Dân văn phòng cứ nghĩ làm thế này là cốc uống nước đủ sạch, ai ngờ tất cả chỉ là lầm tưởng sai bét

2018-02-23 06:45
- Việc tráng nước bằng nước nóng từ bình nước của văn phòng không đủ để diệt khuẩn.

Chúng ta đã từng nghe đến bàn phím bẩn, mặt bàn công sở nhiều vi khuẩn hay thảm trải sàn nhà là nơi chứa nhiều vi khuẩn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được rằng, mối nguy hiểm cho dân công sở có thể đến từ chính cốc uống nước để trên bàn.

Anh Nam (Hà Nội) cho hay bản thân hay dùng cốc thủy tinh để uống nước ở văn phòng. Trung bình mỗi ngày anh uống từ 2-3 lít nước. Tuy nhiên, anh thường rửa cốc 3 ngày/lần, có khi anh chỉ tráng qua nước nóng mà không chú ý vệ sinh kỹ. 

Theo lời anh Nam, bản thân anh cho rằng việc đậy nắp cốc sau khi rời khỏi văn phòng là cách tốt nhất để tránh vi khuẩn thâm nhập. Mới đây, anh bị đau bụng dữ dội. Khi tới bệnh viện, bác sĩ cho rằng nguyên nhân chính là do cốc dùng uống nước ở văn phòng của anh đã lâu không được vệ sinh.

"Từ đó, tôi bắt đầu ý thức được việc vệ sinh cốc nước uống. Sau mỗi ngày, tôi đều vệ sinh bằng nước rửa chén. Sau khi uống trà, sữa, tôi rửa ngay để tránh vi khuẩn. Đặc biệt, để tránh chuột, tôi luôn chú ý đến việc đậy nắp sau giờ làm", anh Nam nói.

Trong khi đó, chị Ngà (Hà Nội) cho biết ý thức được việc vệ sinh cốc nước là giữ sức khỏe cho bản thân, chị thường xuyên vệ sinh. Việc để cốc kéo dài 1-2 ngày không vệ sinh sẽ là nguy cơ cho các mầm bệnh phát triển. Trong đó, dân văn phòng thường dùng cốc để uống nước trà đặc biệt là sữa, ngũ cốc nên càng là môi trường để vi khuẩn phát triển.

"Tôi nghĩ việc tráng bằng nước sôi nóng hoàn toàn không tiêu diệt được hết vi khuẩn như nhiều người vẫn nghĩ. Có những vi khuẩn "cứng đầu" làm sao chúng có thể chết ngay dưới tác động của nước sôi nóng", chị Ngà cho hay.

Quan niệm sai lầm

Không ít người làm văn phòng vẫn mang theo quan điểm tráng qua nước sôi nóng là cốc uống nước có thể sử dụng mà không cần đến lau chùi. Điều đó vô tình khiến cho những chiếc cốc nước ít được vệ sinh, để suốt nhiều tháng trời không được lau chùi.

Bác sĩ Trần Hiền (Phòng khám đa khoa Hiền Minh) cho hay quan niệm nước sôi nóng dùng để tráng qua bên trong cốc nước giúp sạch vi khuẩn là không đúng và không có cơ sở. Nếu muốn diệt một phần vi khuẩn cũng phải đun sôi ít nhất 10-15 phút. Còn việc tráng qua nước sôi chỉ mới 70-80 độ C không đủ sức diệt vi khuẩn.

"Trên thực tế, dân văn phòng vì bận công việc nên thường coi nhẹ việc vệ sinh chỗ làm việc như bàn phím, mặt bàn, cốc uống nước... điều này dẫn đến cốc nước có thể có những mảng bám, tích tụ vi khuẩn", bác sĩ Hiền nói.

Bằng mắt thường chúng ta hoàn toàn không thể thấy được những vi khuẩn có thể bám lại trên thành cốc, miệng cốc hay trong lòng cốc. Các vi khuẩn này không chỉ có từ trong không khí, môi trường xung quanh bám vào mà còn có thể lan từ miệng, da, tay của người sử dụng vào cốc. Theo các nghiên cứu, trên cơ thể người có nhiều vi khuẩn, khi chúng bám và tích tụ lâu trên cốc nước mà không được vệ sinh sạch sẽ rất nguy hiểm, có thể gây ngộ độc, nhiễm khuẩn, đau bụng...

Bác sĩ Hiền cho hay: "Điều đáng lo hơn là phần lớn cốc không có nắp đậy. Sau 1 đêm để ở văn phòng, không ai có thể phát hiện chuột, gián đã bò vào bên trong hay chưa. Đây đều là những con vật trung gian truyền bệnh. Việc dùng nước sôi nóng trong bình nước văn phòng để tráng qua là chưa đủ để tiêu diệt các vi khuẩn còn bám lại từ những con vật này để lại".

Vì vậy, dân văn phòng phải vệ sinh sạch sẽ bằng cách dùng dung dịch rửa chén và giẻ sạch ngay sau mỗi buổi làm việc. Nếu uống trà, cà phê hay sữa, ngũ cốc phải vệ sinh ngay, không để kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, vì vi khuẩn có thể phát triển ngay. Bên cạnh đó, các cốc cần phải có nắp đậy nhất là khi để qua đêm để tránh các con vật như chuột, gián, ruồi, muỗi đậu vào và làm lan truyền vi khuẩn vào bên trong. 

Đông Ngân

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Muốn trở thành một cô nàng trendy trong Hè này, đây là các kiểu trang phục mà bạn nên 'thuộc lòng’