Cận cảnh 1 ca xoay ngôi thai từ ngược thành thuận thành công
Tin liên quan
Xoay thai bên ngoài (ECV - External Cephalic Version) là thủ thuật xoay thai được thực hiện bằng cách tiêm thuốc chứa tocolytic (thông dụng nhất là terbutaline) có tác dụng làm giãn tử cung và ngăn chặn các cơn co thắt tử cung của thai phụ, sau đó xoay ngôi thai về vị trí thuận (đầu chúc xuống). Thủ thuật này thường được áp dụng với mẹ bầu ở tuần thai 36-37, trong 1 số trường hợp, xoay thai có thể được các bác sĩ thực hiện ngay trong quá trình sinh trước khi vỡ ối. Nếu thành công, mẹ bầu có thể sinh thường và không cần phải chọn sinh mổ.
Một số hình ảnh thai ngôi mông - ngôi ngược.
Quy trình thực hiện xoay ngôi thai
Kĩ thuật xoay ngôi thai từ bên ngoài.
Sau khi tiêm thuốc và tử cung bắt đầu giãn ra, bác sĩ sẽ bắt đầu dùng tay để đẩy, xoay bào thai từ bên ngoài cho quay về vị trí thuận (đầu chúc xuống). Tuy nhiên thủ thuật này chỉ những bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên khoa mới được thực hiện, nếu bác sĩ không có kinh nghiệm thì quá trình này sẽ có nguy cơ thất bại. Trong khi thao tác, mẹ bầu sẽ cảm thấy hơi tức phần bụng dưới. Mức độ khó chịu tùy thuộc vào độ nhạy cảm của phần bụng dưới và lực ấn, đẩy và xoay của bác sĩ.
Nếu không thể xoay ngôi thai thuận, người mẹ sẽ phải sinh mổ để đảm bảo an toàn.
Nếu lần thứ nhất không thành công, các bác sĩ có thể gợi ý cho mẹ bầu tiếp tục thực hiện lần thứ 2. Và lần này có thể sẽ gây tê ngoài màng cứng để giúp người mẹ thư giãn và giảm cơn đau trong quá trình làm thủ thuật. Trong lần thử lại này, gây tê ngoài màng cứng có thể giúp việc xoay ngôi thai đạt tỷ lệ thành công cao hơn. Tỷ lệ thành công là 58% nếu là ngôi mông và có thể lên tới 90% nếu là ngôi ngang.
Sau khi hoàn thành xong thủ thuật, ngôi thai quay theo chiều thuận, mẹ bầu sẽ được theo dõi thêm trong 1 thời gian ngắn và sau đó quay trở lại tiếp tục cuộc sống bình thường chờ ngày chuyển dạ.
Một số nguy cơ có thể gặp phải
Xoay thai bên ngoài không phải lúc nào cũng an toàn. Như đã nhắc ở trên, mẹ bầu có thể sẽ thấy thủ thuật này khá khó chịu, gây đau tức bụng dưới.
Trong quá trình xoay ngôi thai, có một số trường hợp nghiêm trọng, tuy hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra như nhau thai bị đứt khỏi thành tử cung khiến thai phụ buộc phải chỉ định mổ đẻ ngay sau đó.
Quá trình thực hiện xoay ngôi thai có thể khiến nhịp tim thai nhi bị giảm, nếu nhịp tim thai không nhanh chóng quay lại bình thường, thai phụ cũng sẽ được chỉ định mổ đẻ ngay lập tức.
Hiện tượng dây rốn bị xoắn hoặc bẹp sẽ làm giảm lưu lượng máu và oxy đến bào thai.
Đó là lý do vì sao thủ thuật xoay ngôi thai chỉ được tiến hành từ tuần thứ 37, trong bệnh viện, với những điều kiện y tế đảm bảo để nếu trong trường hợp khẩn cấp, việc mổ đẻ luôn sẵn sàng.
Xoay ngôi thai được thực hiện khi:
- Người mẹ mang thai bắt đầu từ tuần thứ 36 trở đi nên thực hiện xoay ngôi thai vì lúc này lượng nước ối vẫn còn, thai nhi không quá to, vẫn đủ khả năng di chuyển trong dạ con của mẹ.
- Người mẹ mang thai đơn.
- Thai không rơi hoặc sắp rơi vào khung xương chậu của mẹ bởi nếu thai sắp rơi vào xương chậu sẽ gây khó khăn cho thủ thuật xoay.
Cận cảnh động tác xoay ngôi thai của các y, bác sĩ.
- Có đủ nước ối xung quanh để di chuyển bào thai. Nếu lượng nước ối thấp hơn bình thường, thai nhi có thể bị thương trong khi xoay ngôi thai.
- Không phải lần mang thai đầu tiên. Thủ thuật nên được thực hiện trong lần mang thai thứ 2 trở đi do thành bụng người mẹ có khả năng căng ra, co giãn tốt hơn, đáp ứng với thủ thuật dễ dàng hơn.
Không được thực hiện xoay ngôi thai khi:
- Đã vỡ ối.
- Người mẹ có vấn đề về tim hoặc các vấn đề khác gây cản trở tiếp nhận các loại thuốc giảm đau ngừa các cơn co tử cung.
- Nhau thai bao phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, hoặc đã tách ra khỏi thành tử cung.
- Thai nhi có dấu hiệu bất thường.
- Đầu thai nhi ngửa ra sau, cổ thẳng thay vì cúi đầu về phía trước, cằm hướng vào ngực.
- Thai được chẩn đoán hoặc dự đoán có khuyết tật khi sinh.
- Người mẹ mang đa thai (thai đôi, ba…).
- Tử cung của mẹ có hình dạng bất thường.
Gợi ý một số phương pháp hạn chế ngôi thai ngược
Để hạn chế khả năng ngôi thai ngược, ngay từ tuần thai 30-37, người mẹ có thể tự mình thực hiện 1 số biện pháp gợi ý bên dưới. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn cho mình phương án phù hợp nhất.
- Luyện tập thể dục.
Nằm ngửa, kê thêm gối dưới hông để nâng phần bụng lên. Mỗi ngày tập 3 lần, mỗi lần 10-15 phút, khi bụng đói và trong thời gian em bé hoạt động. Cố gắng thư giãn và hít thở sâu khi tập, tránh làm căng cơ bụng.
Chúc đầu xuống dưới đỡ bằng 2 tay, co gối và đẩy phần mông lên trên cao. Phần dưới của tử cung sẽ mở rộng tạo không gian cho đầu của bé quay xuống. Mỗi ngày làm 2 lần trong 5-15 phút.
Tương tự, lấy tay đỡ phần đầu chúc xuống, đầu gối đặt trên ghế hoặc giường cao hơn. Tư thế này giúp thư giãn xương chậu. Giữ vị trí này tối đa 30 giây, lặp lại 3-4 lần mỗi ngày.
- Đi bơi.
Bơi lội cũng là 1 cách để em bé trong bụng di chuyển. Áp lực của nước giúp các khối cơ của người mẹ được thư giãn, tạo cơ hội thai nhi xoay chuyển.
- Giữ tư thế đúng:
Việc giữ tư thế đúng sẽ giúp tạo ra không gian tối đa cho em bé trong bụng. Đứng thẳng sao cho cằm hướng thẳng với mặt đất. Thả vai tự nhiên, tránh ngả về phía sau. Giữ phần bụng chắc chắn. Đặt bàn chân rộng bằng vai và trải đều trọng lượng cơ thể lên cả 2 chân.
- Áp dụng kĩ thuật nóng - lạnh:
Dùng 2 gói chườm nóng và lạnh. Gói lạnh đặt phía bụng trên (đầu tử cung), gói ấm đặt phía bụng dưới (cuối tử cung). Cách này có thể làm cho em bé tránh xa khu vực lạnh và quay xuống chỗ ấm hơn. Hoặc ngâm bụng dưới trong nước ấm cũng là 1 cách tương tự.
- Sử dụng âm thanh:
Bật nhạc, đặt tai nghe vào phần bụng dưới để cho bé di chuyển theo hướng có âm thanh phát ra. Hoặc bố mẹ có thể nói chuyện, tạo ra âm thanh ở phần bụng dưới.
Theo Phương Phương/Trí Thức Trẻ
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất