Mắc thói quen ngậm vật này rồi nuốt lúc nào không biết, bệnh nhân đau bụng âm ỉ cả tháng trời

2017-05-04 18:18
- Nuốt tăm xỉa răng, bị kim diệt tủy răng rơi vào đường tiêu hóa, hóc xương... mà không được can thiệp sớm có thể để lại biến chứng, điều trị rất khó khăn về sau này.

Đau bụng tìm không được nguyên nhân…

Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Xanh Pôn) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Đỗ Văn M. ( sinh năm 1976, Long Biên, Hà Nội). Bệnh nhân có tiền sử đau bụng, điều trị bằng nhiều thuốc tại gia đình nhưng không thể khỏi. Anh M. cũng đã từng đi khám nhưng bác sĩ không xác định được nguyên nhân đau bụng âm ỉ là gì.

Để xác định nguyên nhân gây ra đau bụng kéo dài của anh M., bác sĩ đã chỉ định anh M. đi nội soi. Theo bác sĩ Phùng Hoàng Hiệp, Phòng Nội soi – Tiêu hóa, Trung tâm kỹ thuật cao và Tiêu hóa (Bệnh viện Xanh Pôn), trước khi nội soi bệnh nhân tỉnh táo, tức nhẹ thượng vị. Khám bụng, bụng mềm, không có phản ứng thành bụng. Tiến hành nội soi dạ dày phát hiện thấy dị vật (que tăm) cắm vào thành dạ dày vị trí tiền môn vị.  

Đau bụng âm ỉ điều trị thuốc không khỏi đi khám bệnh nhân tá hỏa có cây tăm trong dạ dày

Bác sĩ thực hiện gắp cây tăm trong dạ dày bệnh nhân M.

“Bệnh nhân khi được tiếp nhận không bị đau đớn nhiều do tăm cắm ngang nằm trong lớp dưới niêm mạc dạ dày. Tại vị trí tăm cắm bị viêm và loét bề mặt niêm mạc dạ dày nên rất đau đớn. Người nhà bệnh nhân cho biết bệnh nhân ăn xong thường có thói quen ngậm tăm. Bản thân bệnh nhân cũng không biết có dị vật (tăm) rơi vào dạ dày”, bác sĩ Phùng Hoàng Hiệp nói.

Anh M. đã được gắp dị vật ra khỏi dạ dày và được chỉ định điều trị từ 1-2 ngày trước khi xuất viện. Tình trạng bệnh nhân khỏe, sinh hoạt bình thường sau khi gắp dị vật.

Bác sĩ Phùng Hoàng Hiệp cho biết, các trường hợp nuốt phải dị vật tới điều trị tại trung tâm rất đa dạng. Trước đây, bác sĩ Hiệp đã từng gặp trường hợp một nam thanh niên sau khi đi làm răng về bị đau bụng không xác định được nguyên nhân. Bác sĩ nội soi phát hiện trong dạ dày bệnh nhân có dị vật cây kim diệt tủy răng. Cây kim này thường rất nhỏ, bệnh nhân nuốt vào cũng không hề biết.

Không gắp dị vật kịp thời có thể để lại biến chứng

Trường hợp bệnh nhân nuốt tăm là rất hi hữu. Bác sĩ Phùng Hoàng Hiệp khuyến cáo, nếu bệnh nhân này cứ âm thầm chịu đau không đi khám sớm, tăm cắm lâu trong dạ dày sẽ gây ra viêm tấy, gây loét bề mặt tăm cắm tạo thành ổ áp xe ở thành dạ dày. Nếu không điều trị sẽ gây ra đau nhiều cho bệnh nhân, ổ áp xe có thể vỡ ra trong lòng dạ dày gây thủng dạ dày.

Thường những trường hợp nuốt phải tăm, dị vật có thể trôi qua dạ dày rơi xuống ruột và đâm thủng ruột gây chảy máu hoặc xuất huyết tiêu hóa. Nếu xuất huyết không tìm thấy nguyên nhân, bác sĩ sẽ phải chỉ định mổ.

Bác sĩ Phùng Hoàng Hiệp lưu ý, người lớn trong ăn uống dễ hóc phải xương gà, xương cá khi cắn bị vỡ thành các vụn nhỏ nên phải cẩn trọng khi ăn. Nếu nuốt phải xương tùy thuộc vào vị trí xương cắm vào, mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Ví dụ, xương cắm vào thực quản gây loét bề mặt, thủng thành và áp xe, cắm vào động mạch chủ thực quản thì rất nguy hiểm, cắm vào dạ dày gây loét dạ dày…Với trẻ con cần lưu ý tới nguy cơ bị hóc đồng tiền xu, viên bi, đồ chơi…

“Trong trường hợp nếu xác định nuốt phải dị vật cần phải đi khám sớm để bác sĩ nội soi và lấy dị vật ra ngoài. Nếu đi khám muộn, các nguy cơ biến chứng sẽ tăng lên, có những trường hợp phải can thiệp bằng phẫu thuật”, bác sĩ Phùng Hoàng Hiệp nói.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Khi sự chờ đợi quá lâu, mọi hồi đáp sau này đều trở thành vô nghĩa