Tết Hàn Thực là gì? Sự tích và ý nghĩa của Tết Hàn Thực
Tết Hàn Thực là gì?
Tết Hàn Thực là một trong những ngày lễ thường lệ của người dân Việt Nam, diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch. Trong tiếng Hoa "hàn thực - 寒 食 " nghĩa là "thức ăn lạnh", trong ngày Tết này, mọi người thường nấu các món ăn lạnh như xôi chè, bánh trôi, bánh chay lại để lễ Phật và cúng gia tiên.
Tết Hàn Thực ban đầu xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc, sau đó du nhập vào một số tỉnh miền bắc Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới.
Tết Hàn Thực là một lễ Tết của người Việt diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm
Tết Hàn Thực là ngày nào?
Theo tục lệ, Tết Hàn Thực sẽ diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm. Năm nay (2022), Tết Hàn Thực sẽ rơi ngày Chủ nhật, mùng 3 tháng 4 Dương lịch.
Tết Hàn Thực có nguồn gốc từ nước nào?
Tết Hàn Thực có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Sự tích Tết Hàn Thực
Để hiểu rõ hơn về Tết Hàn Thực là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua sự tích Tết Hàn Thực, nguồn gốc ra đời của ngày Tết này nhé!
Tết Hàn Thực vốn bắt nguồn từ một câu chuyện xưa tại Trung Quốc, vào thời Xuân Thu (770 - 221 TCN).
Chuyện kể rằng, vào thời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công của nước Tấn gặp loạn, phải từ bỏ quốc gia, sống cảnh lưu vong nay nước Tề mai nước Sở. Lúc bấy giờ đã có một vị hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi đã hết mình phò tá, giúp sức, bày mưu kế cho vua Tấn Văn Công.
Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, để cứu vua khỏi cảnh chết đói, Giới Tử Thôi đã lén cắt một miếng thịt đùi của mình để nấu dâng lên vua ăn. Vua Tấn Văn Công sau khi ăn xong, hỏi ra mới biết sự tình, trong lòng vô cùng cảm kích tấm lòng và sự hy sinh của Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi lén cắt một miếng thịt đùi của mình để nấu dâng lên vua ăn
Giới Tử Thôi theo phò tá vua Tấn Văn Công trong suốt mười chín năm trời, trải qua nhiều gian nan vất vả, nguy hiểm trùng trùng. Sau này, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, đã phong thưởng hậu hĩnh cho những người có công phò trợ, nhưng lại vô tình quên mất một Giới Tử Thôi đã cùng vua vào sinh ra tử, nằm gai nếm mật.
Mặc dù không được vua Tấn Văn Công nhớ đến nhưng Giới Tử Thôi cũng không hề oán trách, bởi ông luôn cho rằng phò tá vua là trách nhiệm cũng là nghĩa vụ của bề tôi chứ không phải là lý do để đổi lấy vinh hoa phú quý. Thế nên, dù không được nhà vua nhớ đến, ông cũng không hề oán trách mà lẳng lặng về quê nhà, cùng mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn, sống những ngày tháng yên bình, hưởng lạc.
Mãi sau này, vua Tấn Văn Công mới nhớ ra, bèn sai người quay lại tìm Giới Tử Thôi. Tuy nhiên, là một người không màng danh vọng, đã quyết chí lui về ở ẩn, Giới Tử Thôi nhất quyết không chịu quay về lĩnh thưởng. Sau nhiều lần thuyết phục không thành, để thúc ép ông xuất hiện, vua Tấn Văn Công đã ra lệnh đốt rừng. Nhưng không ngờ rằng, Giới Tử Thôi lại kiên định đến vậy, thà cùng mẹ chịu cảnh chết cháy trong rừng chứ không quay trở về.
Vua Tấn Văn Công vì muốn thúc ép Giới Tử Thôi xuất hiện mà cho người đốt rừng nơi ông sống
Vua thương xót, hối hận vì hành động thúc ép của mình đã cho lập miếu thờ Giới Tử Thôi trên núi nơi ông từng sống và đổi tên núi thành Giới Sơn. Từ đó về sau, vua Tấn Văn Công đã hạ lệnh trong dân gian phải kênh đốt lửa ba ngày (khoảng từ mùng 3 tháng 3 đến mùng 5 tháng 3 Âm lịch hằng năm) và chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn trong những ngày này để bày tỏ lòng tưởng nhớ đến Giới Tử Thôi.
Ngày 3 tháng 3 hằng năm cũng từ đó trở thành ngày người dân Trung Quốc tổ chức lễ tưởng nhớ đến vị hiền sĩ Giới Tử Thôi. Đồ cúng sẽ phải chuẩn bị từ hôm trước vì lệnh cấm lửa. Cái tên Tết Hàn Thực - Tết ăn lạnh có lẽ cũng vì đó mà ra đời.
Ý nghĩa Tết Hàn Thực
Ý nghĩa Tết Hàn Thực ở Trung Quốc
Như đã nói ở trên, Tết Hàn Thực ở Trung Quốc là ngày người dân Trung Quốc tổ chức lễ tưởng nhớ đến vị hiền sĩ Giới Tử Thôi. Trong 3 ngày từ ngày mùng 3 tháng 3 cho đến ngày mùng 5 tháng 3 Âm lịch, người dẫn sẽ kiêng đốt lửa và chỉ sử dụng thức ăn nguội đã nấu sẵn từ trước.
Ý nghĩa Tết Hàn Thực ở Việt Nam
Dù bắt nguồn từ Tết Hàn Thực ở Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam, Tết Hàn Thực đã mang một ý nghĩa tâm linh khác, phong tục cúng Tết Hàn Thực tại Việt Nam cũng có nhiều thay đổi so với Trung Quốc, phù hợp hơn với văn hóa của người Việt.
Thực tế tại Việt Nam, Tết Hàn Thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay, mang đậm nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. Tết Hàn Thực ở Việt Nam mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, về tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất.
Tết Hàn Thực ở Việt Nam mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, về tổ tiên
Trong ngày Tết Hàn Thực, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để lễ Phật và cúng gia tiên. Thậm chí tại một số địa phương còn cúng thần hoàng để bày tỏ lòng thành.
Mâm cúng lễ Tết Hàn Thực thường bao gồm nhang, trầu cau, hoa quả tươi, 1 ly nước sạch để thể hiện tâm trong sạch, thanh tịnh của gia chủ khi làm lễ. Tất nhiên, mâm cúng Tết Hàn Thực cũng không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Đặc biệt luôn phải có 3 hoặc 5 đĩa bánh trôi, 3 bát bánh chay để đặt lên bàn thờ.
Tết Hàn Thực ở Việt Nam cũng là dịp để các thành viên trong gia đình có thể sum họp, quây quần bên mâm cơm gia đình, cùng nhau chuẩn bị bánh trôi, bánh chay dâng lễ Phật và cúng gia tiên. Sau đó sẽ cùng nhau thưởng thức những viên bánh trôi, bánh chay đó.
Tục ăn bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn Thực ở Việt Nam
Như đã nói ở trên, khi du nhập vào Việt Nam, Tết Hàn Thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay của người Việt và ít có liên hệ với Tết Hàn Thực ở Trung Quốc. Vào ngày này, các gia đình Việt thường làm bánh trôi, bánh chay để lễ Phật và cúng gia tiên. Cũng chính vì thế mà bánh trôi còn được gọi là bánh Hàn Thực.
Tết Hàn Thực bánh trôi bánh chay
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tục ăn bánh trôi, bánh chay vào Tết Hàn thực ở Việt Nam nhiều khả năng được du nhập vào thời Lê, thịnh hành vào giai đoạn Lê Trung Hưng - Nguyễn. Năm 1773, Lê Quý Đôn có viết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn".
Theo giải thích của Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (viết vào khoảng thế kỷ 16 thời Lê) giải thích: "Trôi nước có hiệu Thủy đoàn, trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh".
Ý nghĩa của bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn Thực ở Việt Nam
Bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn Thực ở Việt Nam đều được làm từ bột gạo nếp mang đậm ý nghĩa của văn hóa lúa nước của người Việt tương tự như bánh chưng, bánh giầy.
Hình ảnh bánh trôi, bánh chay được nặn hình tròn, trắng xếp đầy cạnh nhau thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ đến sự tích “mẹ Âu Cơ và bọc trăm trứng”.
Bánh trôi tượng trưng cho 50 người con theo mẹ Âu Cơ đi xuống biển, bánh chay tượng trưng cho 50 người theo cha Lạc Long Quân lên rừng.
Tết Hàn Thực cúng gì?
Mâm cỗ cúng tổ tiên trong ngày Tết Hàn Thực thường bao gồm những lễ vật như: hương, hoa, trầu cau, bánh trôi, bánh chay, mâm ngũ quả, nước sạch. Cụ thể như sau:
- Hoa: Bạn có thể chọn hoa cúc hoặc hoa hồng để cúng.
- Hương: 3 nén nhang.
- Trầu cau: Rửa sạch trầu cau, để ráo hoặc lấy khăn giấy sạch lau khô.
- Bánh trôi, bánh chay: 3 hoặc 5 đĩa bánh trôi, 3 bát bánh chay.
- Mâm ngũ quả: Tùy vào từng mùa, từng điều kiện của mỗi gia đình mà bạn có thể chọn loại quả phù hợp. Tuy nhiên, mâm ngũ quả cúng tổ tiên nên có đủ màu sắc như xanh, đỏ, vàng, tím… để đại diện cho ngũ hành, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với tổ tiên đồng thời ước mong những điều tốt lành.
- Nước sạch: Rửa sạch chén/ly nước, lau khô rồi rót một chén nước sạch. Lưu ý không nên rót quá đầy nước, tránh làm nước tràn ra ngoài.
Mâm cổ cúng tổ tiên trong ngày Tết Hàn Thực
Lưu ý khi cúng Tết Hàn Thực
Ngày nay, với sự đa dạng trong chế biến món ăn, cách chế biến bánh trôi, bánh chay cũng đa dạng với nhiều màu sắc khác nhau. Nhiều gia đình cũng thường sử dụng các loại bánh trôi, bánh chay nhiều màu sắc để cúng tổ tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, điều này không đúng với nguyên gốc của Tết Hàn Thực.
Bánh trôi, bánh chay nguyên bản trong Tết Hàn Thực ở Việt Nam là màu trắng, hình tròn thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ đến sự tích “mẹ Âu Cơ và bọc trăm trứng” đồng thời cũng thể hiện khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn, tròn đầy và tinh khiết.
Ngoài ra, khác với những ngày lễ Tết khác trong năm, Tết Hàn Thực không yêu cầu “mâm cao, cỗ đầy” mà thiên về sự đơn giản. Con cháu chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, bánh chay để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và cầu mong cho những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống là được.
Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh minh?
Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm, là một ngày lễ hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất. Cũng vì thế mà Tết Hàn Thực thường bị nhầm lẫn với Tết Thanh minh, một ngày lễ Tết khác cũng diễn ra trong tiết trời tháng 3 Âm lịch, hay còn được biết đến là ngày Tết tảo mộ, là ngày con cháu đi tảo mộ gia tiên, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên.
Tuy nhiên, thực tế, Tết Hàn Thực không phải là Tết Thanh minh, đây là 2 ngày Tết hoàn toàn khác nhau.
Tết Hàn Thực không phải là Tết Thanh minh
Nếu Tết Hàn Thực diễn ra cố định vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Thì Tết Thanh minh mặc dù cũng diễn ra vào tiết trời tháng 3 nhưng không có một ngày cố định mà thường diễn ra sau ngày Đông Chí 105 ngày và sau ngày Lập Xuân 45 ngày.
Đến đây chắc hẳn các bạn đã có lời đáp cho câu hỏi Tết Hàn Thực là gì rồi phải không nào? Mong rằng với những chia sẻ trong bài viết hôm nay của Emdep.vn, các bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về Tết Hàn Thực, hiểu rõ hơn về sự tích cũng như ý nghĩa Tết Hàn Thực ở Việt Nam. Chúc các bạn có một ngày Tết Hàn Thực ấm áp, sum họp bên người thân, gia đình!
Minh LT (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất