Nghe thấy 3 điều này, mẹ sẽ hoảng hồn không bao giờ dám ép con ăn

Châu Anh 2017-10-06 16:00
- Không nịnh được con ăn, thì nhiều bà mẹ quay sang dọa nạt, thậm chí đánh đập. Đó là một hành động cực kỳ sai lầm khi việc ép trẻ ăn gây ra nhiều hệ lụy.

Con phải cấp cứu, bệnh nặng vì mẹ “nhồi” ăn

Đến bây giờ, chị Hà, một người mẹ 8x ở Hà Nội vẫn không bao giờ có thể quên được những gì đã xảy ra cách đây gần một năm, khi con chị phải vào viện cấp cứu vì hóc dị vật đường thở. Nguyên nhân là do, chị quá sốt ruột, khi cậu con trai gần 11 tháng tuổi của mình tăng cân chậm, nên chị ép con ăn rất nhiều.

Khi đó, nỗi ám ảnh về cân nặng của con khiến mình điên cuồng làm tất cả mọi cách. Chỉ có điều sau bao cố gắng của mình, con đều không chuyển biến. Mình nấu nhiều món ngon, bổ dưỡng nhưng con đều từ chối. Thế nên, mình đã bóp mũi để con buộc phải nuốt đồ ăn trong miệng”, chị Hà cho biết.

Hành động dại dột của chị đã khiến thức ăn bị sặc vào phổi con, chỉ đến khi nhìn con tím tái, khó thở, chị mới tỉnh ngộ và tức tốc đưa con vào bệnh viện. Rất may sau đó, cháu bé được cứu sống, còn chị thì mang theo nỗi ân hận cả đời.

Nghe thấy 3 điều này, mẹ sẽ hoảng hồn không bao giờ dám ép con ăn

Ép con ăn dẫn đến hậu quả khôn lường.

Tình trạng ép con ăn khá phổ biến trong các gia đình Việt Nam. Có lẽ xuất phát từ nỗi ám ảnh về vóc dáng của bé và từ quan niệm phổ biến trong xã hội "nặng cân là khoẻ mạnh". TS Từ Ngữ, tổng thư kí Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng: “Trên thực tế, việc ép bé ăn chỉ là để thoả mãn ý muốn của bố mẹ ông bà chứ không phải là nhu cầu của bé. Từ trong bản năng, bé biết mình khi nào cần ăn và ăn bao nhiêu là đủ. Việc ép ăn có thể để lại những hậu quả mà bố mẹ không thể lường trước được”.

TS Từ Ngữ phân tích:

Thứ nhất, khi bị ép ăn, bé luôn ở trong trạng thái sợ hãi, đau khổ, ức chế vì bị ép ăn, nhiều bé phản kháng bằng những biểu hiện cục cằn, hung dữ, quậy phá. Điều này dễ dẫn đến các tổn thương tâm lý, các căn bệnh về thần kinh ở trẻ.

Thứ hai, việc ép ăn khiến bé chỉ còn ăn vì sợ, ăn vì được thưởng chứ không còn ăn vì ham muốn, vì thấy thức ăn ngon. Về lâu dài không có gì lạ khi bé ngày càng chán ăn và biếng ăn, sẽ khiến bé không thể tăng cân, và nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn.

Thứ ba, theo các nghiên cứu khoa học, bé bị ép ăn sẽ có nguy cơ béo phì cao hơn 31,4% so với các bé khác, kéo theo đó là nguy cơ về các bệnh tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, gout khi bé trưởng thành. Những bé bụ bẫm, bị ép ăn nhiều khiến nhu động ruột phải hoạt động nhiều cũng có nguy cơ lồng ruột cao.

Chỉ cần những cách đơn giản này, mẹ cùng con “ăn dặm không nước mắt”

Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thay đổi việc ép con ăn, đầu tiên là ở tư duy của cha mẹ.

hậu quả khi mẹ ép bé ăn

Hãy thay đổi tư duy khi cho con ăn uống.

Trẻ em cũng như người lớn, sẽ có những thứ thích ăn, không thích ăn lắm, và có những thứ nhất định không ăn. Vì thế, cha mẹ cần hiểu rằng, có cố gắng cũng không thể ép được trẻ. Thay vào đó, hãy cho trẻ ăn theo nhu cầu, ăn đa dạng thực phẩm để trẻ được hấp thu nhiều dinh dưỡng. Mẹ nên chọn những nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng, kết hợp nó theo các công thức khác nhau để khơi gợi sự thích thú của con. Những bữa ăn thơm ngon, giàu màu sắc bao giờ cũng khiến bé thích thú”.

TS Lê Bạch Mai cũng cho rằng, cha mẹ đừng bao giờ cãi nhau vì chuyện ăn uống của con. Mà cả hai luôn cần tạo không khí vui vẻ khi cho trẻ ăn, cho trẻ ngồi một chỗ, ăn uống tập trung để hấp thu dinh dưỡng tốt, nói không với ăn rong, với ti vi, điện thoại.

Cùng với việc cho con ăn đúng giờ, đúng bữa, các bà mẹ cũng nên cho bé ngủ đủ giấc, vận động hợp lý. Khi bé tiêu hao đi năng lượng, thì mới có nhu cầu ăn uống nhiều hơn. Đặc biệt, các mẹ cần chú ý chăm sóc sức khỏe cho bé, giúp bé tăng cường sức đề kháng để phòng tránh bệnh tật, đỡ bị hụt cân, và biếng ăn hơn khi ốm.

Châu Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 scandal chấn động nhất của showbiz Hoa ngữ nửa đầu năm 2021