Hành trình 8 năm ròng rã chạy chữa để có con của bà mẹ trẻ

2016-05-27 06:00
- Câu chuyện về hành trình 8 năm ròng rã chạy chữa để có con của chị Phạm Thị Hồng hẳn sẽ lấy đi nước mắt của nhiều người có cùng cảnh ngộ.
“Con đến bên mẹ trong niềm hân hoan vui sướng của cả 4 họ. Người vui nhất là mẹ. Vậy là sau 4 năm yêu nhau và 8 năm bố mẹ chờ đợi và tìm kiếm, cuối cùng con đã về bên mẹ bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm”. Chị Hồng bắt đầu câu chuyện của mình bằng một lời chia sẻ đầy yêu thương. 
Cũng như bao cặp vợ chồng khác, sau khi kết hôn vào năm 2007, hai vợ chồng chị Hồng đều mong ngóng có thêm một em bé để hạnh phúc gia đình được trọn vẹn. Nhưng điều chờ đợi ấy với anh chị lại khó khăn hơn người khác.
Mong ngóng mãi vẫn chưa có bầu, vợ chồng chị Hồng cũng chạy chữa nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc bắc, thuốc nam, ai chỉ đâu cũng tới khám chữa chỉ với hi vọng sớm được gặp con yêu. Hết uống thuốc đông y, chị Hồng và chồng quyết định tìm tới phương pháp hiện đại hơn là thụ tinh trong ống nghiệm (in-vitro fertilisation IVF). Tuy nhiên, 2 lần thất bại khi áp dụng phương pháp này khiến cho vợ chồng chị cũng phần nào mệt mỏi và thêm áp lực.
Nhưng dù thất bại, khao khát được làm mẹ, làm bố, được chăm sóc nuôi dạy một thiên thần nhỏ vẫn chưa khi nào nguôi nên anh chị quyết định Nam tiến để tiếp tục hành trình “tìm con”. Sự kiên trì ấy của cặp vợ chồng trẻ đã được đền đáp bằng kết quả tích cực trong lần thứ ba IVF. Chị Hồng chia sẻ: “Lần đầu tiên mẹ khóc trong sung sướng khi mẹ cầm tờ xét nghiệm beta. Mẹ đã không tin vào mắt mình khi 2 lần thất bại IVF con lại về bên mẹ. Đối với các mẹ khác nghén là một cực hình, còn mẹ thấy hạnh phúc vì biết con yêu của mẹ vẫn mạnh khỏe.”
Hành trình 8 năm ròng rã chạy chữa để có con của bà mẹ trẻ
Chị Hồng thời điểm đang mang bầu bé SuBeo. Ảnh NVCC
Từ hành trình kiếm con, vợ chồng chị Hồng lại tiếp tục kiên trì với một hành trình khó khăn khác để giữ con yêu lại với gia đình. Theo lời chị kể, thời gian mang bầu, chị  ốm nghén không ăn được cơm, thịt mà chỉ ăn mì, miến nấu cà chua và hoa quả. Hai vợ chồng lại vào Nam mà không có bố mẹ, cô dì chú bác hay anh chị em ở bên cạnh chăm sóc, động viên. Sau đó, đến tuần thứ 11 chị lại bị ra huyết.
Nhớ lại thời điểm đó, người mẹ trẻ nghẹn ngào: “Mẹ ra nhiều lắm. Mẹ khóc nằm nhà chờ bố đi chợ về để đưa mẹ đi viện. Oái oăm thay hôm đấy bố con bị hỏng xe dọc đường nên nghe mẹ điện thoại bố bắt xe ôm về đưa mẹ đi viện. Trên xe bố con bình tĩnh lắm. Bố ôm mẹ và an ủi “Con không sao đâu em, em đừng khóc đừng suy nghĩ nhiều”. Lúc này mẹ chỉ biết cầu nguyện mong cho con ở lại bên mẹ. Đến viện bác sĩ cấp cứu cho mẹ và nói bóc tách 35% và cho thuốc về nhà tiêm.”
Hai vợ chồng chị đã phải trải qua một tuần với nhiều lo lắng, sợ hãi. May thay, lần kiểm tra độ mờ da gáy tiếp theo lại cho kết quả tích cực. Con yêu vẫn ở lại với vợ chồng chị trong niềm vui khôn tả. Chị Hồng và chồng tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu và chờ đợi thiên thần nhỏ chào đời trong căn phòng trọ 10m2 chật hẹp không giường ở mảnh đất phương Nam xa lạ.
Đến tuần thứ 27, chị Hồng bị dọa sảy một lần nữa khi em bé trong bụng gò và thúc khá nhiều xuống tử cung. Người mẹ trẻ lại khóc ròng trong sợ hãi. Không đợi được đến sáng, 3 giờ đêm hai vợ chồng chị dắt díu nhau vào viện. Chị lại được đưa vào phòng cấp cứu truyền thuốc giảm co trong khi chồng thỉnh thoảng lại ngó vợ qua cánh cửa và liên tục hỏi bác sĩ “Vợ em thế nào rồi?”. Đợt đó chị phải nằm trong viện suốt một tuần để bác sĩ theo dõi. 
Sang tuần thứ 30 chị phải tiêm trợ phổi cho con vì bác sĩ kêu thai thấp dễ sinh sớm. Chị nhớ lại và cho biết: “Lúc đó mình lo lắm, chỉ mong con yêu qua được 37 tuần chứ đừng như bác sĩ nói.”
Hành trình 8 năm ròng rã chạy chữa để có con của bà mẹ trẻ
Con trai chị Hồng đã cùng bố mẹ "chiến đấu" suốt hơn 9 tháng trời để chào đời khỏe mạnh lúc hơn 39 tuần, nặng 3,8 kg. Ảnh NVCC
Như hiểu được niềm hi vọng của bố mẹ, em bé trong bụng chị Hồng cũng mạnh mẽ “chiến đấu” và chào đời vào thời điểm 39 tuần 3 ngày, nặng 3,8 kg trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Người mẹ trẻ bật mí lúc mới sinh chị chưa được gặp con ngay do phải mổ cấp cứu vì bị chèn ép dây rốn, không đo được tim thai. May sao lúc đó có bà nội vào cùng đỡ cho chồng chị.
Tết 2016 hẳn là cái Tết vui nhất của gia đình chị Hồng vì có thêm thành viên mới.Theo lời bà mẹ trẻ dù phải đón Tết xa nhà trong Tp.HCM, “không gà, không bánh chưng, chỉ vỏn vẹn 1 lọ ruốc,1 lọ vừng lạc,1 chục trứng gà”, thậm chí không cả tủ lạnh để trữ đồ ăn nhưng vợ chồng chị và bà nội vẫn rất vui vẻ. Khi con trai được 24 ngày, vợ chồng chị mới cho con về quê. “Khi về mình lo lắm vì ngoài bắc lạnh sợ con không hợp khí hậu. Nhưng con mình giỏi lắm, ăn giỏi nhưng chẳng ngủ ngoan gì cả toàn đòi bế với khóc thôi”, chị Hồng nói.
Đến giờ, thiên thần nhỏ của vợ chồng chị Phạm Thị Hồng đã được gần 4 tháng và nặng 7,5 kg. Người phụ nữ trẻ cũng đang dần quen với vai trò làm mẹ và luôn mong con yêu của mình hay ăn chóng lớn và thật khỏe mạnh.
Hành trình 8 năm ròng rã chạy chữa để có con của bà mẹ trẻ
SuBeo hiện đã được gần 4 tháng tuổi, nặng 7,5 kg. Ảnh NVCC
Nhờ sự yêu thương, tin tưởng và chia sẻ với nhau mà vợ chồng chị Hồng đã hái được “quả ngọt” trong hành trình gian nan mà rất đỗi thiêng liêng ấy. Từ câu chuyện riêng của mình, chị Hồng cũng gửi lời nhắn nhủ tới những gia đình có cùng hoàn cảnh hiếm muộn như chị trước kia nên cân nhắc ưu tiên cho những phương pháp y học tiên tiến như thụ tinh trong ống nghiệm để có con. Bên cạnh đó, một khi đã xác định áp dụng các phương pháp này thì hãy tìm hiểu kỹ quy trình và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái để sớm đón được con yêu về với gia đình.
Bảo Bình

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 điểm du ngoạn thú vị không thể bỏ qua khi đến Ninh Bình