Cẩn thận khi bé ngủ đạp chăn
Tin liên quan
Nhiều phụ huynh khổ sở khi trông con ngủ, nhất là vào ban đêm khi phải lặp đi lặp lại cái vòng tuần hoàn: Đắp chăn - bé đạp chăn - rồi bố mẹ lại đắp chăn! Kỳ thực, không phải ngẫu nhiên mà bé có hành động “thiếu ngoan ngoãn” này trong giấc ngủ, có rất nhiều nguyên nhân khiến bé “động chân” mà bố mẹ cần biết để có giải pháp khắc phục.
1. Những nguyên nhân khiến bé ngủ hay đạp chăn
Bé thiếu canxi
Khi bé bị thiếu canxi sẽ dễ bị còi xương, sự trao đổi chất của canxi, phốtpho xảy ra bất thường dẫn đến thần kinh bị hưng phấn. Đây là nguyên nhân khiến bé luôn giật mình trong đêm, lúc ngủ cũng không ngừng trở mình, bé ngủ không sâu, thậm chí thường quấy khóc và còn có hiện tượng đạp tung cả chăn gối khi ngủ.
Bé có bệnh trong người
Khi mắc bệnh dù nhẹ hay nặng, cơ thể bé cũng sẽ khó chịu, khi ngủ chắc chắn sẽ xuất hiện những động tác không thoải mái như đạp chăn, ngọ nguậy tay chân, khóc quấy v.v… Bố mẹ nên chú ý những triệu chứng bé dễ mắc phải như sốt, viêm phổi, rôm sảy, thậm chí là côn trùng cắn hay bị giun làm ngứa hậu môn. Tình trạng phổ biến này cũng khiến bé hay đạp chăn khi ngủ.
Bộ não quá hưng phấn
Sự phát dục thần kinh ở bé chưa hoàn thiện. Nếu trước khi ngủ, thần kinh bé bị quấy nhiễu, một hay một số khu vực cá biệt nào đó của đại não sẽ luôn duy trì ở trạng thái hưng phấn, dễ khiến bé có động tác đạp chăn trong giấc ngủ.
Mất cân bằng hệ thống cảm giác
Khi tiếp nhận thông tin từ thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác v.v, tầng vỏ não ở người bình thường sẽ luôn phân tích tổng hợp và sau đó đưa ra phản ứng đối với những cảm giác này. Nếu bé không thể có phản ứng bình thường đối với các loại cảm giác mà não tiếp nhận được thì cho dù đã đi vào giấc ngủ, độ hưng phấn của tầng vỏ não vẫn ở trạng thái rất cao, khiến bé động đậy nhiều, tính thích ứng kém, ngủ không yên giấc và có biểu hiện đạp chăn.
Vấn đề ăn uống trước khi ngủ
Nếu trước khi ngủ cho bé uống quá nhiều nước, trong đêm mẹ lại không kịp thời cho bé tiểu tiện, khi bé có nhu cầu tiểu sẽ trở mình nhiều, dẫn đến tình trạng đạp chăn ra khỏi người. Ngoài ra, nếu buổi tối cho trẻ dung nạp quá nhiều thức ăn giàu protein, dầu mỡ, chất béo sẽ khiến dạ dày tăng gánh nặng, làm bé khó ngủ và cũng ngọ nguậy liên tục.
Môi trường ngủ không tốt
Đèn quá sáng, nhiệt độ nóng bức hay xung quanh ồn ào, chăn đắp quá dày v.v… cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng giấc ngủ của bé, khiến bé không thể ngủ yên giấc và dễ đạp chăn.
2. Giải pháp cải thiện tình trạng đạp chăn khi ngủ của bé
Bổ sung dinh dưỡng cho bé
Khi bé thiếu vitamin D, canxi trong cơ thể sẽ không thể kịp thời được hấp thu, từ đó dẫn đến tình trạng bé thiếu cả canxi. Do vậy, mẹ nên kịp thời bổ sung đầy đủ vitamin D cho bé để cải thiện thành phần canxi. Ngoài ra, vitamin A cũng có tác dụng quan trọng đối với sự phát triển của xương và hệ miễn dịch, ngoài tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để cho bé uống them dầu cá thích hợp.
Không để bé quá hưng phấn trước khi ngủ
Trước khi cho bé ngủ ít nhất một giờ, tốt nhất là bạn không nên đùa giỡn với bé, không để tâm trạng bé ở trạng thái hưng phấn hay kích thích quá mức gây ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ.
Chú ý quan sát phản ứng cơ thể của bé
Bạn nên thường xuyên quan sát biểu hiện của bé, xem có xuất hiện các tình trạng thường gặp như côn trùng cắn, thân nhiệt tăng cao, biểu hiện bé mắc giun sán v.v… để kịp thời điều trị. Khi bé không bị các triệu chứng bệnh tật gây khó chịu thì tình hình đạp chăn khi ngủ sẽ giảm đi.
Tạo điều kiện giúp bé ngủ ngon
Cho bé mặc quần áo thoáng khí, hút ẩm tốt, chất liệu nhẹ, không đắp chăn quá dày. Ngoài ra, còn phải chú ý giữ không gian yên tĩnh, ánh sáng vừa phải và có chế độ ăn uống khoa học trước khi ngủ cho bé.
3. Mẹo để bé không đạp chăn khi ngủ
Kẹp chăn
Khi bé đã sắp ngủ, mẹ có thể dùng kẹp nhỏ kẹp 4 góc chăn vào ga giường, chú ý khi kẹp chăn cần đảm bảo vẫn giữ được không gian trở mình cho bé.
Chăn nhỏ trong chăn lớn
Nếu bé ngủ với mẹ, bạn có thể đắp một tấm chăn nhỏ và mỏng cho bé, sau đó dùng chăn lớn của mẹ đắp lên trên. Như vậy khi bé động đậy, mẹ có thể lập tức cảm giác được và dễ dàng xử lý. Lưu ý vì cách này nghĩa là bé được đắp đến hai lớp chăn, do đó bạn nên chọn loại chăn mỏng và nhẹ để không tạo áp lực lên người bé.
Cho bé dùng túi ngủ
Mẹ có thể chọn mua loại túi ngủ tháo lắp tiện dụng để có thể thích ứng với thói quen ngủ của bé, nếu khéo tay mẹ có thể tự may túi ngủ vừa vặn cho bé nhưng cần đảm bảo chất liệu vải nhẹ, mềm và thông thoáng, giúp bé dễ chịu và tự do trở mình khi ngủ.
Nguyệt Quế
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất