đồ quá cứng và nhiều dầu mỡ vì sẽ tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Những lỗi sinh hoạt cá nhân trong thời gian ở cữ
Ở cữ không thể đánh răng?
Nnhiều người vẫn cho rằng sau khi sinh thì người mẹ không nên đánh răng vì dễ làm động nướu răng hoặc chảy máu chân răng.
Tại sao lại có quan niệm này? Do trong thời gian mang thai, dưới tác dung của các hormone nội tiết, mẹ thường xảy ra tình trạng chảy máu răng, sưng phù, nếu còn thêm hiện tượng thiếu canxi thì sau khi sinh em bé, nhiều người đúng thực là bị hỏng răng rất nhiều.
Tuy nhiên, y học hiện đại đã chứng thực, khi ở cữ, bạn nhất định phải đánh, súc miệng sạch sẽ. Quá trình ăn uống hằng ngày khiến răng miệng bám không ít thức ăn thừa và cả vi khuẩn, nếu không làm tốt việc vệ sinh răng miệng, trái lại còn khiến răng nướu dễ hỏng hơn. Thông thường, ngày thứ hai sau khi sinh là bạn có thể bắt đầu đánh răng bình thường, động tác nhẹ nhàng và thoải mái là được.
Ở cữ không thể tắm gội, chải đầu?
Nhiều người lớn tuổi thường cho rằng phụ nữ mới sinh thì không được tắm gội, chải đầu vì làm hại cơ thể và có ý nghĩa không may mắn. Kỳ thực, đây là quan niệm thiếu khoa học. Sau sinh, tuyến mồ hôi của mẹ linh hoạt trở lại, dễ đổ mồ hôi, thêm vào sữa mẹ tiết ra và phần dưới cơ thể còn dịch tiết nên cả người luôn ẩm ướt, nếu vệ sinh kém rất dễ gây ra bệnh. Các chuyên gia cho biết, sau khi sinh, mẹ hoàn toàn có thể tắm gội, rửa chân, chải đầu v.v… Khi cơ thể được làm sạch đúng cách sẽ có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường trao đổi chất, giúp tuyến mồ hôi thông thoáng, điều tiết thần kinh thực vật, giảm mệt mỏi cơ bắp, giúp mẹ nhanh chóng phục hồi thể lực, đặc biệt là cơ thể thoải mái, dễ chịu hơn trong thời gian ở cữ.
Minh Thư
3 động tác yoga giúp giảm đau lưng hiệu quả