Thời tiết nóng lạnh thay đổi xoành xoạch, cha mẹ chớ làm điều này khiến bệnh hô hấp của con trở nặng

2017-04-25 11:22
- Theo khuyến cáo của bác sĩ Quý, trẻ bị viêm đường hô hấp không phải cần điều trị bằng kháng sinh. Thay vì việc tự ý kê đơn cho con hãy đưa trẻ tới bác sĩ khám.

Tự ý kê đơn cho con khiến bệnh thêm nặng

Có con đang điều trị tại khoa Nhi - bệnh viện Bạch Mai, chị Đỗ Thị Tuyết (Hà Nam) cho biết, thời tiết nóng lạnh thất thường, con chị lúc đầu chỉ bị sổ mũi sau đó ho. Chị Tuyết có ra hiệu thuốc mua thuốc ho và kháng sinh về điều trị cho con. Uống hết 5 ngày thuốc nhưng bé Lâm vẫn ho và sốt, ăn nôn trớ. Thấy con thở gấp, gia đình vội vàng đưa cháu đi khám, bác sĩ kết luận bé Lâm bị viêm tiểu phế quản.

Theo bác bác sĩ Trương Văn Quý, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) mỗi ngày, Khoa Nhi tiếp nhận khám khoảng 400-500 trẻ, trong đó ¼ là các bệnh liên quan đến hô hấp, viêm phổi. Rất nhiều trường hợp bệnh nhi cha mẹ tự ý điều trị tại nhà khiến cho bệnh nặng dẫn tới suy hô hấp mới nhập viện. Thậm chí có trường hợp trẻ bị viêm phổi nặng phải chỉ định thở máy. Những trẻ này nếu tới viện muộn nguy cơ tử vong rất cao.

bệnh giao mùa

Số ca bệnh lý đường hô hấp gia tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường tại khoa Nhi - BV Bạch Mai.

Thời tiết giao mùa nóng rồi đột ngột lạnh khiến trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng tới đường hô hấp. Trong đó, bệnh viêm phổi dễ gặp ở trẻ nhỏ là nguyên nhân nhập viện hàng đầu.

Nhiều cha mẹ khi thấy con ốm sốt đã vội vàng đi mua thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ Quý, trẻ bị viêm đường hô hấp không phải cần điều trị bằng kháng sinh. Thay vì việc tự ý kê đơn cho con hãy đưa trẻ tới bác sĩ khám.

Nguy cơ tử vong cao do liên quan tới bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sinh non, thiếu cân, trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ suy giảm hệ miến dịch hay có những dị dạng bộ máy hô hấp…

Trẻ thở nhanh bỏ bú hãy cẩn trọng

Bác sĩ Quý cho hay: “Biểu hiện khi trẻ bị viêm phổi thường rất đa dạng và tùy thuộc vào mức độ. Triệu chứng phổ biến sẽ là ho, mệt, bú kém, chảy dịch tiết mũi, khò khè, khó thở, thở nhanh… Trẻ có những biểu hiện trên cần phải đưa đi khám ngay lập tức”.

Trong trường hợp đã đi khám bác sĩ kê đơn và cho điều trị ngoại trú, cha mẹ chăm sóc trẻ cần chú ý tới những biểu hiện bệnh nặng hơn như: sốt cao và kéo dài, mệt ngủ li bì, ăn kém… Để kiếm tra sức khỏe cho con, cha mẹ vén áo quan sát lồng ngực để đếm nhịp thở (Nhịp thở 60 lần/phút ở trẻ < 2 tháng; > 50 lần/phút ở trẻ từ 2 đến 12 tháng tuổi; >40 lần/phút ở trẻ 1 – 5 tuổi).

Bác sĩ Quý khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ nhỏ, ngay từ lúc mang thai mẹ cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong quá trình mang thai cần phải tránh xa rươu, bia, thuốc lá, khói, cần phải vệ sinh nhà sạch sẽ để tránh nhiễm bụi từ trong nhà.

Khi chăm sóc tre cần phải tiêm chủng đầy đủ cho trẻ. Đặc biệt nên cho con bú mẹ để tăng cường sức đề kháng, hạn chế bệnh trong thời tiết giao mùa. Trẻ có các dấu hiệu bỏ bú, ăn kém, sốt cao, thở nhanh nên đưa trẻ đi khám sớm.

 60-70% trường hợp trẻ mắc viêm phổi là do virus. Loại virus hay gặp là hợp bào hô hấp, virus cúm,  Adenovirus, Rhinovirus...

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Làm gì khi con gái hết yêu?